Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn đặt câu hỏi về sự công bằng giữa các nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước

"Báo chí nhiều lần hỏi tôi về việc “quản lý blog”, tuy nhiên tôi rất ít khi dùng cách nói này. Tôi không đề cao yếu tố pháp lý, kỹ thuật để quản lý blog. Phải có sự phối hợp: pháp lý, kỹ thuật và tuyên truyền, giáo dục mới mong định hướng đúng hoạt động này" - Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn Bộ TT-TT nói.

Hôm qua (27/11), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo thông tư hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân (blog).

Dự kiến thông tư sẽ được ban hành vào tháng 12 nhằm chi tiết hóa một số điều tại Nghị định 97/2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet.

Thông tư mang tính tư tưởng hơn là chế tài

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn phát biểu: “Thông tư này mang tính định hướng nhiều hơn, nhằm xác định blog là gì, từ đó quy gọn phạm vi điều chỉnh... Ban soạn thảo muốn chỉ ra cái gì được khuyến khích, cái gì nên tránh đối với các blogger. Báo chí nhiều lần hỏi tôi về việc “quản lý blog”, tuy nhiên tôi rất ít khi dùng cách nói này. Tôi không đề cao yếu tố pháp lý, kỹ thuật để quản lý blog. Phải có sự phối hợp: pháp lý, kỹ thuật và tuyên truyền, giáo dục mới mong định hướng đúng hoạt động này”.

Tuy nhiên, ông Chu Xuân Việt, chuyên viên cấp cao của Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, lại cho rằng: “Khuyến khích mà không có thưởng, hạn chế mà không có phạt thì liệu thông tư có hiệu lực?”.

Đại diện ban soạn thảo cho biết khó khăn khi xây dựng thông tư này là diện quản lý quá lớn. “Nội dung thông tư không có gì mới. Một số điều đã quy định trong Luật báo chí, Luật xuất bản, Bộ luật dân sự... Chúng tôi chỉ gom lại để tạo một hành lang pháp lý. Vì thế thông tư này mang tính xã hội, tư tưởng nhiều hơn là chế tài, pháp luật. Nếu đặt mục tiêu lớn cho thông tư này thì sẽ thành duy ý chí” - ông Đỗ Quý Doãn nói.

Doanh nghiệp nước ngoài vô tư

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc đối ngoại Công ty Vinagame, cho rằng thông tư quy định rất rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến (mạng xã hội là nơi khởi tạo các blog - NV). Tuy nhiên, quy định đối tượng áp dụng của Nghị định 97 chỉ là “các tổ chức, cá nhân tham gia việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet tại Việt Nam”.

Nếu chữ “tại Việt Nam” được hiểu về vị trí địa lý, đồng thời cũng là về mức độ quản lý thì theo ông Tuấn, như vậy chỉ có doanh nghiệp nào đăng ký cung cấp dịch vụ tại Việt Nam mới quản lý được, còn các doanh nghiệp không đăng ký thì không thể yêu cầu họ có trách nhiệm gì. “85% người Việt đang sử dụng dịch vụ blog của các doanh nghiệp nước ngoài, như vậy quản lý họ như thế nào?” - ông Tuấn đặt vấn đề.

Ảnh
Thông tư hướng dẫn sắp ban hành, chỉ mang tính định hướng

Ông Tuấn thắc mắc: “Các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, thu lợi nhuận tại Việt Nam, tại sao không quản lý họ được? Thử đặt giả thiết nếu các doanh nghiệp Việt Nam bỏ hình thức kinh doanh, đăng ký trong nước mà sang nước ngoài để đặt máy chủ, lập đường truyền rồi cung cấp dịch vụ về trong nước thì sao?”.

Thông tin thêm

Thực tế rất nhiều nhà báo có blog, trên blog đưa nhiều thông tin chính trị, xã hội... Nhiều người coi blog như “báo chí công dân”. Về vấn đề này, ông Đỗ Quý Doãn cho rằng nhà báo là người hiểu hơn ai hết những quy định pháp luật về báo chí và truyền thông, vì vậy họ sẽ biết được đâu là ranh giới giữa một trang nhật ký cá nhân (blog) và một trang tin điện tử (website).

