Theo dự kiến, kính viễn vọng sẽ được hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2022 nhằm cung cấp cho các nhà thiên văn học hình ảnh trực tiếp của nhiều hành tinh xa và mờ trong hệ Mặt Trời góp phần tìm hiểu rõ hơn về sự hình thành của những thiên hà đầu tiên sau vụ nổ Big Bang.

E-ELT là dự án kính viễn vọng lớn nhất thế giới được thiết lập bởi Đài quan sát thiên văn Nam Âu (ESO) vào năm 2006. Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu khiến cho 14 nhà tài trợ lâm vào tình trạng khó khăn tài chính. Do đó, dự án kính viễn vọng trị giá 1,3 tỷ đô la trên phải dời thời điểm khởi công tới năm 2012. Và cuối cùng thì những bước đầu tiên trong dự án vừa mới bắt đầu thực hiện trong năm nay.

Với mặt kính chính đường kính 39 mét, lớn gấp 4 lần so với các kính thiên văn hiện nay, E-ELT có khả năng thu thập ánh sáng gấp 100 triệu lần so với mắt người. Theo thông tin từ ESO, kính thiên văn E-ELT mạnh hơn ít nhất là 15 lần so với các kính thiên văn mạnh nhất ở thời điểm hiện tại. Với khả năng cung cấp hình ảnh độ sắc nét gấp 15 lần so với kính viễn vọng Hubble, các nhà khoa học tin rằng E-ELT sẽ góp phần giải đáp được 2 bí ẩn lớn nhất trong vũ trụ chúng ta là vật chất tối và năng lượng đen.

Để xây dựng được công trình khổng lồ như E-ELT, các nhà nghiên cứu đã phải san bằng khối đất đá cao 18 mét trên đỉnh của ngọn núi Cerro Armazones bằng lượng lớn thuốc nổ nhằm tạo ra được mặt bằng có kích thước bằng 2 sân vận động bóng đá. Nhà khoa học tham gia dự án, Joe Liske cho biết: "Các bạn hãy tưởng tượng để đặt một công trình lớn như E-ELT phải cần một mặt bằng tương ứng đủ lớn. Đồng thời cũng cần phải có thêm không gian chứa nguyên vật liệu và máy thi công có thể hoạt động."

Sau khi san bằng phần đỉnh, độ cao của ngọn núi Cerro Armazones sẽ giảm từ 3064 xuống còn 3046 mét và được coi là ứng cử viên sáng giá nhất để các nhà khoa học tại ESO đặt kính thiên văn E-ELT. Ngoài ra, theo tính, phòng điều khiển của kính thiên văn E-ELT sẽ được đặt tại ngọn núi Paranal cách đài quan sát chính nửa giờ đi xe.

Từ trước đến nay, hoang mạc Atacama tại Chile tự hào là điểm đến lý tưởng của các nhà thiên văn học để phục vụ công tác nghiên cứu. Nguyên nhân là do mỗi năm, vùng đất này có tới 320 đêm trời quang, ít ô nhiễm ánh sáng, độ ẩm thấp, không khí ổn định và có nhiều đỉnh núi cao tạo điều kiện khá hoàn hảo để quan sát thiên văn.

Theo Tinh Tế. Nguồn The Verge, Telegraph, Theguardian.


Bình luận

  • TTCN (0)