Ông Lý Xuân Minh (áo đen), Phó Chủ tịch UBND xã Liên Nghĩa, thuyết phục người dân về nhà nhưng không ai nghe. Ảnh: H.P.

Phản ứng của người dân xuất phát từ nhiều lý do, nhưng họ đang tự từ bỏ quyền lợi của mình và làm ảnh hưởng đến nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông của Nhà nước.

Thực tế tại xã Liên Nghĩa chỉ là một trong rất nhiều vụ việc người dân phản đối xây dựng trạm BTS tại địa phương mình. Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Trần Ngọc Tiếp, Phó Chánh thanh tra Bộ TT-TT, cho biết hiện tượng này xuất hiện nhiều trong thời gian 4-5 năm qua - thời gian viễn thông di động bước vào phát triển bùng nổ và việc lắp đặt trạm BTS để phủ sóng trở thành yếu tố cạnh tranh quyết liệt giữa các mạng.

Phản đối không có cơ sở

Cho đến nay, chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục về ảnh hưởng của sóng vô tuyến của các mạng di động ảnh hưởng đến sức khỏe con người và điều này cũng đã được truyền thông rộng rãi tới người dân bằng các phương tiện truyền thông đại chúng.

Thực tế, môi trường sống của con người luôn tồn tại các loại sóng điện từ trường phát ra từ nhiều nguồn khác nhau như máy móc công nghiệp, thiết bị điện, sóng truyền hình, sóng phát thanh... Tùy theo mức độ mà năng lượng sóng vô tuyến đi vào cơ thể và tạo thành nhiệt, nhưng mức độ quá yếu thì lượng nhiệt này sẽ tự bị tải đi bởi tiến trình điều hòa nhiệt tự nhiên của cơ thể. Để so sánh, một trạm phát thanh có công suất phát thông thường khoảng 20 KW trong khi mỗi trạm BTS có công suất khoảng 15-30W.

Bộ TT-TT cũng đã phối hợp cùng với nhiều tổ chức, các nhà khoa học và trung tâm nghiên cứu để xem xét kỹ lưỡng vấn đề ảnh hưởng của trạm phát sóng BTS đối với sức khỏe người dân. Thanh tra Bộ TT-TT cũng đã có trả lời chất vấn Quốc hội theo văn bản số 1046/BTTTT-TT ra ngày 19/11/2007. Trước đó, Bộ BC-VT và Bộ KH-CN cũng đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ giải trình vấn đề này.

Trao đổi với VietNamNet về mặt kỹ thuật, Ericsson, một trong những hãng cung cấp thiết bị viễn thông lớn tại Việt Nam, cho biết hãng này cũng đã nghiên cứu và tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ tiêu kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế khi sản xuất thiết bị. Đối với các trạm BTS, chỉ có một không gian nhỏ xung quanh ăng-ten phát sóng đạt đến chỉ ngưỡng giới hạn an toàn. Không gian giới hạn này cũng chỉ vài centimet đến một vài mét tính từ ăng-ten tùy theo công suất phát sóng. Những ăng-ten này cũng được đặt tại những nơi mà con người không thể tiếp cận được, thường là cột cao, để loại bỏ những ảnh hưởng có thể.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có bản báo cáo số 193 vào tháng 6/2000 nêu rõ:

Tần số hoạt động của các hệ thống điện thoại hiện nay trong khoảng từ 450MHz đến 1.800MHz. Loại sóng vô tuyến này không phải bức xạ i-on, không gây ra hiện tượng i-on hóa hay phóng xạ trong cơ thể người.

Trong tài liệu số 304 được công bố tháng 5/2006 của WHO, tổ chức này khẳng định: "Xét về mức phơi nhiễm rất thấp và các kết quả nghiên cứu thu thập được đến nay, không có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy tín hiệu tần số vô tuyến yếu từ các trạm thu phát vô tuyến và các mạng vô tuyến gây ra ảnh hưởng có hại tới sức khỏe".

