Mỗi năm tại Anh lại có khoảng 100 trẻ em sinh ra có ti thể bị hư hỏng nghiêm trọng. Ti thể được coi là trung tâm năng lượng của tế bào vì là nơi chuyển hóa các chất hữu cơ thành năng lượng tế bào. Những đứa trẻ như vậy thường không thể sống nổi. Nếu sống sót, bệnh nhân cũng nằm trong tình trạng suy nhược, các mô của cơ thể, não, cơ, dây thần kinh thường xuyên bị thiếu năng lượng cần thiết để hoạt động.

Cho đến nay vẫn chưa có cách cứu chữa nào. Tuy nhiên, vào ngày 3/2 vừa qua, Nghị viện Anh đã bỏ phiếu biến Anh thành nước đầu tiên trên thế giới được phép "hiến tặng ti thể" – một dạng thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhằm ngăn chặn các bệnh di truyền từ mẹ sang con.

Mặc dù có những lợi ích tiềm tàng, song vấn đề này đang gây nhiều tranh cãi. Với quá trình thụ tinh này, các bác sĩ sẽ cấy nhân của một tế bào trứng bị hỏng ti thể vào trứng của một người phụ nữ khỏe mạnh tình nguyện hiến trứng.

Ti thể rất khác với các thành phần khác của tế bào. Chúng có ADN riêng và ti thể khiếm khuyết chỉ truyền từ mẹ sang con, dẫn tới những tổn hại về não, teo cơ, bệnh tim và mù lòa... Một em bé sinh ra bằng kĩ thuật thụ tinh hiến tặng ti thể sẽ có gen của 3 người – của mẹ, của bố và của người phụ nữ hiến tặng trứng.

Con người có khoảng 22.000 gen. Ti thể có 37, vì vậy khi cấy ti thể vào trứng của người hiến tặng thì các đặc điểm của đứa trẻ như màu mắt, chiều cao hoặc cá tính, sẽ chỉ bị ảnh hưởng bởi chính bố mẹ của em theo cách thông thường. Nhưng vì tất cả các ti thể trong cơ thể con người đều có nguồn gốc từ trứng, vì thế những bé gái sinh ra theo phương pháp này sẽ có ti thể khỏe mạnh, và sau này khi trở thành phụ nữ, họ cũng sẽ sinh ra những em bé khỏe mạnh.

Vấn đề gây tranh cãi nhất xuất phát từ tôn giáo và truyền thống. Giáo hội Anh ủng hộ ý tưởng này, song họ muốn có thêm các nghiên cứu, và có một số linh mục lại lên tiếng phản đối. Ngoài ra, Giáo hội Công giáo La Mã cũng phản đối, đúng như những gì mà Giáo hội này thường phản đối với tất cả các hình thức thụ tinh ống nghiệm. Giáo hội Hồi giáo lại có nhiều ý kiến khác nhau, nửa ủng hộ nửa phản đối. Các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy phần lớn công chúng đều ủng hộ.

Trong khi đó, các bệnh viện cung cấp kĩ thuật thụ tinh ống nghiệm cũng không phải vội vàng tiến hành. Giả sử ý tưởng này được Thượng viện Anh thông qua, thì việc tăng ti thể vẫn phải chờ đến tháng 10/2015 mới được xem là hợp pháp. Các cơ sở bệnh viện cần có giấy phép của Cơ quan Phôi học và Thụ tinh nhân tạo của Anh. Đây là cơ quan quản lí các vấn đề về y học sinh sản, cũng như cấp phép phương án điều trị cụ thể đối với từng cặp vợ chồng. Bất kì đứa trẻ nào sinh theo phương pháp trên đều phải được theo dõi, kiểm tra mọi biến chứng có thể có.

Doug Turnbull, nhà khoa học tại trường Đại học Newcastle từng có nhiều nghiên cứu về hiến ti thể, tính toán rằng với phương pháp này, mỗi năm sẽ có khoảng 150 gia đình được hưởng lợi. Tuy nhiên, ông cho rằng, kĩ thuật này vẫn còn mới và chưa được thử nghiệm nhiều, chỉ nên áp dụng với một số trường hợp.

Tuy nhiên, dự đoán sẽ không chỉ có các cặp vợ chồng Anh mong muốn được áp dụng kĩ thuật này, mà sẽ có nhiều cặp vợ chồng ở nước ngoài nữa. Đến cuối năm nay, Anh có thể sẽ là nơi duy nhất trên thế giới cung cấp kĩ thuật này, mang đến hi vọng cho nhiều cặp vợ chồng về việc sinh ra những đứa trẻ có cuộc sống khỏe mạnh, bình thường.

Theo VnReview.




Bình luận

  • TTCN (0)