Thi thoảng lại có câu chuyện tìm lại điện thoại bị mất trộm.

Có nhiều phần mềm định vị, bảo mật với tính năng chống trộm hỗ trợ tìm thiết bị mất cắp nhưng nhiều người vẫn coi việc tìm được chỉ là sự may mắn.

Thi thoảng trên báo chí, câu chuyện tìm lại được smartphone bị mất nhờ phần mềm định vị được chia sẻ như một minh chứng cho sự hiện đại của công nghệ cũng như may mắn của chủ nhân. Đơn cử như trường hợp anh Nguyễn Thanh Lâm ở ấp Long Mỹ, xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành (Tây Ninh), bị mất chiếc điện thoại HTC trị giá hơn 15 triệu đồng. Sau hai ngày theo dõi qua phần mềm định vị được cài đặt trên máy để cung cấp chứng cứ cho công an, anh đã tìm lại được chiếc điện thoại ở một nơi cách chỗ anh 250 km.

Mới đây, trên nhiều diễn đàn công nghệ còn lan truyền câu chuyện tìm lại được chiếc điện thoại Nokia Lumia 920 nhờ tính năng lưu trữ đám mây (SkyDrive). Thông qua các bức ảnh chụp "tự sướng" của kẻ gian từ điện thoại và lưu tự động lên SkyDrive (may mắn cho chủ nhân là kẻ gian chưa vô hiệu tài khoản này), công an đã tìm ra kẻ gian. Chủ nhân chiếc điện thoại đã nhận được nhiều chúc mừng vì "may mắn gặp tên trộm không biết gì về công nghệ” cũng như ca ngợi sự "lợi hại" của tính năng lưu trữ ảnh trên đám mây. Câu chuyện cũng giúp nhiều thành viên rút ra kinh nghiệm không nên vì sợ tốn pin mà tắt hết các tính năng không cần thiết như GPS, 3G, Wi-Fi…

Trước đây, với các điện thoại cơ bản, khi máy rơi vào tay người khác, chỉ cần họ thay sim (thay số) thì không còn cách nào liên lạc được. Nếu muốn tìm lại điện thoại hoặc phải nhờ đến nhà mạng truy theo số IMEI của máy, số thuê bao mới rồi cùng các nghiệp vụ điều tra để tìm ra chủ số thuê bao mới. Nhìn chung quy trình khá rất phức tạp và phiền phức. Nhưng với các thiết bị thông minh ngày nay, có rất nhiều tính năng, phần mềm (do nhà sản xuất thiết bị và các hãng bảo mật phát triển) có thể chụp ảnh người nhập mật khẩu sai bằng camera trước và gửi tin nhắn hoặc e-mail, lưu ảnh vào thư viện ảnh; thiết lập tối đa số lần đánh sai trước khi chụp ảnh; gửi định vị, thời gian của người đánh password sai vào e-mail… Nhờ đó, tự người dùng có thể biết ngay chính xác địa chỉ thiết bị của mình đang ở đâu, kể cả biết rõ mặt kẻ đang dùng điện thoại của mình.

Trong các vụ mất cắp nói trên, công nghệ đã hỗ trợ rất tốt, giúp công an nhanh chóng tìm ra thủ phạm. Nhưng trên thực tế, không ít người khi bị mất smartphone, máy tính bảng đành ngậm ngùi cho qua. Trên mạng xã hội, diễn đàn, không ít trường hợp bị mất smartphone, máy tính bảng đã chia sẻ và tìm kiếm sự tư vấn đại loại như “Làm sao lấy lại iPad bị mất khi biết rõ vị trí của máy”. Trong đó, nhiều phản hồi cho rằng “phải có người quen làm công an nhờ tìm cho”, “tiền bồi dưỡng thà mua máy mới còn hơn”, lại cũng có người cho rằng "không muốn làm lớn chuyện vì giá trị không phải lớn lắm”... Trên báo chí, thi thoảng một vài câu chuyện tìm được smartphone bị mất vẫn được chia sẻ như một điển hình của sự may mắn.

Ảnh
Ít người hi vọng tìm lại được smartphone, máy tính bảng khi đã bị mất.

“Công nghệ rất hiện đại nhưng cũng không nên ỷ lại vào tính năng thông minh của thiết bị. Smartphone, máy tính bảng hay laptop thường là nơi mọi người hay lưu giữ những dữ liệu quan trọng, vì vậy nên là vật bất li thân”, một chuyên gia bảo mật chia sẻ. "Trong quá trình sử dụng, người dùng nên cài một số phần mềm bảo mật để khóa/ngăn chặn người khác truy cập vào dữ liệu có trên thiết bị. Việc một số người có thói quen lưu mật khẩu tài khoản ngân hàng, thông tin về người thân như tên tuổi, địa chỉ, sinh nhật,… sẽ tạo điều kiện để kẻ xấu lợi dụng". Người dùng cũng nên lưu giữ lại những giấy tờ có thể chứng minh bạn đang là chủ sở hữu hợp pháp của thiết bị như hóa đơn mua bán, phụ kiện kèm theo máy, giấy bảo hành (nếu còn hạn) hay mô tả chính xác đặc điểm của máy (các tì vết nếu có) để thuận lợi khi có cơ hội đòi lại máy.

Theo Số Hóa




Bình luận

  • TTCN (0)