Cũng theo những tài liệu của Ericsson, người sống tại căn nhà có đặt trạm phát sóng viễn thông hoàn toàn không chịu ảnh hưởng nhiều hơn nơi khác. Loại sóng viễn thông di động thường có tần số cao (450 - 1.800 MHz) nên phải truyền thẳng và có độ đâm xuyên thấp. Để đạt được vùng phủ tối ưu, sóng phát từ trạm phải hướng ra ngoài căn nhà đang đặt chúng. Điều này tương tự như đèn pha ôtô: chiếu sáng cả con đường chứ không phải sáng chiếc xe. Vì thế, ảnh hưởng của sóng từ trạm BTS đến người trong nhà không cao hơn các loại sóng khác như truyền hình hoặc phát thanh.

"Thực tế thì không phải riêng chúng ta mới có trạm BTS. Tại các nước phát triển, mật độ điện thoại di động của họ cao hơn Việt Nam rất nhiều. Việt Nam cũng mới chỉ có phương tiện liên lạc này từ năm 1992-1993 trở lại đây, còn thế giới người ta đã dùng trước đó lâu rồi. Các tổ chức quốc tế như WHO, ITU, ... và rất nhiều tổ chức khác cũng đã nghiên cứu về vấn đề này rồi", ông Tiếp nói. "Sau nhiều năm nghiên cứu, người ta vẫn kết luận rằng: Không thấy bằng chứng về ảnh hưởng của sóng phát ra từ trạm BTS có ảnh hưởng đến sức khỏe con người".

Phó Chánh Thanh tra Bộ TT-TT cũng cho biết mức phơi nhiễm cho phép hiện nay tại Việt Nam là 2mW/m2 . Con số này được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn quốc tế và thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển.

Muôn vàn lý do để phản đối

"Trên thực tế những vụ việc mà chúng tôi đã giải quyết, nếu trường hợp người dân không biết thì rất dễ giải quyết, khi được giải thích là người ta đồng thuận ngay. Nhưng nếu người ta đã biết nhưng vẫn cố tình cản trở thì rất khó giải quyết, đặc biệt khi chính quyền địa phương cũng không thực sự vào cuộc", ông Trần Ngọc Tiếp nói. "Theo tôi, trường hợp ở xã Liên Nghĩa có thể rơi vào trường hợp thứ 2 này".

Ông Tiếp cho biết có rất nhiều lý do có thể dẫn đến những vụ việc như thế này xuất phát từ cách quản lý, phía doanh nghiệp, người dân và cả từ chính cách tuyên truyền phổ biến của một số phương tiện thông tin đại chúng.

Về người dân, có thể có những nơi thông tin chưa đến nên người ta không hiểu dẫn đến việc thắc mắc. Nhưng những trường hợp này chỉ cần trả lời cho người dân bằng giấy trắng mực đen đàng hoàng là mọi người hiểu và làm theo.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Cơ sở hạ tầng Công ty Viễn thông Hòa Phát - đơn vị đang xây lắp trạm BTS tại xã Liên Nghĩa, cho biết công ty ông cũng nhiều lần phải xử lý những trường hợp tương tự. Hầu hết sau khi giải thích và phổ biến cho người dân hiểu được thì công việc thi công rất thuận lợi.

"Có trường hợp đầu tiên rất khó khăn, nhưng khi đã dựng được cột lên, cắm cờ và đi vào hoạt động thì mọi người lại rất vui vẻ", ông Bình chia sẻ.

Còn khó nhất là các trường hợp cố tình không hiểu. Lý do có thể do ghen ghét, mâu thuẫn cá nhân giữa người này người khác, nhà này nhà khác, kể cả mâu thuẫn về kinh tế hay quan hệ cá nhân. Khi đồng ý đặt trạm tại nhà mình, chủ nhà được các công ty trả tiền thuê vài triệu mỗi tháng. Số tiền này khá lớn đối với thu nhập tại các vùng nông thôn.

Ảnh
Hình ảnh một gia đình có trạm BTS tại Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội) phải "gia cố phòng thủ", lúc nào cũng trong tình trạng kín cổng cao tường vì bị người xung quanh ném đất đá, trứng thối vào nhà. Ảnh: H.P.

Trong việc gây nên những hiểu lầm trong người dân cũng có nguyên nhân từ một số cơ quan truyền thông khi đăng tải những thông tin nghiên cứu không đầy đủ hoặc chưa qua kiểm chứng. 

