Ảnh: Wikimedia.

“Tốt” ở đây được hiểu theo nghĩa mang lại giá trị thiết thực cho cả người đọc lẫn trang web TTCN. Bài viết sẽ điểm qua một số sai lầm mà CTV hay mắc phải. Những sai lầm này thường xảy ra với những người không quen việc “viết lách” hay là không nắm những kĩ thuật tối ưu Web.

Trước tiên, bài viết cần có nội dung chính xác. Cung cấp thông tin không chính xác sẽ làm giảm đi sự tin tưởng của độc giả với website. CTV thường gặp phải lỗi này khi phóng đại thông tin, đưa những thông tin không có “nguồn”. Cá biệt, thỉnh thoảng có bài viết dài đến 20 dòng, nhưng lại đưa thông tin vừa sai vừa thiếu, không có cả những thông tin được viết rất chính xác trong bài gốc (tiếng Anh) vốn chỉ dài 5 - 7 dòng. Cần tránh chạy đua với số từ trong bài, cũng như việc phóng đại thái quá (cần phân biệt với thủ pháp “ngoa dụ”).

Tin tức không chính xác đôi khi xuất phát từ chính nguồn tin dùng để tham khảo. Theo quy ước chung, thì các blog cá nhân và các website có thứ hạng Alexa thấp đều không đáng tin cậy. Vì vậy không trích các nguồn này, trừ khi đó là nguồn đầu tiên và tin đã được xác nhận sau đó. Điều tương tự cũng áp dụng với các Website không phải tiếng Anh. Thí dụ, một trang tin tiếng Hoa, ngoại trừ các tin địa phương, thì tin tức quốc tế đều lấy từ nguồn khác. Tại sao không tham khảo trực tiếp các nguồn gốc bằng tiếng Anh?

Một khi đã có tin tức tin cậy, cần xác định xem tin đó có thu hút độc giả không. Mỗi bài viết của TTCN đều có thống kê số lượng người đọc. Vì dùng cache ở mức thấp, nên con số này nhỏ hơn thực tế khá nhiều, nhưng vẫn so sánh tương đối các bài viết với nhau được. Đôi khi, một bài viết cung cấp thông tin đặc sắc, dù chỉ thu hút một mảng nhỏ độc giả, vẫn được đăng. Một điểm khác cần quan tâm trước khi viết bài là xem thông tin đó đã được đăng chưa, hoặc đã được CTV khác viết chưa (dù chưa đăng).

Cuối cùng là việc trình bày bài viết. Trước tiên tôi xin được nhắc lại một số kĩ năng định dạng cơ bản: dùng Unicode dựng sẵn (không dùng Unicode tổ hợp), dùng danh sách bằng các nút ở thanh soạn thảo thay vì gõ kí tự “-”, dùng các định dạng đoạn (đề mục chính, phụ...) thay vì tô đậm tiêu đề bằng tay, không copy từ Word vào.

Điểm quan trọng thứ hai trong việc trình bày là tối ưu hoá bài viết. Có vài vấn đề cần lưu ý:

  • Chọn tiêu đề bài viết phù hợp, duy nhất, mô tả được nội dung (tiêu đề kiểu “LG giới thiệu điện thoại giá rẻ mới” là không phù hợp, cần có thêm tên điện thoại)
  • Tạo liên kết đến các bài viết liên quan đã đăng trên TTCN
  • Không tạo liên kết đến website khác, trừ khi đó là nguồn tin tham khảo hoặc là trang web chính thức của thông tin được giới thiệu

Bài viết này tổng hợp nội dung một số email đã gửi riêng rẽ trước đây cho từng CTV. Chúc các CTV có nhiều bài được đăng hơn, BBT sửa bài “thoải mái” hơn và TTCN ngày càng phát triển.

BQT TTCN.



Bình luận

  • TTCN (14)
mptu  325

Hải Nam không nên đăng bài này như một bài viết mà nên gửi trực tiếp cho CTV như một bài tham khảo.

Minh Đạt  823

Cũng chả có gì phải dấu giếm cả.

Tất nhiên là khả năng đầu tư của tác giả thường tỉ lệ với tiền nhuận bút.
Nhưng cũng chưa hẳn là thế, có rất nhiều bài viết trên Dantri, Vnexpress... viết rất chuối. Làm như vậy k0 chỉ mất uy tín cho cá nhân tác giả mà cho cả tờ báo nữa.

Có một điều nữa mà các CTV mới cần nắm (anh Hainam hay là Nemo đã từng nhắc ở 1 bài viết khác), đó là cần phải dịch cho phù hợp văn phong ở Vietnam.

Và phải đặt mình vào vị trí độc giả chứ, xem độc giả nghĩ sao về bài viết đó.
Nếu nhắm bài viết mình k0 thực sự cuốn hút thì tác giả nên tóm tắt nội dung trong title và phần mở đầu (phần chữ in đậm), để độc giả quyết định xem có nên đọc tiếp bài viết hay không.
Chứ nhiều bài viết tràn giang đại hải, rốt cục k0 hiểu tác giả định nói gì cả!!
Văn học lớp 9 thì gọi lối viết trên là "Diễn giải" đó (ngược với lối "Quy nạp"). Và đó cũng là nguyên tắc thường gặp đối với các mục tin tức.

Trừ khi tác giả tự tin bài viết mình lôi cuốn, hoặc nội dung kiến thức đậm đặc thì phần Mở đầu có thể hoa mỹ 1 tí cho phong cách!

Một số ý kiến cá nhân.
Chúc cho Thongtincongnghe ngày càng phát triển và có nhiều độc giả.

Nguyễn Mạnh Tùng  6533

Mục Blog BQT - nơi thông báo, nhắc nhở ... thì viết hoàn toàn được, chẳng có gì là không nên.

