Trung tuần tháng 03 vừa qua (16-17/03/2007), tại Băng cốc, ngay sau Diễn đàn Tiêu chuẩn hoá viễn thông Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 12 (ASTAP 12), ITU và APT đã tổ chức một buổi Hội thảo chuyên đề về qui hoạch mạng NGN. Căn cứ vào mục tiêu của Sáng kiến Khu vực Châu Á Thái Bình Dương về “Qui hoạch mạng NGN” đã được Hội nghị phát triển viễn thông thế giới (WTDC) năm 2006 thông qua.

Hội thảo này nhằm hỗ trợ các sáng kiến và hoạt động đang triển khai của ITU và APT về nhiều vấn đề của mạng NGN như: các vấn đề liên quan đến Quản lý nhận dạng, an ninh, cấu trúc NGN, chất lượng dịch vụ, đối soát và tính cước, xây dựng hướng dẫn về chiến lượng chuyển đổi mạng, IPTV v.v... Hội thảo được tổ chức trên cơ sở những đòi hỏi thực tiễn sau:

    a) Thực tế các nhà khai thác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã và đang triển khai mạng băng rộng trên nền IP và đã xác định mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn sang mạng NGN.

    b) Yêu cầu của các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển về các giải pháp chuyển đổi hiệu quả về kinh tế.

27 báo cáo tham luận (trong đó Việt Nam cũng có một báo cáo về “Chiến lược phát triển NGN cho các nước đang phát triển”) đã được trình bày tại hội thảo. Bài viết này sẽ giới thiệu các kết quả chính của Hội thảo cũng như một số khuyến nghị cụ thể cho các nước đang phát triển về vấn đề qui hoạch mạng NGN:

I. Chuyển đổi sang mạng NGN một cách hiệu quả về kinh tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Yêu cầu đối với các phương án truy nhập băng rộng hiệu quả kinh tế cao là rất cần thiết trong quá trình hoàn tất khung tiêu chuẩn hoá quốc tế  cho mạng NGN. Điều này là đặc biệt quan trọng đối với các nước đang phát triển và các vùng nông thôn, vùng xa. Do đó, yêu cầu này của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cần được đề xuất lên ITU-T như là một vấn đề toàn cầu. Các nhóm nghiên cứu của APT, ASTAP và Diễn đàn về Chính sách và quản lý của APT cần đánh giá những yêu cầu này và cung cấp tài liệu đề xuất lên công tác tiêu chuẩn hoá NGN của ITU-T và các hoạt động liên quan đến NGN của ITU-D.

II. Chính sách và hành lang pháp lý thuận lợi

    a) Vai trò chính của người quản lý và xây dựng chính sách là tạo ra một môi trường thuận lợi ổn định và minh bạch cho mạng NGN, liên quan đến cả việc qui hoạch, thực hiện NGN và quá trình đào tạo. Điều đó bao gồm mọi vấn đề về chính sách cạnh tranh, cấp phép, xử lý tranh chấp đến các vấn đề về ứng dụng, bí mật cá nhân và an ninh mạng, quản lý bản quyền số, truy nhập và tương thích, tiêu chuẩn chung, lợi ích của người sử dụng, vấn đề quản lý nội địa và quốc tế và hướng tới mục tiêu để các doanh nghiệp tự qui định.

    b) Điều quan trọng nhất đối với các nhà quản lý cũng như nhà khai thác là yêu cầu cấp thiết về một mô hình đấu nối và chi phí phù hợp cho mạng NGN, có tính đến những thay đổi trong các tham số và việc dự báo lưu lượng trong thế giới IP. Khi mạng trên nền IP - thiết lập lên mạng lõi của hạ tầng NGN đã được triển khai rộng khắp trong khu vực, ITU và APT phải có những hành động cần thiết để tạo ra các công cụ này càng sớm càng tốt.

 III. Qui hoạch mạng

    a) Chiến lược hội tụ cho thấy nhu cầu phát triển các công cụ qui hoạch chuẩn để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi các mạng PSTN/PLMN/ISDN sang mạng NGN (theo cấu trức có IMS và không IMS). Các công cụ này phải đảm bảo các yếu tố kinh tế - kỹ thuật thiết yếu, bao gồm chi phí cho kế hoạch kinh doanh và đánh giá các giải pháp hội tụ khác nhau; để mang lại lợi ích ở mọi qui mô kinh tế. Với mối quan tâm như vậy, ITU và APT sẽ và cần phải giúp các nước đang phát triển trong việc qui hoạch chuyển đổi thông qua các hướng dẫn, công cụ, và các trợ giúp khác như đào tạo, các công cụ và hướng dẫn đã được phát triển bởi ITU và các đối tác hiện có tại địa chỉ http://www.itu.int/ITU-D/tech/network-infrastructure/index.html

    b) Các chiến lược triển khai NGN phải chấp nhận khái niệm “chuyển đổi” chứ không phải “thay đổi”, vì việc thay thế hoàn toàn mạng hiện tại là không hiệu quả và không khả thi. Hội thảo khuyến nghị nên triển khai chuyển đổi từ mạng hiện tại sang NGN (cả trên nền IMS và không dùng IMS) theo từng giai đoạn để đảm bảo sự thành công. Hội thảo khuyến nghị, trước tiên cần thực hiện giai đoạn thử nghiệm trước khi áp dụng cho toàn mạng lưới để có thể rút kinh nghiệm, đánh giá ảnh hưởng và có những điều chỉnh cần thiết.

