Những người biểu tình trẻ tuổi và thành thục công nghệ tại Hồng Kông sử dụng Firechat để liên lạc vì lo ngại chính quyền có thể cắt mạng Internet và mạng di động. Ảnh: Forbes.

Không cần phải dựa vào mạng Internet và không thể bị quản lí, Firechat đang trở thành một tiêu chuẩn liên lạc mới cho các nơi bị ảnh hưởng bởi thảm họa tự nhiên, chiến tranh hay biến động chính trị. Tiện ích này đang được những người biểu tình ở Hồng Kông sử dụng rất hiệu quả.

Đã có hàng trăm ngàn người dân Hồng Kông tải về tiện ích Firechat - nơi những cuộc biểu tình lớn đang diễn ra. Dịch vụ này được các người tổ chức biểu tình khuyên các thành viên tham gia nên sử dụng, một phần để đối phó với tình trạng nghẽn mạch, nhưng một lí do khác là để chuẩn bị cho lo ngại chính quyền Hồng Kông có thể cắt mạng Internet và di động tại đây.

Với Firechat, chỉ cần có một người khác cũng đang sử dụng tiện ích chat này trong vòng bán kính 70 m là mạng lưới nhắn tin có thể hoạt động. Tuy vậy, đà phát triển của dịch vụ này cũng đã làm Open Garden, công ty chủ quản của Firechat, khá bất ngờ. Firechat mới chỉ ra mắt vào tháng 3/2014 và vẫn còn rất nhiều điểm khiếm khuyết cần phải sửa chữa.

Dù và điện thoại di động

Những cuộc biểu tình đang diễn ra tại Hồng Kông có sự tham gia của một lượng lớn giới trẻ, học sinh và sinh viên, với những trang thiết bị chỉ bao gồm dù và điện thoại di động. Nếu cây dù để chống nắng và hơi cay từ cảnh sát, thì điện thoại di động là một công cụ vô cùng cần thiết ở bất kì một cuộc biểu tình nào giúp người tham gia phối hợp với tổ chức và liên lạc với nhau.

Tuy vậy, với một lượng lớn người biểu tình tập trung vào khu vực trung tâm, hệ thống mạng di động tại đây sẽ bị đẩy vào tình trạng quá tải. Trong khi đó, chính quyền Hồng Kông cũng đã bắt đầu tiến hành ngăn chặn cuộc biểu tình lan rộng thông qua mạng xã hội.

Đến hôm 28/9, mạng xã hội ảnh Instagram đã bị chặn hoàn toàn tại Trung Quốc. Instagram vốn là một trong các dịch vụ mạng xã hội “ngoại quốc” hiếm hoi né được vòng cấm đoán của chính quyền Trung Quốc. Nhưng với cuộc biểu tình tại đảo quốc Hồng Kông lên đến đỉnh điểm, chính quyền Trung Quốc không muốn hình ảnh về sự kiện này này đến được cư dân đại lục. Và thế là Instagram đã phải tham gia danh sách các trang web bị chặn tại nước này, cùng với những Facebook, Twitter, YouTube và Snapchat.

Lo ngại hành động kiểm duyệt này sẽ tiến đến việc cắt hoàn toàn mạng Internet và mạng di động tại Hồng Kông, những người tổ chức biểu tình đã quay sang sử dụng một dịch vụ chat nội bộ: Firechat.

Tính chất của Firechat

Tính năng hữu dụng nhất của Firechat chính là khả năng gửi tin nhắn mà không cần thông qua mạng Internet. Để làm được việc này, Open Garden - công ty chủ quản của Firechat, đã sử dụng một công nghệ liên lạc P2P (Peer to peer - giữa người dùng và người dùng).

Tất cả các thiết bị sử dụng tiện ích Firechat (có trên cả iOS lẫn Android) sẽ đóng vai trò như một điểm kết nối, liên kết với nhau bằng sóng Bluetooth. Mặc dù sóng Bluetooth có giới hạn kết nối là 10 mét nhưng với nhiều thiết bị cùng lúc sử dụng Firechat, chúng sẽ liên kết với nhau và tạo thành một mạng lưới “mesh network”, giúp truyền tải thông tin liên lạc với nhau trên diện rộng.

Phó giám đốc thương mại và marketing Christophe Daligault của Open Garden cho biết: “Khi ta đã lập được một mạng lưới mesh network, sẽ có một hệ thống liên lạc bền bỉ, có khả năng tự sửa chữa, không thể bị điều khiển bởi bất kì một tổ chức nào, không thể bị phá bỏ và luôn luôn hoạt động.” Ông cũng cho biết công nghệ này chỉ có thể được áp dụng nhờ có sự phổ biến của các thiết bị di động.

Ban đầu công nghệ này được lập nên để đối phó với các hạn chế của mạng lưới phủ sóng di động hiện đại, vốn buộc phải thông qua một trạm thu phát sóng địa phương. Firechat ban đầu được quảng bá như một công cụ liên lạc nhóm trong các sự kiện âm nhạc, thể thao...

Thực tế, Firechat được tung ra để phục vụ lễ hội Burning Man tại Mỹ, diễn ra giữa sa mạc. Nhưng vì tính chất độc lập và không thể ngăn chặn, Firechat lại được sử dụng nhiều nhất tại những nơi mà mạng di động bị giới hạn do thiên tai, chiến tranh hoặc biến động chính trị. Đối với người biểu tình tại Hồng Kông thì Firechat là một chiến thuật phòng bị hữu hiệu cho trường hợp chính quyền tung chiêu cắt hoàn toàn các kênh thông tin liên lạc đến đảo quốc này.

Sự phổ biến của Firechat trong các cuộc biểu tình và vùng chiến sự có làm Open Garden bất ngờ. Firechat vẫn chưa được chuẩn bị cho sự phát triển lớn đến như thế.

Ở trên bề nổi thì trình tiện ích của Firechat còn khá sơ sài, thiết kế giao diện người dùng còn khó sử dụng. Nhưng vẫn còn có quá nhiều giới hạn lớn để Firechat có thể phục vụ cho mục đích là một mạng lưới liên lạc trung lập. Trong số các giới hạn đó là vấn đề bảo mật. Các thông tin liên lạc giữa người dùng đều không được mã hóa, nên dù người dùng Firechat có sử dụng các phòng chat Private thì thông tin vẫn có thể bị tuồn ra ngoài.

Open Garden đang tiến hành phát triển một giải pháp mã hóa cho Firechat, tuy nhiên hiện tại họ khuyên các người biểu tình tại Hồng Kông không nên sử dụng tên thật làm nickname.

Firechat không thể bị nghẽn mạch

Chỉ trong vòng hai ngày chủ nhật và thứ hai vừa qua, tiện ích di động của Firechat đã được tải về hơn 100.000 lần tại Hồng Kông, biến tiện ích này thành tiện ích di động phổ biến nhất tại đây. Vào tối hôm thứ ba (30/9), tại Hồng Kông đã có đến 14.000 người dùng cùng lúc sử dụng Firechat, với 97.000 phòng chat địa phương. Đây không phải là lần đầu tiên Firechat chứng kiến một đợt tăng lượng người sử dụng đông như thế. Trước đó, người tham gia cuộc biểu tình tại Đài Loan cũng sử dụng Firechat để tránh tình trạng nghẽn mạch. Trong khi đó, Firechat đã và đang được sử dụng bởi hàng chục ngàn người dân Iraq, khi chính phủ nước này phải hạn chế các phương tiện truyền thông để cắt đứt liên lạc của tổ chức hồi giáo cực đoan IS.

Theo Người Lao Động.




Bình luận

  • TTCN (0)