Việt Nam vẫn cần những nguồn đầu tư rất lớn để phát triển mạng viễn thông quốc gia. Ảnh: Thái Khang.

Ngày 1/7/2010, Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện có hiệu lực và tạo hành lang pháp lí cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng viễn thông.

Hướng theo cơ chế thị trường

Nếu như trước đây, Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông được ban hành từ năm 2002 với các quy định nặng về cấp phép, nhẹ về tự quản lí; nặng về tiền kiểm, nhẹ về hậu kiểm. Nhà nước cũng can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là quản lí giá cước và chất lượng dịch vụ… Do đó cần đẩy mạnh cải cách hành chính trong công tác quản lí viễn thông, chuyển mạnh từ quản lí tiền kiểm sang quản lí hậu kiểm, đồng thời cần minh bạch, phân định rõ hoạt động xây dựng chính sách và hoạt động thực thi pháp luật. Thực tế, việc phân bổ tài nguyên viễn thông từ trước đến nay vẫn được thực hiện chủ yếu trên cơ sở xét cấp theo nguyên tắc “ai xin trước cấp trước”, ngay cả đối với nguồn tài nguyên quý hiếm mang tính thương mại cao như tần số vô tuyến điện. Vì vậy, cần thay đổi nguyên tắc phân bổ tài nguyên viễn thông theo hướng thi tuyển, đấu giá đối với một số nguồn tài nguyên viễn thông quý hiếm, mang tính thương mại cao khi nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ, đồng thời cho phép chuyển nhượng nguồn tài nguyên này cho tổ chức, cá nhân khác nếu có phương án sử dụng hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, để phát triển mạng viễn thông rộng khắp cả nước, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Việt Nam vẫn cần những nguồn đầu tư rất lớn để phát triển mạng viễn thông quốc gia. Do đó việc huy động, khuyến khích mọi nguồn lực của xã hội, kể cả thành phần kinh tế tư nhân tham gia phát triển hạ tầng là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, Luật Viễn thông đã quy định các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo pháp luật Việt Nam đều được tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như thiết lập hạ tầng mạng viễn thông. Thêm vào đó, Luật Viễn thông được xây dựng theo hướng thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh viễn thông trong môi trường bình đẳng, công bằng, minh bạch theo cơ chế thị trường. Luật Viễn thông không loại trừ việc tham gia của bất cứ tổ chức nào, kể cả hợp tác xã, nếu đáp ứng được các quy định của Luật Doanh nghiệp. Do đó, tuỳ thực tế sẽ có hướng dẫn để chủ thể này có thể tham gia hoạt động viễn thông như các chủ thể khác.

Về vấn đề phát triển và quản lí hạ tầng viễn thông, sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông, Luật Viễn thông quy định bắt buộc chia sẻ cơ sở hạ tầng đối với các phương tiện viễn thông thiết yếu, bắt buộc chia sẻ trong một số trường hợp khẩn cấp phục vụ lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh. Vẫn theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, sự phát triển bùng nổ của thông tin vô tuyến điện trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh làm cho nhu cầu sử dụng phổ tần số vô tuyến điện ngày càng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như thông tin di động, phát thanh, truyền hình, dẫn đường hàng không, hàng hải… Tần số vô tuyến điện ngày càng trở nên khan hiếm, cần được quản lí, sử dụng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ; sự hội tụ công nghệ, dịch vụ; sự thay đổi của thị trường thông tin vô tuyến điện từ độc quyền sang cạnh tranh đòi hỏi phải có các cơ chế quản lí tài nguyên tần số phù hợp như cơ chế cấp phép cạnh tranh đối với các băng tần có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn; cơ chế chuyển nhượng giấy phép, cơ chế đền bù trong trường hợp bị thu hồi giấy phép trước thời hạn, cho thuê cho mượn thiết bị và giấy phép.... Luật cũng đã bổ sung hình thức cấp phép theo cơ chế thị trường thông qua việc thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng tần số.

Giấy phép qua đấu giá mới được chuyển nhượng

Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, theo quan điểm mới của Luật Viễn thông, về cơ bản doanh nghiệp sẽ được phép việc chuyển nhượng mạng di động vì trong Luật không cấm. Tuy nhiên, trong quá trình đó thì phải trả lại giấy phép, đàm phán hết với đối tác và quan trọng nhất là đảm bảo quyền lợi của người sử dụng. Ông Hải khẳng định những gì buộc các doanh nghiệp phải đấu giá để có giấy phép thì được phép chuyển nhượng. Tuy nhiên, người mua phải đủ điều kiện sử dụng theo quy định. “Hiện tại tất cả các giấy phép viễn thông được cấp chưa hề qua đấu giá. Trong Luật Viễn thông quy định chỉ có những giấy phép phải qua đấu giá thì mới được chuyển nhượng nên sẽ không ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp viễn thông hiện nay”, ông Phạm Hồng Hải nói.

Theo phân tích của giới chuyên môn, hiện Việt Nam có tới 7 mạng di động, tuy nhiên xu hướng sẽ xảy ra trường hợp phá sản hoặc sáp nhập sau khi bị cạnh tranh khốc liệt. Vì vậy, có thể trong thời gian tới sẽ xảy ra chuyển mạng di động không chịu nổi cạnh tranh sẽ được bán cho mạng khác. Theo ông Phạm Hồng Hải, theo quy định trong Luật Viễn thông mới có thể xảy ra trường hợp mua bán mạng một mạng di động. Thế nhưng, người mua sẽ phải đảm bảo được tiêu chuẩn, điều kiện cấp phép. Chẳng hạn đối với doanh nghiệp nước ngoài thì chỉ được chiếm 49% cổ phần…

Viễn thông cần nhiều thành phần kinh tế tham gia

Ngày 23/11/2009, Quốc hội đã thông qua dự án luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện (TSVTĐ). Luật Viễn thông gồm 10 chương, 63 điều, quy định về hoạt động viễn thông, bao gồm đầu tư, kinh doanh viễn thông, viễn thông công ích; quản lí viễn thông; xây dựng công trình viễn thông; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông.

Điểm nổi bật của Luật Viễn thông là cho phép các tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia hoạt động viễn thông trong đó có hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng và bán lại dịch vụ.

Với 8 chương, 49 điều, Luật Tần số Vô tuyến điện (TSVTĐ) quy định về quản lí, sử dụng tần số vô tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và quản lí an toàn bức xạ vô tuyến điện, tương thích điện từ; quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia quản lí, sử dụng tần số vô tuyến điện.

Nếu nhìn một cách thấu đáo có thể thấy, trong một thời gian dài vừa qua cho dù Việt Nam đã mở cửa thị trường viễn thông, nhưng trên thực tế đó là sự mở cửa cho các doanh nghiệp nhà nước. Việt Nam đang cần có một thị trường viễn thông theo nghĩa chính xác hơn, cần có sự cạnh tranh của nhiều thành phần kinh tế hơn trong lĩnh này để thúc đẩy thị trường phát triển một cách toàn diện. Đó chính là lí do ra đời Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện

Theo ICTnews.



Bình luận

  • TTCN (0)