Hiệu năng đồ hoạ của Surface Book tăng đáng kể khi được gắn thêm bàn phím

Sự kiện tháng 10 của Microsoft thực sự là một điểm sáng đáng nhớ của công ty này trong năm nay. Không chỉ làm mới Surface Pro với thế hệ thứ 4 và ra mắt thêm 2 chiếc Lumia đầu bảng mới, gã khổng lồ phần mềm còn lần đầu tiên bước chân vào thế giới laptop "thực thụ" với Surface Book. Dù vẫn sở hữu khả năng "lai" đặc trưng của dòng Surface, Surface Book được hãng đặt trọng tâm là một chiếc laptop mạnh mẽ, đặc biệt là khi so sánh cùng đối thủ lừng danh MacBook Pro.

Microsoft đã dành rất nhiều thời gian để nói về hiệu năng đáng nể của Surface Book nhưng lại không làm rõ một chi tiết chắc chắn sẽ được các game thủ quan tâm: card đồ họa rời của chiếc laptop "lai" này. Cả Microsoft lẫn NVIDIA (nhà sản xuất chip đồ hoạ trên) cho đến giờ vẫn chưa làm rõ tên gọi của dòng chipset mà Surface Book đang sử dụng. Thay vào đó trang bán hàng của Microsoft chỉ sử dụng cụm từ chung chung "dGPU" (discrete GPU - chip đồ họa rời) để mô tả sản phẩm.

Ảnh
Thông số chip đồ hoạ rời của Surface Book

Các thử nghiệm của AnandTech cho thấy GPU của Surface Book là một phiên bản đặc biệt của dòng GM108 thuộc thế hệ Maxwell mà NVIDIA sản xuất. Các thông số của chipset này khá gần với dòng GeForce GT 940 với 384 nhân CUDA. Nhưng trong khi GT 940 thường sẽ được trang bị 2 GB RAM DDR3 thì GPU của Surface Book lại được trang bị 1 GB GDDR5. Nói cách khác, Microsoft và NVIDIA đã lựa chọn đánh đổi dung lượng RAM để gia tăng băng thông cho bộ nhớ. Đây là một phép đánh đổi khá hợp lí vì hiệu năng GM108 cũng được cải thiện đáng kể khi sử dụng RAM GDDR5 do bus bộ nhớ của mẫu chip này chỉ dừng ở 64-bit.

Ấn tượng hơn cả là GM108 của Surface Book được đặt ở phần bàn phím rời (khi dùng như laptop) chứ không nằm trên phần thân chính (màn hình tablet) của máy. Khi gắn liền phần màn hình/tablet với bàn phím, GM108 của Surface Book sẽ kết nối với bo mạch chính thông qua giao tiếp PCIe. Thiết kế này của Microsoft tỏ ra đặc biệt ở chỗ chỉ số TDP (mức độ toả nhiệt tối đa của thiết bị/linh kiện khi chạy ứng dụng) của GM108 sẽ đạt tới mức xấp xỉ 30 W. Một chiếc Ultrabook mỏng nhẹ thông thường sẽ không thể nào tích hợp được card màn hình có mức TDP như vậy.

Ảnh
Dù dùng chip đồ hoạ rời nhưng thiết kế của Surface Book vẫn mỏng và nhẹ

Nhưng với Surface Book thì vấn đề lại được giải quyết theo một hướng khác. Do GPU được đặt trên bàn phím còn CPU lại được đặt trong thân tablet, 2 con chip này - vốn là 2 nguồn toả nhiệt chủ yếu thông thường của máy tính - sẽ nằm ở 2 khu vực khác nhau. Nhờ đó mà Surface Book vẫn có thể thoả mãn những ứng dụng tương đối nặng về đồ họa mà không quá lo tới vấn đề toả nhiệt.

Lợi ích của card màn hình rời trên khía cạnh hiệu năng là không cần bàn cãi. Trong tất cả các thử nghiệm đồ họa, bao gồm cả thử nghiệm benchmark trên 3DMark lẫn thử nghiệm chơi game DOTA 2: Reborn, card màn hình rời của Surface Book luôn đạt điểm số cao vượt trội so với tất cả những chiếc Ultrabook hay các sản phẩm laptop lai tablet khác. Trong thử nghiệm DOTA 2: Reborn ở cấu hình cao Enthusiast (độ phân giải Full HD, bật toàn bộ tùy chọn, High Shadows, High Textures), Surface Book phiên bản Core i7 đạt tới mức 55,8 fps - rất gần với chuẩn "mượt" 60 fps, trong khi chiếc Surface Pro 4 Core i5 chỉ đạt 32,3 fps, tức là chỉ nhỉnh hơn mức "đủ chơi" 30 fps một chút.

Ảnh
Thử nghiệm DOTA 2 cho kết quả "nức lòng" với game thủ
Ảnh
Thử nghiệm 3DMark cho thấy Surface Book vượt qua tất cả các mẫu Ultrabook và laptop lai tablet phổ biến trên thị trường

Cuối cùng, do phần dock bàn phím của Surface Book chỉ chứa một linh kiện rời duy nhất là GPU, Microsoft đã có thể tăng thêm dung lượng pin cho chiếc laptop lai tablet này. Với cục pin 52 Wh trên bàn phím và 18 Wh trên thân tablet, Surface Book có dung lượng pin tổng cộng 70 Wh, cao hơn hẳn những chiếc Ultrabook thông thường.

Theo VnReview.




Bình luận

  • TTCN (0)