Hải Nam  30903

Chắc ý mptu thì đây nên là "tài liệu lưu hành nội bộ". Thôi, tất cả vì chất lượng chung của báo chí/trang tin VN.

Ngoài các chi tiết trong bài thì còn những chi tiết khác đề cập trong sổ tay CTV, để bài viết mang tính chuyên nghiệp. Thí dụ như chuẩn chính tả, có rất nhiều: dấu thập phân (2,2 GHz chứ không phải 2.2 GHz, hay là 1.234.567 hoặc 1 234 567 chứ không phải 1,234,567), viết hoa đúng chỗ, dùng đơn vị quen thuộc (°C, mét, kg... thay vì °F, bộ, ao-xơ gì đó), hay là kiểu "2.2 GHz processor" thay vì đúng phải là "processor 2,2 GHz" hoặc là "bộ vxl 2,2 GHz". Hoặc một lỗi hay gặp là "10 Megapixel" chứ không phải "10 Megapixels" (chữ "s" cuối là ngữ pháp tiếng Anh). Ngồi sửa mấy cái này mệt cả người.

Nemo Nguyen  21665

Quan trọng nhất vẫn là "nguồn tin đáng tin cậy", bài viết ko cần dài mà cần nội dung chính xác (nhất là về công nghệ hay thị trường). Chỗ nào CTV ko rõ thì đừng sáng tác bừa.

Bùi Anh Tuấn  624

Cuối cùng cái điều mà tôi mong muốn ở TTCN cũng đến! Dù chậm nhưng vẫn hơn không!

Đó là biết "tự phê bình" ! Với những người có đầu óc mở thì điều này chỉ làm cho họ mạnh hơn chứ không yếu hơn. Cứ như vậy tôi tin TTCN sẽ tốt hơn (có nghĩa là riêng tôi chưa hài lòng với TTCN ở hiện tại).

Bùi Anh Tuấn  624

Cái quan trọng nhất không phải là "nguồn tin đáng tin cậy"!

Mà là cái "tâm" và "trách nhiệm" của người đăng bài.

Nếu họ đăng bài vì mục đích "chia sẻ" cho người khác đọc thì sẽ rất đắn đo khi dịch không vừa ý, thậm chí không dịch nếu bản thân mình không hiểu.

Còn nếu chỉ dịch để đủ số từ để được nhuận bút maximum thì khi dịch họ sẽ "vô tư" mọi thứ kể cả độc giả, ngoại trừ vừa dịch vừa phỏng đoán số từ đủ hay chưa.

Điều này thì tôi cũng từng lên tiếng, nhưng có người bảo tôi "nên yên phận tơ tằm" nên thôi không nói nữa.

Bây giờ thì lại đến lúc BQT TTCN không chịu yên phận rồi! He he!

Huyền Nga  1868

@Hải Nam.
Về chuẩn chính tả, HNga có một chút thắc mắc là ví dụ, máy ảnh 3.2 Megapixel thì đề là máy ảnh 3,2 megapixel hay là giữ nguyên? Nếu dịch đúng chuẩn, thì phải tiếp tục thay ví dụ máy ảnh 8 chấm thành máy ảnh 8 phẩy không?

Hải Nam  30903

Chữ "chấm" luôn được để trong ngoặc kép mà. Số lượng pixel là 3,2 mega thì ghi là 3,2 chứ không ghi 3.2 được. Còn Windows Mobile 6.5 thì vẫn ghi 6.5, ở đây vừa hiểu là "ngoại lệ" vừa hiểu "6.5" là một cái tên.

Phạm Hoài An  163

Nên chăng tiền nhuận bút tính thêm yếu tố số lượng người xem thay vì số chữ. Như thế có thể giảm được tiêu cực khi viết bài.

Minh Đạt  823

Chưa chắc những bài có View cao đã là những bài được đầu tư nhiều. Thực ra thì dịch những bài chuyên nghành hẹp (ít người đọc)hoặc những bài phải đi tổng hợp số liệu sẽ khó hơn.

ATK  1019

Mình thấy độc giả của TTCN có vẻ ít quan tâm nhiều về mảng Card đồ hoạ, bo mạch chủ và các dòng vi xử lí,...hay là do CTV không chịu viết về mảng này! Smile Mình thấy mảng này rất hay, giúp cho bạn đọc lựa chọn cấu hình máy rất tốt. Mảng này theo dõi thường xuyên cũng thấy rất hay (nếu ai có đam mê). Đồng ý để viết các bài kiểu này là rất dài, và cần có hiểu biết tổng thể về các dòng sản phẩm trước đó! Ví dụ các bài viết về test các card đồ hoạ, cấu trúc của các vi xử lí, so sánh các dòng VXL của AMD và Intel, v.v... chắc chắn sẽ là những tài liệu hay cho nhiều độc giả. Có thể đối với một số độc giả là nó quá khô khan so với các PDA, Netbook,...Cuói cũng vẫn chưa biết rõ là độc giả không quan tâm hay là CTV thấy dài quá không muốn viết!? Smile Xin cho ý kiến!

Bùi Anh Tuấn  624

Ý kiến của ATK hoàn toàn tốt, giúp nội dung TTCN phong phú hơn. Nhưng....CTV ít viết bài về nó chứ không phải người đọc không quan tâm. Hơn nữa có thể card đồ hoạ chỉ dành cho số ít đối tượng: gamer, designer, nên muốn biết chính xác thì phải có bài viết và lấy thống kê về người đọc. Điều này thì BQT TTCN phải là người "chỉ đạo".

Hải Nam  30903

Muồn biết người đọc quan tâm đến mảng nào thì nhìn số lượt đọc của mỗi bài là biết thôi!