Một rạp chiếu phim trong tầng hầm. Ảnh: Basementremodel.

Tầng hầm là một nơi lý tưởng để đặt “rạp chiếu phim” bởi màn hình sẽ không bị ánh sáng bên ngoài làm lóa và không gian thật sự yên tĩnh.

Nếu địa thế đất cho phép bạn xây tầng hầm, không có nguy cơ ngập lụt, tốt nhất là ý tưởng thiết kế “home theater” nên có ngay từ ban đầu để dễ xử lý một vài chi tiết kỹ thuật như kích thước phòng, vật liệu chống ẩm mốc, điều hòa không khí, các đường chạy dây ngầm…

Điều trước đầu tiên là xác định căn phòng trong đầu, dư định quy mô ra sao (cho gia đình nhỏ hay cho cả khách mời). Dù cỡ to, nhỏ, căn phòng không nên có hình vuông hay hình chữ nhật quá dài; không nên dùng các số đo có thể chia đều cho một số nào đó (cùng mẫu số chung). Ví dụ, không dùng 7,2 x 4,8 x 2,4 mét mà dùng kích thước 7,9 x 3,9 x 2,1 mét. Với cách này, người ta có thể giảm thiểu hiện tượng sóng đứng (standing waves) làm mất sự trung thực của âm thanh do cộng hưởng tần số thấp.

Ở tầng hầm, không nên dùng loại loa ốp tường hay ốp trần vì việc thay thế và thi công khá khó khăn so với các tầng trên. Đó là chưa kể âm thanh vòm để xem phim không có kênh từ trên trần, theo sơ đồ dưới đây:

Ảnh
Bố trí các loa theo mô hình 5.1 Ảnh: Axiomaudio.

Cơ cấu chi phí cho một bộ rạp hát tại gia trong hầm có thể như sau: 35-40% cho hệ thống 5.1 hoặc 7.1; 30-35% cho màn hình trình chiếu (TV phẳng hoặc màn chiếu, máy chiếu); 20-30% cho đồ điện (AV receiver, ampli, đầu đĩa); 5-10% cho dây nối. Trong đó, cần đầu tư phần lớn cho loa và khuếch đại âm thanh, không nên tung quá nhiều tiền cho màn hình trình chiếu mà xao lãng âm thanh. Bởi âm thanh ấn tượng mới giúp việc trải nghiệm home theater trở nên mỹ mãn.

Cần chú ý là hệ thống âm thanh vòm có hai loại: bộ đầy đủ của một hãng, gọi là “home theater in box” (HTiB) có sẵn các loa trước trái phải, loa vòm bên hông, loa siêu trầm, thậm chí đầu đĩa kiêm trung tâm điều phối tín hiệu AV receiver; bộ lắp ghép từ nhiều loại loa của các hãng khác nhau. Dân chơi âm thanh hiểu biết và khó tính thường mày mò ghép loa trước (trái, phải) của một hãng với loa center của hãng khác, có thể dùng hai loa sau là của hãng khác nữa, chưa kể loa siêu trầm (sub), ampli, đầu đĩa… từ các nhà sản xuất khác nhau. Người thưởng thức đơn giản hơn thì chọn bộ có sẵn, thậm chí một thanh loa vòm giả lập gọn gàng. Tuy nhiên, khi đã có một căn phòng riêng để nghe nhạc, xem phim, bạn nên tìm hiểu các món đồ phối ghép để tận hưởng thú chơi âm thanh.

Người sử dụng cũng nên dành một chút kinh phí để xử lý âm học cho phòng để cảm giác nghe tốt hơn mà không cần vật liệu đắt đỏ. Tấm rèm nhung sau nơi đặt loa và TV, thảm trải sàn sẽ tiêu âm, một chút tán âm bằng gỗ để âm thanh vừa trung thực, vừa tự nhiên, chỉ mất vài phần trăm tổng chi phí.

Hiện nay có khá nhiều gia đình xây tầng hầm nhưng chủ yếu là để xe và đồ đạc. Khi muốn tầng hầm là nơi đặt rạp hát tại gia, bạn cần xử lý chống thấm tốt để tránh ẩm mốc. Hệ thống điều hòa không khí cũng cần lắp đặt để tạo sự thông thoáng và làm khô ráo căn phòng. Nhưng cần chọn loại điều hòa thật êm để không gây ồn và truyền tiếng động qua tường.

Dây điện ngầm, thậm chí dây loa ngầm chạy trong tường và nền nên dùng loại tốt để giảm thiểu sự cố, tránh trường hợp phải vất vả đục đẽo, đào bới để làm lại. Tốt nhất là nên kết hợp với các tấm tiêu âm, tán âm để che dây. Có thể đặt các tấm này cách tường một khoảng vài chục centimet. Khoảng cách này vừa để chạy ống dây, vừa có chức năng tiêu âm cho “rạp chiếu phim tại gia”.

Khi sử dụng, bạn cần che các cửa chớp nhỏ (nếu có) ở trên tầng hầm bằng rèm dày, tắt đèn để có được hình ảnh đẹp nhất từ TV hay màn chiếu.

(Theo Tuổi trẻ online/Axiomaudio)



Bình luận

  • TTCN (1)
Nemo Nguyen  21665

Kích thước 1 phòng nghe nhạc tối ưu tuân theo 1 tỷ lệ vàng gì đó. Phòng xem phim thì ko quá khắt khe như nghe nhạc nhưng thông thường chiều dài = 3/2 chiều rộng.

VN mình thì ko mấy nhà xây tầng hầm, vì chi phí tốn. Ngoài ra do hay bị ngập nên chắc thiết kế tầng hầm làm bể bơi chắc phù hợp hơn nhỉ ?