Sôi động một cách lặng lẽ như tính chất của nó, từ tốn lan toả và chinh phục với sức mạnh không gì ngăn cản được, nhìn lại thật khó hình dung cuộc sống vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long nếu thiếu vắng Internet.

Trong sản xuất kinh doanh

Chiếc ghe đưa chúng tôi vào kinh Mương Lộ (tỉnh Vĩnh Long). Chợt hiện bên bờ một ông già đánh trần, mặc xà lỏn, râu tóc bạc phơ. Anh chủ ghe bẻ tay lái nói vọng lên: "Tía ơi, khoẻ không?". Ông già trả lời và cất tiếng cười sảng khoái, khoe hàm răng sáng bóng. Lên bờ tôi biết, ông tên là Tám Hổ - 83 tuổi. Khu vườn của ông cũng theo đó đặt tên: "Vườn ông Tám Hổ". Ông kể: Mỗi năm bán chừng 170.000 cây giống các loại cho khắp đồng bằng sông Cửu Long, lên cả miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Ở cù lao giữa sông Hậu mênh mông diệu vợi, làm sao mà ông quan hệ buôn bán rộng rãi? Ông cười khà khà: "Nhờ Internet. Thằng con trai đầu của "qua" là Nguyễn Trí Nghiệp sinh năm 1955, tốt nghiệp ĐH Cần Thơ năm 1980, về nhà làm giống và đăng ký địa chỉ e-mail nên ngồi trên cù lao mà quan hệ được với bạn hàng khắp nước.

Bây giờ, nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đăng ký địa chỉ e-mail đã có hàng vạn, nhiều cơ sở lập hẳn website. Tôi lại nghĩ đến một điều khác khi đến Metro Hưng Lợi bên Quốc lộ 91B, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Nơi đây đang kinh doanh hơn 30.000 mặt hàng. Riêng thịt, cá, rau, quả tiêu thụ khoảng 200 tấn/tháng. Mọi hoạt động xuất - nhập đều thực hiện qua mạng Internet 24h/24h, được bộ phận kế toán chuyên nghiệp của văn phòng đóng tại TP.Hồ Chí Minh theo dõi chặt chẽ hàng ngày.

Trong dịch vụ

Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ thành lập "Bộ phận một cửa" từ tháng 9/2004. Tuy nhiên, suốt thời gian dài, "Bộ phận một cửa" thực ra là "thêm một cửa", tức là dân có việc thì đến nộp đơn vào đó, được hẹn ngày trở lại nhận đơn để… được hướng dẫn các cửa tiếp theo phải qua. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi khi Ninh Kiều xây dựng quy trình ISO trong giải quyết thủ tục hành chính. Các công việc hành chính bắt đầu đi vào quy trình thống nhất với sự hỗ trợ của mạng Internet.

Ảnh
Thư viện điện tử tại Trung tâm học liệu Đại học Cần Thơ.

Phụ trách "Bộ phận một cửa" - chị Mạc Lục Thu Tâm, Phó chánh văn phòng UBND quận cho biết: "Bộ phận một cửa" các hoạt động liên thông qua mạng Internet nên nhanh chóng, chính xác và người dân chỉ đến "Bộ phận một cửa" nộp hồ sơ, sau đó theo phiếu hẹn đến nhận kết quả".

Có lần, tôi đưa "bà xã" đến Phòng cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, trong khi bác sĩ khám thì tôi được hướng dẫn đến trước một nhân viên ngồi bên chiếc máy vi tính. Anh nhân viên hỏi tên tuổi, quê quán vợ tôi và tôi. Vài phút là xong. Lát sau, một nữ nhân viên đẩy chiếc xe tới nói là phải chuyển vợ tôi đến Khoa…Suốt đêm, các bác sĩ khám, đo điện tim rồi đưa vợ tôi đi siêu âm. Cho đến lúc trả tiền viện phí để ra về, tôi nhớ lại cả quá trình điều trị, đến nhiều nơi trong bệnh viện nhưng không nơi nào "cật vấn" gì về tôi và vợ tôi cả. Về sau tôi được giải thích: Bệnh viện quản lý theo mạng, những thông tin tôi khai ở Phòng cấp cứu đầu cổng đã được truyền khắp Bệnh viện ngay tối hôm ấy.

Anh Nguyễn Ngọc Huynh - Trưởng phòng vi tính của Bệnh viện cho biết: "Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang có khoảng 3.000 lượt người/ngày tới khám. Nếu làm "thủ công" giỏi lắm cũng chỉ giải quyết được khoảng một nửa. Quản lý theo mạng còn tránh được tình trạng gian lận, tráo thuốc và giảm được chi phí điều trị của người bệnh".

Trong học tập và nghiên cứu

Anh Trịnh Minh Tú, 42 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Minh Tú ở Cần Thơ luôn kè kè chiếc laptop bên mình. Anh luôn vùi đầu trên mạng để thoả mãn một "cơn nghiện" chất đốt sinh học và qua đó anh đang được mệnh danh "Vua chất đốt sinh học". Anh là người đầu tiên chế tạo thành công dây chuyền sản xuất dầu biodiesel từ mỡ cá tra, cá basa hoàn toàn tự động và mới được UBND thành phố Cần Thơ tặng bằng khen. Để có được dây chuyền này, anh mất 4 năm nghiên cứu tài liệu trên mạng Internet với một năm đi tới những nước có sử dụng biodiesel ở châu Âu để học hỏi kinh nghiệm. Cũng qua mạng, anh Trịnh Minh Tú đã nghiên cứu trồng thành công một loại cây có khả năng chiết xuất biodiesel từ hạt. Loại cây nhiệt đới mang tên Jatropha xuất xứ từ Malaysaia. Anh đã phối hợp với 6 tiến sĩ ở Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam trồng thử nghiệm giống cây này ở Kontum và có kết quả tốt.

Tôi đến Trung tâm Học liệu của trường Đại học Cần Thơ, nơi có thư viện điện tử lớn bậc nhất nước ta hiện nay trong khuôn viên rộng 7.200 m2. Suốt mấy tầng với 1.200 ghế hầu như không còn chỗ trống. 437 máy tính nối mạng với nhiều thư viện lớn trong nước và ngoài nước, hoàn toàn miễn phí cho sinh viên khai thác thông tin. Chánh văn phòng của Trung tâm, anh Huỳnh Văn Đức giới thiệu: Thư viện điện tử có 4 cơ sở dữ liệu đủ phục vụ việc học tập, nghiên cứu của tất cả các ngành học trong hệ thống giáo dục đào tạo ở đồng bằng sông Cửu Long. Ngồi đây có thể đọc được công trình khoa học mới công bố ở nhiều trường đại học, nhiều cơ sở nghiên cứu trên thế giới. Không chỉ đọc, còn có thể trao đổi, thảo luận qua mạng.

Từ ngày có "nét" cuộc sống người dân miền sông nước Cửu Long đã thay đổi. Từ lão nông Tám Hổ, đến chị Mạc Lục Thu Tâm, các bác sỹ ở BV Đa khoa Kiên Giang, rồi giám đốc Trịnh Minh Tú… những người chúng tôi đã gặp để viết bài này đều không trả lời được câu hỏi: "Nếu một ngày thiếu NET"?

(Theo Sáu Nghệ - ICTnews)



Bình luận

  • TTCN (0)