Nhân viên cứu hoả bơm nước làm nguội lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, ngày 22/3. Ảnh: Kyodo.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương vừa cho biết, Việt Nam nằm xa và ở vĩ độ rất thấp so với nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi 1 nên không bị ảnh hưởng của tro bụi và phóng xạ do sự cố ở nhà máy này.

Những ngày qua, trong dư luận xã hội và nhân dân dấy lên những lo lắng về khả năng Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của bụi phóng xạ từ Nhật Bản mang đến. Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia đã tập trung nghiên cứu điều kiện hoàn lưu khí quyển chi phối khu vực phía Bắc châu Á - Thái Bình Dương từ nay đến hết tháng 4/2011.

Cụ thể, trung tâm cho biết trong những ngày cuối tháng 3/2011 là thời kì cuối của mùa Đông ở khu vực phía bắc châu Á, do vậy hoàn lưu chủ yếu chi phối khu vực này là các hệ thống gió thổi theo hướng từ phía tây sang đông. Do vậy các khối không khí trong khí đoàn cũng di chuyển theo hướng đó, nên khó có khả năng để các khối không khí chứa các chất bụi lơ lửng (trong đó có bụi phóng xạ) có thể di chuyển ngược lại và ảnh hưởng tới Việt Nam.

Trong tháng 4 và tháng 5/2011, hoàn lưu gió trên khu vực đông bắc châu Á vẫn tiếp tục duy trì di chuyển theo hướng chủ đạo từ tây sang đông nên không có khả năng tro bụi hoặc các chất thải độc hại (kể cả bụi phóng xạ) trong các khối không khí có thể di chuyển ngược lại về phía tây và tây nam để ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam châu Á. Vẫn theo trung tâm, trên thực tế đã xảy ra sự cố nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (Ukraine, 1986) thì chỉ có các nước ở phía đông và tây cùng vĩ độ địa lí của nhà máy nói trên mới bị ảnh hưởng của bụi phóng xạ, thậm chí tại Mông Cổ và lục địa Trung Quốc không bị ảnh hưởng của bụi phóng xạ. Do đó ở thời điểm này, Việt Nam không nên quá lo lắng về việc bị ảnh hưởng của tro bụi và phóng xạ do sự cố nhà máy điện nguyên tử tại Nhật Bản gây ra.

Sáng 23/3, cơ quan chức năng Nhật Bản đã khảo sát nước biển xung quanh nhà máy Fukushima 1 và đã phát hiện các nhân phóng xạ I-131 và Cs-137 trong một số mẫu. Các mẫu nước biển lấy từ 8 địa điểm khác nhau sẽ được phân tích tại cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA) và kết quả sẽ sớm được công bố.

Số liệu hạt nhân phóng xạ môi trường từ Trung tâm dữ liệu quốc gia của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) thuộc viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho thấy, đám mây phóng xạ đang di chuyển và đến ngày 23/3, các đám mây này chạm đến vùng đông bắc quần đảo Philippines. Ngoài ra, CTBTO cũng cho biết vùng biển Đại Tây Dương đã xuất hiện đám mây phóng xạ.

Theo SGTT




Bình luận

  • TTCN (0)