Ngoài ra, ông Doãn cũng cho rằng mấu chốt để xác định tính “cá nhân” của blog ở chỗ blog có thể đề cập đến những vấn đề hoàn toàn riêng tư hoặc những vấn đề xã hội rộng lớn nhưng dưới góc nhìn cá nhân, nhân danh cá nhân chứ không phải phát ngôn chính thống, đại diện cho một tổ chức, cơ quan nào.

Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, dẫn Nghị định 97: “Trong trường hợp các điều ước quốc tế liên quan đến Internet mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với nghị định này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”.

Ông Hải giải thích do thông tư hướng dẫn Nghị định 97 nên cũng không được vượt quá phạm vi mà nghị định điều chỉnh. Nếu căn cứ cam kết khi Việt Nam gia nhập tổ chức WTO thì việc cung cấp dịch vụ qua biên giới không phải xin phép. Vừa qua, Bộ TT&TT cũng đã có văn bản trả lời Sở TT&TT TP.HCM về việc Yahoo! Việt Nam không cần phải xin phép khi cung cấp các dịch vụ cho blogger Việt Nam.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn khẳng định ban soạn thảo sẽ nghiên cứu để đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Ông Doãn cho biết sắp tới, Bộ TT&TT sẽ đặt vấn đề với Google và Yahoo!, đề xuất họ hợp tác trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm, phối hợp với nhà nước để tạo ra một môi trường hoạt động tốt nhất, lành mạnh nhất cho các blogger.

Blog không được đưa thông tin kiểu báo chí

Ảnh
Ảnh minh họa

Sau đây là trao đổi của Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn với báo Tiền Phong:

Theo dự thảo Thông tư này, yếu tố cơ bản để phân biệt blog với các loại hình thông tin khác là gì, thưa ông?

- Yếu tố cá nhân trong blog là yếu tố cơ bản. Yếu tố này quy định blog không đại diện cho một tổ chức hay thông tin chính thống nào cả. Những blog vượt quá thông tin cá nhân là sai quy định.

Dự thảo lần thứ 5 của Thông tư về quản lý blog không có nhiều điểm mới so với nghị định quản lý Internet. Vậy tại sao lại phải tách riêng vấn đề quản lý blog ra thành Thông tư như vậy?

- Dự tính, Thông tư này cơ bản vẫn là những vấn đề liên quan đến hoạt động cung cấp thông tin trên mạng nhưng phải tách hoạt động blog riêng ra do đây là vấn đề trong thời gian qua không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới quan tâm.

Thông tư này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho người tham gia hoạt động blog thấy được những việc cần làm khi thiết lập, khởi tạo một blog và cũng là cơ sở cho cơ quan chức năng có thể xử lý khi phát hiện sai phạm.

Ảnh
Blog Dementor đứng trong top 10 blog có số lượng người truy cập đông nhất

Thông tư có đưa ra chế tài cụ thể nào trong việc xử lý các hành vi vi phạm của các blogger, thưa ông?

- Trong Thông tư không đưa ra chế tài xử lý mà đưa ra khung để blogger biết phạm vi hoạt động của mình. Trong thời gian tới sẽ có các văn bản khác như Nghị định thanh tra Internet, sẽ có chế tài cụ thể để xử lý vi phạm; Nghị định xử phạt  vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin mà sắp tới sẽ chỉnh sửa để có quy định riêng cho lĩnh vực thông tin truyền thông.

Lúc  đó chúng ta có thể thống kê tất cả các hành vi có thể vi phạm trong lĩnh vực này, và có đầy đủ căn cứ để xử phạt. Khi chưa có 2 Nghị định này, Nghị định hiện nay về quản lý Internet đã có chế tài có thể xử phạt được.