    c) Khuyến khích thành viên từ các nước Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm triển khai của mình với ITU và APT. Cụ thể là các đóng góp cho ITU-D Q19-1/2 bằng sự tham gia tích cực qua Nhóm Tổng hợp của ITU-D sẽ làm giàu cho những hướng dẫn về chuyển đổi NGN hiện đang được ITU xây dựng. Cần xây dựng  một cơ chế  hợp tác mới để tăng cường việc tham gia và chia sẻ thông tin giữa các nước trong khu vực, để sau đó có thể chia sẻ với toàn thế giới.

    d) ITU sẽ và phải đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nước đang phát triển qui hoạch chuyển đổi mạng NGN bằng cách sử dụng các công cụ phù hợp và cung cấp các chuyên gia trợ giúp và/hoặc bất kỳ nguồn lực nào khác theo cách hiệu quả nhất.

IV. Chất lượng dịch vụ (QoS)

    a) Có một sự thực là chất lượng thoại trong môi trường di động và IP thấp hơn các mạng PSTN/ISDN truyền thống. Mục tiêu của các nhà cung cấp dịch vụ là phải đảm bảo QoS ngang bằng với các mạng thoại chuyển mạch kênh truyền thống. Các nhà quản lý phải đảm bảo rằng các nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ đã cam kết.

    b) Các thành viên của APT đã nỗ lực xây dựng một khung quốc gia để đảm bảo chất lượng dịch vụ băng rộng. Phải đặc biệt chú trọng đảm bảo mức chất lượng dịch vụ cao trong quá trình chuyển đổi sang mạng NGN; đối với cả QoS mạng-mạng và đầu cuối-đầu cuối.

    c) Tính ổn định trong giải pháp IP, đặc biết là QoS, cần được đảm bảo trong nhiều nhà khai thác khác nhau, khuyến khích các nhà quản lý và xây dựng chính sách đưa ra các hướng dẫn QoS phù hợp theo mối quan tâm của nước mình; dựa trên tiêu chuẩn quốc tế. ITU cần phải xây dựng một Hướng dẫn cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng về QoS của mạng NGN.

 V. Các vấn đề khác:

    - Vấn đề an ninh trong mạng NGN: Yêu cầu đối với mạng NGN phải bao gồm các mức bảo mật đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và làm cho họ có đủ lòng tin để sử dụng các ứng dụng và dịch vụ có trên các mạng tương thích NGN.

    - Dịch vụ khẩn cấp/dựa trên vị trí: Các tiêu chuẩn NGN phải kể đến yêu cầu thực hiện các dịch vụ khẩn cấp/dịch vụ dựa trên vị trí, sẵn sàng và tin cậy, xuyên suốt trong toàn mạng.

    - Khả năng thay đổi tên NGN: Thực tế cho thấy các nhà khai thác trong khu vực Châu á - Thái bình dương đã và đang triển khai các mạng băng rộng trên nền IP, tên gọi “Mạng thế hệ sau” đã không còn phù hợp nữa. Hội thảo khuyến nghị ITU xem xét đổi tên thành “Mạng thế hệ mới”.

 VI. Tăng cường hợp tác mức khu vực và các hoạt động tiếp theo

Sự thành công của Hội thảo này cho thấy một ví dụ tốt về sự hợp tác của ITU và APT và nó chứng tỏ là một là hoạt động thiết thực và đem lại lợi ích đáng kể cho các thành viên và người tham dự. Hình thức hợp tác này cần được cổ vũ, khuyến khích, và hỗ trợ. Các Hội thảo/đào tạo hợp tác tiếp theo của ITU và APT, cũng như của riêng ITU và APT về vấn đề cụ thể là chuyển đổi sang mạng NGN cần được ITU và APT lập kế hoạch và tổ chức trong các năm tới.

Mức độ quan tâm rất cao trong Hội thảo của ITU/APT về vấn đề qui hoạch mạng NGN thể hiện sự cần thiết tiếp tục nâng cao nhận thức đối với nhiều vấn đề trong việc qui hoạch mạng NGN:

    a) Chuyên gia đào tạo về qui hoạch mạng NGN: Do qui hoạch NGN là một quá trình đang tiếp tục được nghiên cứu, mọi cơ quan quản lý, công ty và tổ chức có liên quan trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cần thiết lập một nhóm chuyên gia nòng cốt ở nhiều cấp độ để xử lý vấn đề qui hoạch mạng NGN. Các chuyên gia này phải được đào tạo trong nhiều mô hình qui hoạch và thực tiễn khác nhau và phải có kinh nghiệm thực tiễn.

    b) Tạo ra các công cụ qui hoạch mạng NGN tin cậy và sẵn có: Để phát triển kinh nghiệm qui hoạch mạng NGN, các nước và tổ chức quan tâm cần phải phát triển các mối quan hệ đối tác để cung cấp các công cụ qui hoạch mạng NGN. Các công cụ này phải được ITU thẩm định để đảm bảo chất lượng và sự trung lập và phải được cập nhật thường xuyên. ITU và APT phải hỗ trợ xây dựng tiềm lực thông qua việc đào tạo nhóm chuyên gia này.

 

Nguyễn Quang Hưng - tạp chí BCVT

 


Bình luận

  • TTCN (0)