Đặc điểm của ngành viễn thông là chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng chi phí duy trì hoạt động cho hệ thống khá thấp, giá cả thiết bị ngày càng giảm do sự phát triển nhanh chóng về công nghệ, trình độ sản xuất. Do đó giá cước viễn thông lúc ban đầu cao, sau đó giảm dần theo thời gian. Sự chênh lệch giá cước viễn thông giữa các nước đang phát triển (có mạng viễn thông xây dựng sau) và các nước phát triển (có mạng viễn thông xây dựng trước) là một thực tế tất yếu ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là cước viễn thông quốc tế. Việt nam cũng không tránh khỏi tình trạng đó.

Do đặc thù của ngành viễn thông và sự hấp dẫn của lợi nhuận khiến các đối tượng xấu có ý đồ trục lợi từ kinh doanh trái phép dịch vụ viễn thông quốc tế đã tìm nhiều cách thức khác nhau để hoạt động,bất chấp những thiệt hại kinh tế to lớn và nguy cơ tổn hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia. Một trong những phương thức mà các đối tượng kinh doanh trái phép đã sử dụng là dùng VSAT (Very Small Aperture Terminal).

Trong thời gian từ năm 2000 đến 2003, cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt nam đã phát hiện và xử lý nhiều vụ kinh doanh viễn thông trái phép, nhiều nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh. Việc phát hiện chính xác vị trí lắp đặt VSAT đóng vai trò rất quan trọng, trong đó các đơn vị trực thuộc Cục tần số Vô tuyến điện đã có những đóng góp đáng kể.

Sau mỗi vụ việc bị xử lý, đối tượng kinh doanh trái phép lại cải tiến mô hình kết nối để tránh bị phát hiện với mức độ ngày càng phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn ngày càng cao. Sau đây là 5 “thế hệ” kết nối kinh doanh viễn thông tráI phép mà cơ quan điều tra đã tổng hợp được.

“Thế hệ 1”-Kết nối với mạng viễn thông nội địa bằng các đường dây điện thọai cố định:

Thông qua số liệu sử dụng của các đường dây điện thoại cố định này, cơ quan quản lý có thể phát hiện ra vị trí đặt VSAT.

“Thế hệ 2”-Phân cách điểm kết nối với VSAT bằng viba:

Do khoảng cách giũa VSAT và điểm kết nối cách xa nhau nên cơ quan quản lý rất khó phát hiện vị trí lắp đặt VSAT.

“Thế hệ 3"-Kết nối với mạng viễn thông nội địa bằng thuê bao vô tuyến cố định (WLL):

Do thuê bao WLL có thể để bất lỳ chỗ nào nên việc phát hiện ra điểm đấu nối rất khó khăn.

”Thế hệ 4”-Kết nối với mạng viễn thông nội địa bằng thuê bao di động GSM (của Vina-Phone hoặc Mobi-fone):

So với phương thức kết nối qua mạng WLL, phương thức kết nối qua di động GSM rất khó phát hiện vì sử dụng thuê bao trả trước, thay đổi số rất dễ dàng. Tuy nhiên nếu cơ quan quản lý phát hiện thấy một trạm BTS nào đó có dung lượng tăng lên bất thường thì có thể nghi vấn khu vực có VSAT.

”Thế hệ 5”- Kết nối với mạng viễn thông nội địa bằng thuê bao di động GSM ( của Vina-Phone hoặc Mobi-fone) nhưng phân dung lượng qua nhiều trạm gốc khác nhau( thông qua các anten định hướng):

Do dung lượng được phân đều ra nhiều trạm gốc với các cự li khác nhau nên việc tìm kiếm vị trí VSAT rất khó khăn.

Sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại, thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh trái phép dịch vụ viễn thông quốc tế ngày càng được nguỵ trang che giấu tinh vi và không ngừng gia tăng cả về quy mô và mức độ. Việc phát hiện, xử lý kịp thời những vụ việc này rất phức tạp và đầy khó khăn. Những kinh nghiệm nghiệp vụ kỹ thuật trình bày trên đây sẽ góp phần cho quá trình điều tra, phân tích và xử lý nhanh chóng và hiệu quả.

Theo tapchibcvt.gov.vn


Bình luận

  • TTCN (0)