Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng giới thiệu Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện tại buổi họp báo. Ảnh: TK.

Sáng qua (17/12), Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Viễn thông. Đây là 2 luật đã được kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết Luật Viễn thông quy định các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như thiết lập hạ tầng mạng viễn thông.

Theo Thứ trưởng, mặc dù cơ sở hạ tầng viễn thông Việt Nam trong thời gian qua đã phát triển rất nhanh, song quy mô và sự phát triển bền vững so với các nước trong khu vực và thế giới vẫn còn nhiều hạn chế. Để phát triển mạng viễn thông rộng khắp cả nước đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Việt Nam vẫn cần những nguồn đầu tư rất lớn để phát triển mạng viễn thông quốc gia. Do đó việc huy động, khuyến khích mọi nguồn lực của xã hội, kể cả thành phần kinh tế tư nhân tham gia phát triển hạ tầng là hết sức cần thiết. Thứ trưởng cho biết, Luật Viễn thông đã quy định việc quy hoạch công trình viễn thông được xác định là một bộ phận quan trọng phải có trong quy hoạch xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư xây dựng và tạo thuận tiện cho việc cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông. Đồng thời dự án Luật cũng khuyến khích các biện pháp đảm bảo mỹ quan đô thị, khu dân cư trong phát triển hạ tầng mạng viễn thông như ngầm hóa mạng cáp viễn thông tại các khu đô thị.

Với Luật Tần số vố tuyến điện, Thứ trưởng cho rằng những nguyên tắc cấp phép sử dụng tần số trong Luật này sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho việc ứng dụng các công nghệ vô tuyến mới có hiệu quả sử dụng tần số cao hơn, dành băng tần cho các công nghệ và dịch vụ mang lại lợi ích kinh tế xã hội nhiều hơn cho cộng đồng, đồng thời cũng sẽ hạn chế việc sử dụng băng tần quý hiếm cho các công nghệ lạc hậu kéo dài gây lãng phí tần nguồn tài nguyên tần số.

Luật Tần số vô tuyến điện cũng đã bổ sung hình thức cấp phép theo cơ chế thị trường thông qua việc thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng tần số, cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng trong trường hợp cấp phép bằng phương thức đấu giá. “Những quy định mới này sẽ cho phép lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực thực sự, cung cấp dịch vụ tốt nhất, sử dụng hiệu quả tài nguyên phổ tần số vô tuyến điện. Tính minh bạch trong cấp phép các băng tần quý hiếm sẽ cao hơn”, Thứ trưởng nói.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)