Ngoài ra, chế tài xử lý những nội dung liên quan đến blog đã có nhiều văn bản luật, kể cả luật dân sự, hình sự về xúc phạm người khác, thông tin không đúng, v.v…

Hiện nay nhiều người cho rằng blogger cũng là một nhà báo công dân. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp đã mời blogger đến dự họp báo. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Blog, về mặt ngữ nghĩa, từ ngữ của mình khó xác định. Nếu là tiếng nước ngoài thì nói blog là đã giới hạn khuôn khổ ngay trong khái niệm đó. Nếu đã đưa thông tin báo chí thì phải tuân thủ và chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí. Người nào vượt quá phạm vi blog, biến thông tin trên blog thành thông tin báo chí là vi phạm Luật Báo chí.

Trong thông tư có định nghĩa blog chỉ là trang cung cấp thông tin cá nhân. Vậy những blog đưa thông tin chính trị xã hội dưới góc nhìn cá nhân có được coi là blog nữa không?

- Muốn trao đổi, tham gia, đóng góp ý kiến về chính sách, chính trị trong xã hội là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, khi đưa lên blog thì đó hoàn toàn là ý kiến cá nhân chứ không đại diện cho cơ quan, tổ chức nào và không phải là ý kiến chính thống. 

Nhiều người nói với tôi blog là nhật ký cá nhân, đã là nhật ký thì chỉ viết cho mình, cùng lắm là người thân của mình đọc. Nếu đưa ra đại chúng thì không thể là nhật ký mà vô tình biến nó thành trang thông tin điện tử, như vậy phải chịu sự quy định như đối với trang thông tin điện tử.

Cảm ơn Thứ trưởng.

Doanh nghiệp nội kêu bị phân biệt đối xử

Đó là quan điểm chung của nhiều doanh nghiệp  cung cấp dịch vụ tạo blog trong nước tại buổi góp ý kiến cho dự thảo lần 5 thông tư hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân (blog) do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, diễn ra tại Hà Nội, ngày 27/11.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, hiện nay đang có sự bất bình đẳng trong quản lý doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tạo blog trong nước và nước ngoài. Một số trang web nước ngoài mở dịch vụ tại Việt Nam, thu lợi nhuận tại Việt Nam nhưng lại không chịu sự quản lý của luật pháp Việt Nam mà tuân theo các điều ước quốc tế. Chính điều này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi bản thân họ gặp phải quá nhiều quy định, hàng rào.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Cty VinaGame – một trong những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ blog tại Việt Nam -  cho rằng hiện nay đến 95%  blog đặt địa chỉ tại các trang web của nước ngoài, nhiều nhất là của Yahoo.

Trong dự thảo quy chế quản lý blog có nhiều quy định được đặt ra cho các đơn vị cung cấp dịch vụ tạo blog trong nước như phải báo cáo định kỳ, phải chịu sự thanh kiểm tra, phải xây dựng mô hình quản lý thông tin, v.v… nhưng lại lỏng tay với các doanh nghiệp đặt máy chủ ở nước ngoài có cung cấp dịch vụ tại Việt Nam (như Yahoo, Google…). Nếu không có sự sửa đổi, rất có thể xảy ra tình trạng các doanh nghiệp trong nước bức xúc bỏ đi đặt server ở nước ngoài. 

“Viện dẫn các điều ước quốc tế nhưng vẫn phải có những quy định của quốc gia điều chỉnh. Không nên viện dẫn điều ước quốc tế để từ bỏ những điều luật quốc gia và không để các điều ước quốc tế ép chúng ta. Như thế chúng ta sẽ thua không chỉ trong lĩnh vực blog mà trong tất cả các vấn đề khác của nội dung số.” – Ông Tuấn Anh nói.

Đại diện của mạng xã hội tamtay.vn, ông Nguyễn Ngọc Hưng cảnh báo nếu Bộ TT-TT không có định hướng cho các mạng xã hội trong nước thì người sử dụng sẽ có xu hướng tìm đến các nơi khác có môi trường thông thoáng tự do thoải mái hơn và điều này vô hình trung lại gây thiệt hại cho các nhà cung cấp trong nước.

Cũng theo ông Hưng, bản chất của blog cũng là đưa tin như các trang điện tử khác, do đó, nên xây dựng thông tư chung về việc đưa thông tin lên mạng internet, như vậy rộng hơn, bao hàm cả các trang thông tin điện tử và blog.

(Theo Pháp luật và Tiền Phong)



Bình luận

  • TTCN (0)