Nếu số "đen", bạn có thể mua phải một chiếc máy nghe nhạc iPod nhiễm virus từ trong nhà máy. Ảnh: iPod Treasure.

Từ máy nghe nhạc iPod cho đến hệ thống dẫn đường GPS, nhiều thiết bị điện tử ăn khách hiện nay nghênh ngang tiến ra thị trường với món quà "khuyến mại" chẳng ai-muốn-có từ nhà sản xuất: Virus cài sẵn.

Những con virus này âm thầm trú ẩn bên trong những thiết bị "mới tinh tươm", tưởng như "tiệt trùng hoàn toàn", sẵn sàng đánh cắp mật khẩu, mở toang cửa cho hacker lẻn vảo và thực hiện mưu đồ mà người dùng chẳng hề hay biết.

Made-in Trung Quốc?

Từ nhiều năm nay, người dùng đã được nghe cảnh báo liên tục về khả năng dính virus khi mở file đính kèm email khả nghi, hoặc download nội dung sex bừa bãi.

Nhưng bây giờ, họ biết làm sao khi "đen đủi" vớ phải một thiết bị mới có-chứa-virus cơ chứ?

Chỉ cần đấu nối iPod, khung ảnh số đang bày bán trong Best Buy hay thiết bị dẫn đường Tom Tom vào máy tính, bạn đã trở thành nạn nhân của virus một cách oan uổng.

Trong đa số các trường hợp, nguồn phát tán virus chính là các nhà máy sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc.

"Tại sao lại là Trung Quốc, khi tôi mua hàng hiệu hẳn hoi cơ mà?", các nạn nhân tự hỏi. Ấy là vì nhiều hãng công nghệ phương Tây đã đặt hàng phía Trung Quốc gia công thiết bị để tiết kiệm chi phí và hạ thấp giá thành cho sản phẩm.

Theo giới chuyên môn, tình trạng virus cài sẵn xảy ra có lẽ là do cơ chế kiểm soát chất lượng quá lỏng lẻo.

Có thể bản thân hacker hay nhà máy tại Trung Quốc không cố ý phá hoại, nhưng một anh công nhân bất cẩn nào đó đã đấu chiếc máy nghe nhạc nhiễm virus của mình với hệ thống máy tính nhà máy chẳng hạn.

Mọi việc còn trở nên tồi tệ hơn, nếu như virus được cài vào máy từ những giai đoạn sản xuất đầu tiên. Khi ấy, phạm vi lây lan của virus sẽ là cực rộng và ngay cả nhà sản xuất cũng không thể ngăn chặn nổi.

Nguy cơ manh nha

Ảnh
Thiết bị dẫn đường GPS TomTom cũng dính virus ngay từ khâu sản xuất. Ảnh: Incartechnology.

Jerry Askew, một chuyên gia máy tính sống tại Los Angeles, đã mua một khung ảnh số Uniek làm quà tặng sinh nhật lần thứ 81 cho mẹ của anh.

Nhưng khi đấu khung ảnh với máy tính, chương trình diệt virus trong máy lập tức báo động inh ỏi.

Chiếc khung ảnh giá 50USD do Trung Quốc sản xuất này nhiễm tới 4 loại virus khác nhau, trong số đó có một chương trình chủ định đánh cắp mật khẩu.

"Không thể ngờ được", Askey ngao ngán bình luận.

Chuyện nhiễm virus có thể chỉ là tai nạn tình cờ, song nếu hacker đánh hơi thấy cơ hội này và đào sâu khai thác, chúng sẽ tìm thấy cả một "mỏ vàng" lớn.

"Thời gian tới chúng ta sẽ chứng kiến những trường hợp kiểu này nhiều hơn. Có vẻ như hacker mới đang thử nghiệm thôi, hoặc giả chúng muốn kiểm tra xem có đáng làm như vậy không", chuyên gia Zulfikar Ramzan của hãng Symantec bình luận.

Hàng ngàn người dùng sẽ có nguy cơ nhiễm virus từ sản phẩm mới, nếu như phần mềm diệt virus bên trong máy tính của họ không được cập nhật. Mà có lẽ, ngay cả phần mềm bảo vệ cũng chẳng đủ.

Lấy thí dụ, nhiều khung ảnh số bày bán tại cửa hàng của Sam’s Club có chứa loại virus không chỉ đánh cắp mật khẩu chơi game trực tuyến mà còn vô hiệu hóa luôn phần mệt diệt virus.

Các hãng lúng túng

"Bạn có thể tự bảo về mình trước nguy cơ virus "nhà máy khuyến mại" bằng cách kiểm tra và quét virus thường xuyên", Symantec khuyến cáo.

Apple, hãng có sản phẩm máy nghe nhạc iPod bị dính virus, cho biết số lượng thiết bị "dính chưởng" không nhiều.

"Đây là lô video iPod được sản xuất từ năm 2006, và có vẻ như chúng đã bị nhiễm virus từ máy tính dùng để chạy thử phần mềm".

Best Buy, hãng bán lẻ đồ điện tử gia dụng lớn nhất tại Mỹ, cũng cho biết đã thu hồi tất cả các khung ảnh số dính virus do Trung Quốc sản xuất trên toàn hệ thống. Sam’s Club và Target đang tiến hành điều tra vụ việc nhưng không đưa ra lời bình luận nào.

Hãng sản xuất thiết bị dẫn đường GPS TomTom ăn khách thậm chí còn "lờ tịt" những câu hỏi do AP đặt ra về chuyện virus cài sẵn.

Một số nhà sản xuất khác mà AP liên hệ cũng tìm cách lảng tránh, hoặc thẳng thừng từ chối bình luận.

(Theo Vietnamnet/AP)



Bình luận

  • TTCN (0)