Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đến làm việc với Cục Tần số Vô tuyến điện ngày 19/2. Ảnh: Thái Khang.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nói khi thị trường cạnh tranh cao cần tính đến việc sáp nhập cho các mạng di động, tránh tài nguyên tần số bị xé nhỏ, sử dụng kém hiệu quả.

Ngày 19/2/2008, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm và làm việc với Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông). Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong công tác quản lý tần số, bên cạnh đáp ứng nhu cầu sử dụng, vấn đề dự báo nhu cầu này cũng quan trọng. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phải đẩy mạnh công tác quy hoạch, trên cơ sở dự báo nhu cầu và năng lực phát triển CNTT-Viễn thông.

Ảnh
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: "Không xé nhỏ thị trường viễn thông, dẫn đến tài nguyên tần số bị chia nhỏ, sử dụng kém hiệu quả". Ảnh: Thái Khang.

"Cần phải tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trên nền cơ chế đặc thù của ngành, không xé nhỏ thị trường viễn thông, dẫn đến tài nguyên tần số bị chia nhỏ, sử dụng kém hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.

Về số lượng mạng di động, nêu ra kinh nghiệm ở nhiều nước đã và sẽ quay lại con số 3, Phó Thủ tướng nhắc nhở Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần phải có cơ chế sáp nhập cho các mạng di động khi thị trường cạnh tranh cao. Tính cả giấy phép mới nhất cấp cho Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu GTel, hiện Việt Nam có 7 mạng di động.

“Khi các mạng di động sáp nhập, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phải có cơ chế chống thỏa thuận độc quyền giữa các doanh nghiệp”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.

Lo quá nhiều mạng di động

Một vấn đề nóng bỏng được nêu ra tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng là con số mạng di động quá nhiều dẫn đến tài nguyên tần số đang bị “băm nát”.

“Với thị trường như hiện nay thì con số 7 mạng di động là quá nhiều. Trong khi đó nhiều đơn vị vẫn tiếp tục xin cấp phép tham gia thị trường di động. Nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng chỉ có 3 mạng di động”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói.

Do có nhiều mạng di động nên hiện nay, theo mô tả của Thứ trưởng Thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, Việt Nam phải chia nhỏ băng tần cho mỗi một mạng di động. Kết quả là sử dụng băng tần không hiệu quả. Vì vậy, Thứ trưởng Lê Nam Thắng kiến nghị Chính phủ quy hoạch số lượng mạng di động hợp lý để thị trường phát triển bền vững chứ không chạy theo việc doanh nghiệp đổ xô xin giấy phép cung cấp dịch vụ thông tin di động.

Phát thanh, truyền hình góp phần "băm nhỏ" tần số

Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục tần số Vô tuyến điện cho biết ngoài việc có quá nhiều mạng di động, Việt Nam còn có quá nhiều đài phát thanh, truyền hình làm truyền dẫn phát sóng nên dẫn đến việc tần số bị chia nhỏ. Hiện tại, có tới 74 kênh truyền hình tương tự như Đài Truyền hình Việt Nam VTV, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC là 7 và 65 đài truyền hình địa phương. Số đài phát thanh của VOV là 52 đài và 750 đài tỉnh, đài huyện.

“Đề nghị Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu cơ cấu hợp lý cho thị trường thông tin di động và tổ chức truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình. Bên cạnh đó, cũng cần có lộ trình số hóa cụ thể cho các đài phát thanh truyền hình để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số”, ông Đoàn Quang Hoan nói.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng còn cho biết, hiện các đài phát thanh và truyền hình đang đóng vai trò vừa sản xuất nội dung và xây dựng hệ thống truyền dẫn phát sóng. Thậm chí, có đài truyền hình chỉ phát vài bao tiếng/ngày nhưng cũng đầu tư hệ thống rất tốn kém kinh phí của Nhà nước. Vì vậy, cần phải quy hoạch theo hướng các đài phát thanh truyền hình này sản xuất nội dung và chịu sự quản lý của Luật báo chí, còn phần truyền dẫn phát sóng nên mở ra để cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Sau khi nghe báo cáo từ lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Tần số Vô tuyến điện, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định các đài phát thanh, truyền hình là các nhà cung cấp nội dung. Bộ Thông tin và Truyền thông cần thông báo sớm cho các đài phát thanh và truyền hình về chương trình quốc gia phát triển công nghệ số cho hạ tầng phát thanh, truyền hình để tránh việc đầu tư truyền dẫn phát sóng gây lãng phí cho nhà nước. Bên cạnh đó cũng cần tổ chức các buổi hội thảo để các đài phát thanh truyền hình chuyển đổi nhận thức và có lộ trình chuyển đổi sang công nghệ số.

(Theo Thái Khang - ICTnews)



Bình luận

  • TTCN (0)