Kính thiên văn viễn vọng Thirty Meter có thể thu thập hình ảnh các vật thể có khoảng cách 13 tỉ năm ánh sáng, gần mức khởi đầu của vũ trụ.
Nếu bạn là người thích ngắm nhìn những hình ảnh kì diệu từ không gian, thì dưới đây là một thông tin đáng quan tâm: Ủy ban tài nguyên và đất đai Hawaii, Mỹ, đã thông qua dự án xây dựng kính thiên văn viễn vọng lớn nhất và mạnh nhất thế giới trên đỉnh Mauna Kea, ngọn núi lửa không hoạt động cao 4.205 mét so với mực nước biển.
Kính thiên văn Thirty Meter (TMT) có một kính lớn gồm 492 phân đoạn trong đường kính khoảng 33 mét, nhờ đó có khả năng thu nhận hình ảnh của các vật thể cách xa 13 tỉ năm ánh sáng, gần chạm tới khởi nguồn của vũ trụ.
TMT còn có thể chụp ảnh các hành tinh bên ngoài hệ mặt trời của chúng ta với các chi tiết chưa từng đạt được trước đây.
Đây là dự án thiên văn hợp tác giữa các nhà khoa học Mỹ, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, kính thiên văn TMT thu được hình ảnh với khoảng cách ánh sáng gấp 144 lần kính Hubble Space và gần 10 lần một trong số kính thiên văn Keck.
Bất chấp sự phản đối từ các nhà hoạt động môi trường tại Hawaii, dự án lắp đặt kính thiên văn TMT sẽ khởi công trong khoảng 1 năm tới với tổng trị giá hơn 1 tỉ USD. Dự kiến kính sẽ bắt đầu phục vụ hoạt động nghiên cứu trong năm 2021.
TMT hoạt động trong các bước sóng tia cực tím tới bức xạ hồng ngoại tầm trung, nó sẽ kết hợp với kính James Webb Space, truyền nhân của kính Hubble, để soi tới thời kì khởi nguồn của vũ trụ.
Tuy nhiên TMT có thể không giữ được danh hiệu kính thiên văn mạnh nhất thế giới lâu, và sẽ bị kính thiên văn cực lớn (Extremely Large) của châu Âu, đặt tại Chi lê, vượt qua. Dự kiến kính Extremely Large cũng được đưa vào hoạt động trong năm 2021.
Theo Tiền Phong/Information Week
Bình luận