Doanh nghiệp không quan tâm đúng mức tới việc đăng kí và bảo vệ tên miền sẽ phải mất rất nhiều công sức khi có tranh chấp. Ảnh minh họa. Ảnh: Internet.

Thông tư số 37 về xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới sở hữu công nghiệp do Bộ Khoa học & Công nghệ ban hành, chính thức có hiệu lực từ 9/2/2012, đã quy định khá cụ thể về hành vi vi phạm tên miền.

Theo Thông tư 37 chi rõ, việc đăng kí chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền là 1 trong 2 hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (hành vi còn lại là sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn).

Có 2 trường hợp được xác định là hành vi đăng kí chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền.

Thứ nhất, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” có chứa phần chữ trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lí đang được bảo hộ và được sử dụng để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chào hàng, bán hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan trên trang thông tin điện tử mà địa chỉ tên miền đó dẫn tới; gây nhầm lẫn và làm thiệt hại đến uy tín hoặc vật chất đối với chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lí đó.

Thứ hai, đăng ký chiếm giữ quyền sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” có chứa phần chữ trùng với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lí có uy tín, danh tiếng tại Việt Nam nhưng trên một năm tên miền đó chưa đưa vào sử dụng cho hoạt động cụ thể và có căn cứ chứng minh tổ chức, cá nhân chỉ đăng kí chiếm giữ quyền sử dụng tên miền nhằm bán lại để kiếm lời hoặc cản trở chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lí được bảo hộ đó đăng kí tên miền.

Một trog những điểm mới đáng lưu ý trong Thông tư 37 là trong trường hợp nhiều cơ quan khác nhau cùng có thẩm quyền xử lí một hành vi vi phạm thì chủ thể quyền có thể lựa chọn một trong số các cơ quan đó để nộp đơn yêu cầu xử lí. Ví dụ: Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lí cạnh tranh đều có thẩm quyền xử lí hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền. Chủ thể quyền có thể lựa chọn để nộp đơn yêu cầu xử lí hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền bằng biện pháp hành chính theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định 97/2010/NĐ-CP tại một trong ba cơ quan nêu trên.

Với quy định này, các doanh nghiệp sẽ không còn phải băn khoăn về chuyện mình đã nộp đơn đúng địa chỉ cần nộp hay chưa, và cũng tránh trường hợp né tránh trách nhiệm xử lí đơn giữa các cơ quan chức năng.

Sau 1 năm kể từ ngày bị buộc thu hồi tên miền vi phạm mà bên vi phạm không chịu tự nguyện ti hành thì Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) sẽ thực hiện việc thu hồi tên miền theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền. Thông tư 37 chính thức có hiệu lực từ ngày 9/2/2012.

Tuy nhiên theo các quy định hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành tại Thông tư số 09/2008/TT-BTTTT đã ban hành trước đó và cũng là thông lệ chung quốc tế, thì tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" được đăng kí theo nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt. Tổ chức, cá nhân đăng kí trước được quyền sử dụng trước. Và, "Tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" không nằm trong đối tượng điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ. Dãy kí tự hoặc kí tự là nhãn hiệu hàng hóa, tên thương hiệu, tên sản phẩm, tên dịch vụ, bản quyền tác giả, tác phẩm nằm trong cấu trúc tên miền nếu chỉ đăng kí bảo vệ trên mạng sẽ không được bảo vệ trên thực tế và ngược lại, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương hiệu, tên sản phẩm, tên dịch vụ, bản quyền tác giả, tác phẩm nếu chỉ đăng kí bảo hộ trên thực tế cũng sẽ không được bảo vệ trên mạng nếu không đăng kí chúng trong tên miền".

Chính vì thế, khi Bộ KH&CN lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 97/2010/ND-CP ngày 21/9/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC – Bộ TT&TT) đã nhiều lần gửi kiến nghị sang Bộ KH&CN góp ý về Thông tư này. Ở lần ban hành chính thức Thông tư, Bộ KH&CN cũng đã căn cứ trên những Thông tư của Bộ TT&TT để có những sự điều chỉnh phù hợp hơn so với Dự thảo lần trước.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)