"Có một số tờ báo đăng tải thông tin nghiên cứu của một tiến sĩ của trường Đại học Bách Khoa rằng thử nghiệm với chuột bạch thì có những dấu hiệu bị bỏng và một số tác hại khác, từ đó kết luận là sóng vô tuyến có ảnh hưởng. Nhưng khi hỏi ra thì được biết, thử nghiệm được tiến hành trong 1 lồng sắt hẹp với cường độ rất mạnh. Tất cả những tiêu chuẩn, môi trường thí nghiệm, cường độ thí nghiệm đều khác xa so với thực tế. Thanh tra Bộ cũng đã phát công văn đề nghị đính chính những thông tin chưa kiểm chứng như vậy", Phó Chánh thanh tra Bộ TT-TT chia sẻ. "Cái gì cũng phải có mức độ an toàn. Ví dụ như bạn sờ vào ổ điện 220V ở nhà thì bị điện giật, có khi tử vong. Nhưng nếu ở mức thấp thì lại thành điện châm, kích thích các huyệt đạo và có lợi cho sức khỏe".

Về phía chính quyền địa phương, thực tế cũng không hoàn toàn tốt "trăm người như một". Có những địa phương làm rất tốt, ủng hộ nhiệt tình thì công việc tiến triển rất nhanh. Đơn cử như hầu hết các tỉnh phía Nam hoặc điển hình như các địa phương thuộc tỉnh Thái Bình. Nhưng cũng có những nơi mà người đứng đầu không ủng hộ, đơn giản chỉ vì ... không thích! Khi có cuộc họp thì người ta vẫn tuyên bố "ủng hộ", "trải thảm đỏ", v.v... Nhưng đằng sau thì người ta cứ nói: "Không được".

"Kể cả khi có cán bộ Trung ương về tuyên truyền thì lời nói cũng không thể trọng lượng bằng một ông chủ tịch xã hay ông trưởng thôn với dân. Vì họ còn quan hệ láng giềng hàng ngày, thậm chí cả quan hệ họ hàng ở đó", ông Tiếp nói.

Thiệt hại mọi bề

Trong những tình huống như thế này, người chịu thiệt thòi đầu tiên là người dân. Đơn cử trường hợp ở thôn Phi Liệt, gia đình ông Bồi bị thiệt hại hàng chục triệu đồng vì vườn cây cảnh nhà mình bị người dân đi "biểu tình" tàn phá. Những người tham gia chống đối cũng bỏ công việc, đồng áng chỉ để ngồi giữ thiết bị không cho lắp đặt.

Bên cạnh đó, người dân địa phương này cũng không được hưởng lợi ích từ những dịch vụ viễn thông. Bản thân mỗi trạm BTS có thể triển khai nhiều loại dịch vụ, từ viễn thông di động cho đến các loại điện thoại nội vùng cố định không dây giá rẻ. Công ty Hòa Phát bị đọng vốn hàng trăm triệu đồng tại đây vì không thể tiếp tục công trình (Dự toán kinh phí trung bình để xây dựng mỗi trạm BTS dao động ở khoảng 500 triệu đồng).

"Điều đáng buồn là vì những xung đột quanh cái cột này mà nhà tôi bị cách ly với hàng xóm láng giềng", ông Nguyễn Văn Bồi, người cho thuê địa điểm đặt trạm BTS tại thôn Phi Liệt, nói.

Ông Bồi cho biết trước đây gia đình ông rất hòa thuận xóm giềng, không hề có tranh chấp gì với ai. Bản thân ông cũng từng được bà con bầu làm Hội trưởng Hội nông dân của xã. Đầu tiên, bản thân ông cũng sợ khi có cây cột phát sóng trong nhà. Nhưng khi được giải thích và thuyết phục thì ông đồng ý.

"Nhưng giờ nhìn nhà mình như bãi chiến trường, bà con xóm giềng mất hết tình cảm thì tôi giờ cũng chẳng muốn đặt cái trạm này nữa", ông Bồi phân trần.

Ảnh
Khi Trưởng công an xã đọc biên bản ghi nhận tình hình, mọi người đều công nhận đúng nhưng không ai chịu ký. Ảnh: H.P.

