Nguồn ảnh: suncoastpasco.tbo.com.

Lưỡi được sử dụng để nếm thức ăn, nói, giúp hôn, nuốt và chống lại vi khuẩn. Nhưng giờ đây các nhà khoa học hy vọng sẽ thêm vào danh sách trên một khả năng nữa của cơ lưỡi: biến nó trở thành thiết bị điều khiến máy tính.

Các nhà nghiên cứu viện công nghệ Georgia tin rằng một hệ thống cảm ứng từ tính được điều khiển bởi lưỡi có thể biến miệng một người khuyết tật trở thành một máy tính ảo, răng trở thành bàn phím, và lưỡi trở thành chìa khóa điều khiển tất cả.

“Bạn sẽ điều khiển được mọi thứ chỉ cần có khả năng di chuyển lưỡi của mình” Maysam Ghovanloo, một trợ giảng của viện công nghệ Georgia, trưởng nhóm dự án mô tả.

Hệ thống điều khiển bằng lưỡi (Tongue Drive System) của nhóm này có thể giúp biến lưỡi trở thành một thứ như cần điều khiển, cho phép những người khuyến tật điều khiển xe lăn, quản lý các thiết bị trong nhà và điều khiển máy tính. Dự án này vẫn còn nhiều việc phải làm – trước đó, một khách hàng tiềm năng đã gọi dự án này là “kỳ cục” – nhưng các cuộc thử nghiệm ban đầu đã nhận được kết quả rất đáng khích lệ.

Hệ thống này hiện vẫn còn chưa đạt hiệu quả bằng các hệ thống đầu tiên cho phép điều khiển các thiết bị điện tử thông qua cử động của khuôn mặt. Nhưng những người khuyết tật ủng hộ dự án này rất kỳ vọng rằng lưỡi có thể tạo một bước nhảy đáng kể.

Theo Mike Jones, phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu và công nghệ tại trung tâm Shepherd, một bệnh viện phục hồi tại Atlanta, “hệ thống này có thể thay thế gần như một lượng vô hạn các ngắt tín hiệu và lựa chọn phục vụ cho việc giao tiếp”. “Nó rất dễ sử dụng, và người dùng có thể học một ngôn ngữ hoàn toàn mới”.

Điều này khá tương phản với một loạt các phương pháp giao tiếp và điều khiển thiết bị hiện có cho hàng trăm ngàn người khuyết tật không thể cử động được từ cổ trở xuống tại Mỹ.

Chẳng hạn công nghệ “nuốt và thổi”, cho phép người ta  ra lệnh bằng cách hít vào và thở ra vào một cái ống, có lẽ là loại được nhiều người biết đến nhất. Nhưng nó vẫn giới hạn sự chọn lựa của người sử dụng khi cũng chỉ giúp họ đưa ra được 4 loại lệnh khác nhau,

Hệ thống điều khiển sử dụng tấm đo cử động của đầu và cổ cũng đang rất phổ biến, nhưng việc sử dụng phần cứng này có thể khiến người sử dụng mệt mỏi và chán nản khi dùng những thiết bị điện nhỏ như máy tính.

Một cải tiến mới khác khá hứa hẹn là tận dụng chuyển động của mắt, tuy nhiên giải pháp này khá đắt, chậm và dễ bị lẫn các tín hiệu với nhau.

Trong khi đó, lưỡi là một lựa chọn linh hoạt, nhạy cảm và nhẹ nhàng hơn cả.  Cũng giống như các cơ mặt khác, lưỡi hầu như không bị ảnh hưởng bởi các vụ tại nạn làm tê liệt toàn bộ các phần khác của cơ thể, bởi lưỡi gắn liền với não, chứ không phải tủy sống.

