Ông Peter Higgs, tác giả của ý tưởng hạt Higgs, trong lần viếng thăm Trung tâm nghiên cứu CERN tháng 4/2008. Ảnh: AP.

Chỉ 10 ngày sau khi bắt đầu đi vào hoạt động, thí nghiệm đắt tiền nhất trong lịch sử của loài người đã bị hỏng. Chiếc máy gia tốc hạt mới tinh, trị giá hàng tỷ euro ở Genève, sẽ phải ngưng hoạt động ít nhất 2 tháng, ngay khi Việt Nam chuẩn bị tham gia nghiên cứu tại đây.

Đối với các nhà khoa học ở Trung tâm nghiên cứu hạt nhân CERN ở gần Genève (Thụy Sĩ) thì đó là một cơn ác mộng. Một nối kết điện giữa 2 nam châm bị hỏng, gây ra một phản ứng dây chuyền dẫn đến hư hại nặng: Một trong số nhiều nam châm khổng lồ tạo nên trái tim của máy gia tốc trở nên quá nóng - hay đúng hơn là lạnh quá ít. Việc sửa chữa cỗ máy giá hơn 2 tỉ euro này sẽ kéo dài nhiều tháng.

Các nam châm dẫn dòng hạt phải có nhiệt độ cực lạnh: Chúng phải được làm lạnh xuống đến dưới -270°C bằng heli lỏng để trở thành siêu dẫn. Phát ngôn viên của CERN, ông James Gilles, nói rằng ít nhất là phân đoạn bị hỏng của máy gia tốc sẽ được "hâm nóng lại" để các chuyên gia có thể xem xét và sửa chữa thiệt hại. "Nhưng bởi vì đây là một máy siêu dẫn với các giai đoạn làm nóng và lạnh cần nhiều thời gian nên điều đó có nghĩa là chúng tôi phải tắt máy một vài tháng".

Trong lúc có người dưới đường hầm sâu 100 m, máy gia tốc hạt không được phép hoạt động - nguyên nhân là năng lượng khổng lồ của dòng hạt đang chuyển động trong ống. Khi máy gia tốc hoạt động với năng suất cao nhất, dòng hạt này mang năng lượng của một đầu máy tàu hỏa đang chạy với vận tốc 200 km/h. Muốn hãm dòng hạt, nó phải được dẫn theo hướng khác và tỏa ra theo hình cánh quạt bằng những nam châm chuyên dụng, rồi cuối cùng là dẫn những dòng hạt này vào những khối than chì dài 8 m trong bê tông để hãm lực dập tàn phá khủng khiếp của nó.

Các nhà vật lý hy vọng có được câu trả lời cho những câu hỏi cơ bản về sự hình thành và kết cấu của vũ trụ từ đường hầm dài 27 km sâu dưới lòng đất, ở biên giới giữa Áo và Pháp.

(theo VnExpress/Spiegel Online)




Bình luận

  • TTCN (0)