Hiện nay, dịch vụ OTT đã phát triển khá mạnh tại VN. Sự lớn mạnh nhanh chóng của dịch vụ OTT đã khiến nhà mạng trong nước và trên toàn cầu thất thu. Đây cũng là sức ép rất lớn cho 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và MobiFone.

Dịch vụ OTT là dịch vụ của những tổ chức cung cấp không có hạ tầng mạng, cung cấp dịch vụ trên mạng của các nhà khai thác dịch vụ viễn thông (CSP) và hưởng lợi từ việc cung cấp dịch vụ. Dịch vụ này cung cấp cho khách hàng qua mạng viễn thông của các CSP nhưng không phải là dịch vụ của CSP.

Phát triển thị trường viễn thông bền vững

Thực tế, tại thị trường VN các DN đang trông đợi các chính sách quản lí hay mô hình hợp tác cụ thể đối với dịch vụ OTT và nhà mạng. Ông Phạm Hồng Hải - Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin Truyền thông cho biết: Quan điểm của Bộ thông tin và Truyền thông (TT&TT) là phải phát triển thị trường viễn thông bền vững, duy trì cạnh tranh và nhà mạng phải đảm bảo tái đầu tư cho hạ tầng. Bộ TT&TT cũng ra chỉ thị cho các DN viễn thông hợp tác với các DN OTT để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Mọi dịch vụ cần đạt được chất lượng về dịch vụ, có những gói dịch vụ khác nhau cho các phân khúc khách hàng khác nhau. Đồng thời dịch vụ đó phải thông minh, đơn giản thuận tiện cho người sử dụng và độ tin cậy cao.

Ông Hải cho rằng các chính sách quản lí dịch vụ OTT cần được xem xét, cơ quan quản lí viễn thông sẽ dựa trên cơ sở ý kiến đề xuất của các DN có thể thu thập được những thông tin cần thiết để xây dựng chính sách quản lí phù hợp với điều kiện kinh doanh của các DN có hạ tầng và DN cung cấp dịch vụ cũng như thúc đẩy sự phát triển của công nghệ và các dịch vụ mới để mang đến cho người sử dụng những tiện ích tốt, phù hợp với nhu cầu và đảm bảo an toàn an ninh thông tin.

Do vậy, việc các bên cùng ngồi với nhau gồm các nhà họach định chính sách viễn thông, nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ OTT, các công ti cung cấp giải pháp là điều kiện để đưa ra những sáng kiếntriển khai việc này. Nguyên tắc cơ bản là các bên cùng có lợi, có điều kiện phát triển cộng sinh.

Cần có quy định pháp lí

Theo ông Nguyễn Việt Dũng - Trưởng phòng Kinh doanh của Tập đoàn Viettel: OTT đang có điều kiện phát triển tốt ở VN vì chưa bị quản lí và ở trong điều kiện cước 3G quá rẻ còn Wi-Fi miễn phí nhiều nơi. Hiện tỉ lệ smartphone chiếm tới 40% tổng số điện thoại của người tiêu dùng VN nên OTT có điều kiện tăng trưởng mạnh. Nếu so với các sản phẩm OTT nước ngoài thì sản phẩm trong nước kém cạnh tranh và chưa đa dạng. Các sản phẩm trong nước tập trung chủ yếu vào thoại và SMS miễn phí nên bị hạn chế nếu xét về dài hạn. VN chưa có khung pháp lí phù hợp cho OTT như quảng cáo, chất lượng dịch vụ, tin nhắn rác, bí mật thông tin khách hàng...

Còn về phía VinaPhone, ông Nguyễn Sơn Hải - Phó phòng kinh doanh cho rằng: Ảnh hưởng của OTT tác động đến doanh thu nhà mạng, hiện nay Vinaphone đã tiếp xúc đàm phán với nhiều nhà cung cấp dịch vụ OTT nhưng chưa có kết quả hợp tác vì mong muốn của các bên chưa gặp nhau. Hi vọng trong thời gian tới khi các cơ quan quản lí nhà nước có hướng dẫn chính sách cụ thể, các DN OTT cũng có sự cạnh tranh lành mạnh, lúc đó giữa mạng viễn thông truyền thống và OTT sẽ có tiếng nói chung, mang đến cho khách hàng sử dụng những tiện ích tốt nhất.

Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó tổng giám đốc MobiFone cho biết: Trong thời gian tới cần có hướng dẫn chính sách cụ thể đối với kinh doanh OTT. MobiFone đã xúc tiến gặp gỡ Viber, Zalo để bàn cách hợp tác sao cho đôi bên cùng có lợi song không thành công. Thời gian tới mạng di động này sẽ tiếp tục trao đổi đàm phán với các nhà cung cấp dịch vụ OTT để có tiếng nói chung.

Theo Diễn đàn Doanh Nghiệp




Bình luận

  • TTCN (0)