Tính khả thi của lưỡi từ lâu đã thu hút nhiều nhà khoa học. Trong những năm 60, công việc nghiên cứu tập trung vào việc biến lưỡi trở thành một thấu kính sơ khai bằng cách gắn điện cực vào các mô. Nhiều nghiên cứu gần đây đã nối một chiếc máy ảnh kích thích điện cực của lưỡi trong việc tiếp nhận hình ảnh đồ vật nhằm giúp người mù cũng có thể cảm nhận được hình ảnh.

NewwAbilities System một công ty có trụ sở tại Palo Alto, California, thì lại thiết kế ra một keypad 9 nút đặt tại vòm trên của miệng để điều khiển các thiết bị điện tử.

Tuy nhiên, công việc của Ghovanloo lại tập trung vào việc tạo ra một bàn phím ảo thay vì một bàn phím thông thường. Ông làm điều này thông qua một nam châm rộng chừng 3mm được đặt dưới đầu lưỡi.

Chuyển động của nam châm này sẽ được theo dõi bởi các máy cảm biến được đặt trên má, bộ phận cơ thể sẽ gửi thông tin về một bộ mũ điện tử khá cồng kềnh. Sau đó thông tin này sẽ được xử lý bởi phần mềm để chuyển các chuyển động đó trở thành các lệnh cho xe lăn hoặc các thiết bị điện tử khác.

Sau khi bật hệ thống lên, người sử dụng được hỏi để cho ra 6 lệnh: trái, phải, tiến lên, lùi xuống, click 1 lần, click 2 lần. Một sinh viên tốt nghiệp đại học người thử nghiệm công nghệ này đã dạo quanh phòng thí nghiệm trên một chiếc xe lăn.

Đó quả thật là một cuộc trình diễn ấn tương và Ghovanloo nói ông hy vọng một ngày nào đó ông có thể tăng thêm nhiều lệnh nữa để có thể biến răng trở thành bàn phím và má trở thành bảng điều khiển máy tính. Ví dụ “Di chuyển lên trên về phía bên trái trở có thể là bật đèn lên, xuống phía dưới bên phải thì là tắt TV” Ghovanloo nói.

Một cuộc thử nghiệm trước đó của các sinh viên viện công nghệ Georgia cũng rất được ủng hộ. Công việc của nhóm này đã nhận được 120.000USD tiền tài trợ từ Quỹ Khoa Học Quốc gia và 150.000USD từ Quỹ Christopher and Dana Reeve.

Nhưng vẫn còn đó những thách thức. Các nhà nghiên cứu phải làm gọn bớt chiếc mũ điện tử cồng kềnh (thứ nhìn chẳng khác gì một thứ phục trang từ những bộ phim thập kỷ 80) trở thành vòng kẹp răng. Nhóm này cũng phải cải tiến cả phần mềm, sửa lại kích cỡ của miếng nam châm và nâng cấp bộ sạc pin không dây.

Nhưng trên hết, họ phải tìm cách giữ giá dao động trong khoảng bằng với hệ thống “nuốt và thở” (thứ tốn hàng trăm USD) và hệ thống tinh vi hơn là theo dõi cử động mắt (thứ tốn đến hàng ngàn USD).

Tuy nhiên, nghiên cứu này đã động viên rất nhiều cho Justin Cochran, một sinh viên đại học 26 tuổi, người đã xem một thử nghiệm gần đây.

Thiết kế hẳn là cần phải được cải tiến. “Dự án này vẫn còn đang trong trứng nước và khá kỳ cục” anh nói. Nhưng Cochran cũng nói, đây là một dự án khá hứa hẹn, với tùy chọn điều khiển gần như không bị giới hạn, khiến anh muốn xếp xó chiếc ghế lăn sử dụng công nghệ “nuốt và thở”.

“Bạn có thể điều khiển không chỉ ghế, TV hay máy tính mà còn có thể điều khiển toàn bộ cuộc sống của mình.” Anh nói “Và chỉ trong một sản phẩm”.

(Theo Vietnamnet/AP)



Bình luận

  • TTCN (0)