Bản thân những người dân đi cản trở việc lắp trạm BTS tại đây cũng phần nào ý thức được việc mình làm là không đúng. Điều đó thể hiện qua việc mọi người chỉ ngồi và hành động chứ kiên quyết không chịu ký bất cứ giấy tờ, văn bản gì hết. Ngay cả khi công an xã lập biên bản việc một số người dân đến tụ tập tại nhà ông Bồi, tất cả mọi người đều xác nhận biên bản đó là đúng sự thật, nhưng không ký.

Đối với doanh nghiệp, việc lắp đặt trạm BTS đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng vùng phủ sóng và triển khai các dịch vụ gia tăng.

"Về mặt kỹ thuật, tần số phát càng cao thì mức vươn càng hẹp nhưng chất lượng truyền dẫn lại tốt hơn. Các mạng CDMA đang hoạt động trên tần số 450MHz sẽ cần ít trạm phát hơn các mạng GSM 900 MHz nếu muốn phủ cùng một diện tích. Sắp tới chúng ta triển khai công nghệ 3G trong dải tần số 1.800 - 2.200 MHz thì lại càng cần thêm nhiều trạm phát sóng nữa", người đại diện Thanh tra Bộ TT-TT phân tích.

Mặt khác, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường viễn thông theo cam kết gia nhập WTO. Việc dựng trạm phát sóng này giống như việc các doanh nghiệp Việt Nam "cắm cờ" xác nhận chủ quyền tại các địa phương. Điều này sẽ trở thành lợi thế cơ sở hạ tầng trong những đàm phán kinh doanh với các đối tác nước ngoài.

"Bản thân Bộ TT-TT cũng đã ban hành những quy định rất chặt chẽ liên quan đến vấn đề xây dựng trạm BTS", ông Tiếp chia sẻ. "Hiện tại có cả một Cục Quản lý chất lượng là cơ quan quản lý kiểm soát trực tiếp của Bộ. Việc kiểm tra cũng được tiến hành thường xuyên với cơ cấu rất khách quan và đầy đủ. Bên cạnh người của Trung tâm đo kiểm còn có đại diện Sở TT-TT, chính quyền, Sở KH-CN hoặc Sở Y Tế tại địa phương, đại diện của người dân và doanh nghiệp cùng tham gia chứng kiến việc đo kiểm. Sau đó, đoàn kiểm tra cùng đối chiếu với những văn bản quy định xem trạm đó có đạt chuẩn hay không".

Theo VietnamNet



Bình luận

  • TTCN (4)
Minh Đạt  823

Trích: "Tùy theo mức độ mà năng lượng sóng vô tuyến đi vào cơ thể và tạo thành nhiệt"

Minh Đạt  823

Không đơn giản như thế! Nếu nói theo thế thì: sóng vô tuyến chui vô người tạo thành nhiệt, âm ấm chút chứ chẳng sao, nói thế khác nào mị dân.

Các tiêu chuẩn sức khoẻ ở VN đa số lấy từ các nước phương tây. Mà ở nước họ chuyện các tập đoàn tư bản gây ảnh hưởng khiến cho khoa học mập mờ, giấu diếm là chuyện đã xảy ra trong lịch sử.

Nói chung là khoa học phát triển tới đâu thì tin tới đó thôi. Còn nếu tiêu chuẩn trên vẫn gây bệnh thì cả thế giới cùng bệnh luôn chứ có phải mình ta đâu..

Nemo Nguyen  21665

Vị trí lắp đặt BTS và công suất phát sóng BTS nếu tuân thủ theo chuẩn quốc tế quy định thì ảnh hưởng sức khoẻ ko đáng kể (ảnh hưởng sóng từ cái di động đặt ngay lỗ tai lớn hơn rất nhiều sóng từ BTS).

Tuy nhiên nếu ko tuân thủ (để tiết kiệmchi phí xây, tăng công suất để tăng vùng phủ...) thì.. hổng dám nói.

Phong  4

Tôi nghĩ nên có diễn đàn trực tuyến chất vấn các chuyên gia trong lĩnh vực này. Với lại sóng cao tần thì cũng gây ảnh hưởng ít nhiều đến sức khoẻ chứ sao lại không nhỉ?