Mang nhiều máy ảo vào một phần cứng duy nhất nhờ ảo hóa.

Hiện nay công nghệ ảo hóa tồn tại ở khắp mọi nơi, từ những công ty nhỏ đến các trung tâm dữ liệu có hàng nghìn máy tính, là tiền đề cho điện toán đám mây. Ảo hóa cũng là công cụ tuyệt vời cho những người phát triển web, lập trình web. Loạt bài viết sau sẽ giới thiệu cách sử dụng và cấu hình để tạo máy ảo trong VirtualBox, phục vụ cho phát triển web.

Loạt bài này gồm 3 phần:

  1. Giới thiệu công nghệ ảo hóa và ứng dụng VirtualBox
  2. Tạo và cấu hình máy ảo LAMP với VirtualBox
  3. Các thiết lập nâng cao

Công nghệ ảo hóa

Ảo hóa là gì

Ảo hóa, hiểu theo cách đơn giản là công nghệ giúp tạo ra các máy tính ảo dựa trên phần cứng thật (máy tính vật lí). Thay vì mỗi phần cứng chỉ tạo ra một máy tính, thì giờ đây bạn có thể tạo ra nhiều máy ảo, có chức năng hoàn toàn giống máy thật.

Thí dụ, trên máy tính vật lí chạy Windows XP (gọi HĐH chủ) bạn có thể tạo hai máy tính ảo lần lượt sử dụng Ubuntu 9.10 và Windows 7 (gọi là các HĐH khách). Ngoài ra, còn có các giải pháp tự nhiên, tạo máy ảo ngay trên phần cứng mà không cần HĐH chủ.

Giải pháp ảo hóa không chỉ gói gọn trên một phần cứng vật lí, bạn có thể tạo một máy ảo duy nhất trên nhiều máy tính vật lí. Lúc đó, khả năng của máy ảo sẽ thay đổi theo số lượng máy tính vật lí sử dụng để ảo hóa.

Như vậy lợi ích của ảo hóa là gì? Bạn có thể sử dụng một phần cứng duy nhất cho nhiều máy ảo mà không sợ xung đột giữa các máy ảo với nhau, có thể dễ dàng thay đổi phần cứng mà không cần mất thời gian nâng cấp, di chuyển dữ liệu, chương trình, có thể tăng giới hạn của máy tính bằng cách tạo một máy ảo trên nhiều phần cứng thật...

Một lợi ích khác của ảo hóa, mà chúng ta không bàn tới trong loạt bài viết này, là khả năng sử dụng phần mềm tối thiểu, tùy theo nhu cầu phần cứng. Không còn cần thiết một HĐH với hàng nghìn trình điều khiển thiết bị (driver) kèm theo, mà chỉ một HĐH mini, phù hợp với phần cứng máy ảo. Vì vậy, từ lâu, có nhiều ý kiến cho rằng VMware - người dẫn đầu trong ảo hóa - mới là đối thủ của Microsoft chứ không phải Google hay thế giới Linux.

Ứng dụng ảo hóa trong phát triển web

Đối với người phát triển web, lợi ích của ảo hóa thật rõ ràng. Bạn có thể tạo một máy ảo, cài đặt và thử nghiệm chương trình trên đó mà không sợ xung đột với máy tính đang làm việc. Bạn có thể tạo nhiều máy ảo và thử nghiệm kết nối giữa các máy tính. Ngoài ra, việc sao lưu dữ liệu trên máy ảo cũng thật dễ dàng, và việc thay đổi máy tính làm việc cũng không ảnh hưởng đến môi trường phát triển đã ảo hóa của bạn.

Cho dù bạn làm việc độc lập, hoặc làm việc tại công ty với máy chủ thử nghiệm riêng, thì ảo hóa cũng cần thiết để tạo ra các môi trường thử nghiệm độc lập. Cho dù máy tính bị hỏng hóc phần cứng, bạn cũng không cần phải cài đặt lại HĐH, cấu hình lại vất vả... mà chỉ cần chuyển máy ảo (được sao lưu) sang phần cứng mới trong 5 phút. Ngay cả khi công ty có nhiều máy tính, thì ảo hóa cũng vẫn cần thiết!

Giới thiệu VirtualBox

Các giải pháp ảo hóa nổi bật hiện nay gồm có Virtual PC (của Microsoft), VMware và VirtualBox. Trong đó, các giải pháp của VMware có giá khá cao, còn Virtual PC chỉ hỗ trợ Windows (bản mới nhất chỉ hỗ trợ Windows 7) và chỉ dùng với HĐH khách là Windows. Do đó, chúng ta sẽ quan tâm đến VirtualBox, là sản phẩm miễn phí mã nguồn mở, chạy trên cả Windows, Mac OS X lẫn Linux, và hỗ trợ rất nhiều HĐH khách khác nhau.

Có một số giải pháp khác để tạo máy chủ web thích hợp hơn VirtualBox, nhưng chúng ta chỉ xem xét các phần mềm tạo máy ảo ngay trên máy tính dùng để làm việc chứ không phải tạo máy ảo trên một phần cứng dành riêng.

VirtualBox là sản phẩm mã nguồn mở được InnoTek phát triển, sau đó Sun mua lại vào năm ngoái và đã phát triển rất nhanh sau đó. Với giao diện dễ dùng và giấy phép GPL, việc phát hành trở nên thuận tiện và VirtualBox đã trở thành đối thủ đáng gờm của VMware.

Ảnh
Phiên bản VirtualBox 3.1 mới nhất.

Mặc dù phiên bản cho cá nhân được sử dụng miễn phí, nhưng để triển khai trong công ty, bạn cần trả 30 USD/người dùng, đồng thời cũng nhận được hỗ trợ đặc biệt từ Sun. Phiên bản 3.1 phát hành hôm 30/11 đã tăng cường các tính năng dành cho doanh nghiệp, như là di chuyển sang phần cứng khác mà không ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của máy ảo. Chức năng snapshot theo nhánh cũng được bổ sung. Ngoài ra, theo Sun, tốc độ của phiên bản 3.1 nhanh hơn đến 30% so với bản trước.

Ngoài các tính năng trên, VirtualBox còn hỗ trợ đồ họa 3D mượt mà cũng như hỗ trợ VXL đa nhân trên máy ảo. Một tính năng nổi bật khác của VirtualBox là chế độ “seamless” (liền mảnh), cho phép các cửa sổ chương trình của máy ảo và máy thật sử dụng chung Desktop.

Ảnh
Giao diện cửa sổ Ubuntu và Windows sử dụng chung màn hình làm việc.

Công việc cài đặt VirtualBox khá đơn giản, bạn tải về tại đây. Sau khi cài đặt, hãy thử nghịch ngợm (chẳng hạn như sử dụng Chrome OS trên máy ảo) trước khi sang phần hai: Tạo và cấu hình máy ảo LAMP với VirtualBox.

Hải Nam.




Bình luận

  • TTCN (3)
Bùi Minh Triết  1003

Có vẻ thú vị đó. Đang chờ phần 2 của bài viết này.

visiter

Hay quá, cảm ơn tác giả lắm. Tác giả xuất bản phần II nhanh giúp em nhé.

decon

Tác giả có thể hướng dẫn cách cài máy ảo mà không cần hệ điều hành chủ không?