Việc chuyển thuê bao di động 11 số về 10 số cần tới lộ trình 2 năm, nhưng hiện tại đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Ảnh: Thanh Hải.

Kì 1: "Cháy kho số" - bài toán giải 10 năm của ngành viễn thông Việt

Bài toán "cháy kho số" vốn được Bộ Thông tin và Truyền thông nhắc tới từ lâu như "căn bệnh" khó chữa của ngành viễn thông Việt. Trước khi những quy định mới về Quy hoạch kho số viễn thông đưa ra hướng giải quyết để thống nhất chiều dài số di động, nhiều phương án đã được các nhà mạng và cơ quan chủ quan đưa ra trong gần 10 năm qua, nhưng tình trạng này dường như không được giải quyết triệt để.

Năm 2006, lần đầu tiên cụm từ "cháy kho số" được các nhà mạng đề cập đến, khi cả Viettel, MobiFone và VinaPhone lúc đó chỉ khai thác một vài đầu số nguyên bản như 090, 093, 098... Theo lập luận của các nhà mạng, số lượng thuê bao di động đã tăng trưởng mạnh. Riêng năm 2007 đã tăng gấp 200% và phát sinh mới khoảng 12 triệu thuê bao, bằng con số của 10 năm trước cộng lại. Cả những doanh nghiệp ông lớn hoặc nhà mạng nhỏ khi ấy đều cảnh báo rằng, nếu không nhanh chóng tìm cách mở rộng kho số, nhà mạng sẽ phải "ăn dè, để dành từng số trắng cho khách hàng".

Đứng trước bài toán khó của nhà mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông (khi đó là Bộ Bưu chính - Viễn thông) đã đưa ra hai phương án: một là tăng thêm số di động từ 10 số lên 11 số, và giữ nguyên mã mạng 09 như trước đây; hai là thêm mã mạng mà không làm thay đổi số điện thoại.

Đại diện Viettel khi đó lập luận rằng, việc tăng thêm một mã mạng chỉ giúp doanh nghiệp có thêm tối đa 8 triệu thuê bao. Còn nếu tăng chiều dài số sẽ giúp có kho số mở rộng gấp nhiều lần (mỗi người dân có thể có từ 2 đến 3 thuê bao), và nhà mạng này sẵn sàng hỗ trợ khách hàng nếu có phát sinh chi phí. Thời điểm đó, VinaPhone cũng ủng hộ chủ trương này, bởi nó giúp nhà mạng tiết kiệm chi phí marketing cho đầu số mới, và để khách hàng dễ dàng nhận biết các mạng di động.

Tuy nhiên, phương án kéo dài số đã vướng phải sự phản đối của các nhà mạng nhỏ, dưới quan điểm việc điều chỉnh này sẽ khiến tất cả các khách hàng phải đổi số và làm tăng chi phí xã hội. Cuối cùng, phương án mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra là tăng thêm mã mạng. Và từ đây, hàng loạt đầu số cấp thêm mã 012, 015, 016 và 017 dành riêng cho di động ra đời, với quy tắc mã đa mã, thay vì mở rộng số di động.

4 năm sau khi quy định mới được áp dụng, năm 2010, các nhà mạng lại một lần nữa đặt ra vấn đề tăng độ dài thuê bao, thay vì tiếp tục mở rộng mã mạng. Khó marketing, chi phí bán hàng tăng, người dùng không thể phân biệt nổi đầu số của từng nhà mạng... là nguyên nhân chính được các doanh nghiệp viễn thông lớn đưa ra. Không những thế, với mỗi mã được cấp mới, có nhà mạng chỉ sử dụng trong vòng 4 tháng đã cạn, trong khi kéo dài đầu 09x sẽ giúp tăng tới 100 triệu số và được cho là giải quyết triệt để bài toán "cháy kho số".

Đề xuất này tiếp tục vướng phải sự phản đối của các nhà mạng nhỏ, và lần này là cả Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo cơ quan này, vào năm 2010, các nhà mạng thực chất mới chỉ sử dụng khoảng 1/3 kho số, lượng thuê bao ảo không kiểm soát tăng quá nhanh, và trong tương lai, thị trường còn nhiều doanh nghiệp tham gia, nên việc tăng mã mạng là phương án hợp lí hơn.

Cuối năm 2014, trong một nỗ lực để mở rộng kho số một lần nữa, Bộ Thông tin và Truyền thông đã "bật đèn xanh" cho việc mở rộng thêm hai dải số 0 và 1 với các nhà mạng khai thác dịch vụ di động, nhằm tăng kho số cho từng doanh nghiệp thêm 4 đến 6 triệu số. Khi đó, đại diện Bộ cũng thừa nhận, việc làm này có thể khiến một bộ phận người dùng SIM 11 số chuyển sang dùng SIM 10 số có dải mới, và là cách để kích cầu sử dụng cho thuê bao.

Vẫn với lí do chính là ngăn chặn nguy cơ "cháy kho số", đầu năm 2015, thông tư về Quy hoạch kho số viễn thông dường như đã ngã ngũ cho câu chuyện về những chiếc SIM 10, 11 số. Quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là quy hoạch lại mã mạng di động trên nền mã cố định trước đây vừa giúp tận dụng được đầu số, vừa mang lại công bằng cho người dùng, không lặp lại những điểm tiêu cực của các phương án trước đó.

Tuy nhiên, trên thực tế, cách làm này đã khiến doanh nghiệp dùng thuê bao cố định phải gánh chịu thiệt hại, còn người dùng di động lo lắng, không biết việc chuyển đổi sẽ gây ra những khó khăn gì, và đặt câu hỏi ngược lại: "Vì sao không chuyển SIM 10 số sang 11 số?".

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)