Nảy sinh cơ chế xin – cho

Theo Luật sư Kiều Anh Vũ, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, điều 292 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 có thể xem là “hình thái mới” của tội “kinh doanh trái phép” nhưng với phạm vi hẹp hơn là “kinh doanh dịch vụ” trên mạng máy tính và viễn thông; đồng thời hình phạt cũng nặng hơn tội kinh doanh trái phép (hình phạt tù tối đa là 5 năm so với 2 năm của tội kinh doanh trái phép).

“Làm start-up đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo, thử nghiệm nhiều lần đối với các sản phẩm, dịch vụ của mình. Nên nếu điều kiện pháp lí quá ngặt nghèo sẽ cản trở sự sáng tạo và Điều luật này cùng với những rào cản pháp lí khác đã và đang góp phần làm hơn 90% start-up thất bại” – Ông Vũ nói.Rõ ràng Điều luật này sẽ tác động không nhỏ đến các cá nhân, tổ chức kinh doanh trong các lĩnh vực này, đặt biệt là các startup trong lĩnh vực công nghệ bởi lẽ“một start-up là một công ty làm việc để giải quyết một vấn đề mà giải pháp không rõ ràng và thành công không đảm bảo”.

Luật sư của văn phòng Luật Lê Nguyễn chia sẻ thêm: Đồng ý rằng việc kinh doanh đòi hỏi phải tuân thủ pháp luật, những lĩnh vực kinh doanh được liệt kê tại khoản 1 Điều 292 BLHS là những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên bất kì cá nhân, tổ chức nào kinh doanh dịch vụ đó đều phải đáp ứng điều kiện luật định, phải xin Giấy phép theo quy định.

Tuy nhiên, quy định tại Điều 292 BLHS làm cho Giấy phép trở thành một thứ cực kì ghê gớm, Giấy phép là yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không còn là vi phạm hành chính như trước đây. “Và khi Giấy phép đã trở nên cực kì quan trọng thì thứ quan trọng có lẽ sẽ không dễ dàng có được và cơ chế xin – cho Giấy phép với những thủ tục hành chính phức tạp có nguy cơ trở nên phức tạp hơn và từ đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường kinh doanh.” – ông Vũ nhấn mạnh.

Luật sư Vũ chia sẻ, thứ nhất, về hành vi khách quan được mô tả tại khoản 1 Điều 292 BLHS, trước hết cần làm rõ, chỉ xem là có dấu hiệu của tội này khi có hoạt động cung cấp (cung ứng) dịch vụ. Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật Thương mại 2005, cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, nghĩa là hoạt động có mục đích sinh lợi, theo đó một bên có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận.

Thứ hai, việc cung cấp dịch vụ này là không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép và thứ ba là phải có mục đích thu lợi bất chính. Như vậy, đối với các hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi thì không được xem là hoạt động cung cấp dịch vụ không phép hoặc trái phép. Nghĩa là nếu các start-up thử nghiệm với các sản phẩm của mình, đưa lên mạng để thử nghiệm, để người dùng trải nghiệm miễn phí thì đó không phải là cung cấp dịch vụ, không phải là dấu hiệu của tội này.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một cách hiểu và nếu Điều luật này tồn tại và có hiệu lực thì cần sớm có hướng dẫn của cơ quan chức năng. Ngoài ra, quy định tại điểm e khoản 1 Điều này (Các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật) cũng không rõ ràng và có thể trở thành cái “rổ” để gom và hình sự hóa hành vi vi phạm đối với hoạt động kinh doanh trong hoạt động cung ứng dịch vụ trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Lo ngại làn sóng start-up ở nước ngoài

Theo anh Nguyễn Ngọc Hải – Giám đốc Công ty Công nghệ Stock Master, quy định này, được cho là có thể ảnh hưởng tới rất nhiều start-up tại Việt Nam bởi kinh doanh dịch vụ trên Internet là xu hướng khá phổ biến hiện nay. Việc hình sự hoá chúng có thể gây nên nhiều phản ứng trái chiều.

Anh Hải ví dụ, một bạn trẻ đam mê công nghệ thông tin, viết được một ứng dụng trên Appstore. Bạn này không có công ty mà hoạt động cá nhân nên chắc chắn không nghĩ đến chuyện xin giấy phép. Và, vào một ngày đẹp trời, có cả hàng triệu người tải ứng dụng, bạn này đột nhiên có doanh thu trên 50 triệu. Như vậy, nếu đối chiếu với từng câu chữ trong điều 292, thì bạn trẻ này đã phạm tội “cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”.

Cũng theo anh Hải, hiện nay, rất nhiều start-up hoạt động theo ví dụ trên, nghĩa là hoạt động cá nhân thay vì mất nhiều thời gian để đi xin các loại thủ tục, giấy phép thành lập doanh nghiệp.

“Ở Việt Nam hiện nay, việc xin giấy phép rất khó, đặc biệt là giấy phép trong một số lĩnh vực công nghệ. Do đặc thù, các start-up thường xuyên phải thử nghiệm các mô hình mới, nếu đợi xin giấy phép mới được làm thì cơ hội có lẽ đã bay xa. Do đó, điều luật này có thể sẽ khiến cộng đồng start-up nảy sinh tâm lí chọn khởi nghiệp ở những quốc gia hỗ trợ tốt hơn như Mỹ, Singapore thay vì tại quê hương” – anh Hải chia sẻ.

Một độc giả khác có cái nhìn đa chiều hơn rằng, “điều 292 Bộ luật Hình sự 2015, nội dung điều này không ảnh hưởng nhiều tới startup mà lại có lợi cho các start-up”.

Theo độc giả này, các chủ thể start-up vốn khởi nghiệp chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ, quyền SHTT, sự sáng tạo và môi trường số, mà các thành quả hoặc sản phẩm của các startup dễ bị đánh cắp, bị xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt, trên môi trường mạng (online), các quyền này càng dễ bị xâm phạm và cơ quan quản lí cũng như chủ thể khó phát hiện hành vi xâm phạm.

Trong trường hợp, chủ thể hoặc cơ quan quản lí phát hiện hành vi xâm phạm thì cũng khó mà thực thi. Do đó, điều 292 này, có tính răn đe các hành vi xâm phạm và khuyến khích các hoạt động sáng tạo, đổi mới nhưng hoạt động sáng tạo, đổi mới đó không được xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người khác.

Tuy nhiên, “Để rõ hơn điều 292 này, có lẽ chúng ta phải chờ Nghị Định và Thông Tư hướng dẫn nó? Cũng như cách hiểu, cách vận dụng của các cơ quan thực thi, cơ quan quản lí, cũng như các chuyên gia về quyền SHT?” – Vị độc giả nói.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam cho biết, sẽ nhóm họp trong tuần tới để tập hợp kiến nghị lên chính phủ về việc này.

Theo Enternews.




Bình luận

  • TTCN (0)