Hãng hàng không Pacific Airlines, một trong những doanh nghiệp tiết kiệm tiền tỷ nhờ ứng dụng MegaWAN. Ảnh: Thanh Hải.

Việc chuyển sang sử dụng dịch vụ đường truyền MegaWAN trên nền mạng thế hệ mới NGN tiết kiệm chi phí thuê đường truyền và hơn thế.

Mỗi năm bỏ túi 400 triệu đồng

Từ đầu năm 2005, sau khoảng gần một năm VNPT ra mắt dịch vụ MegaWAN trên nền mạng thế hệ mới (NGN), Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) bắt đầu chuyển từ dịch vụ thuê kênh trực tiếp (leased-line) sang dùng đường truyền MegaWAN trên toàn bộ hệ thống của Techcombank

Lý do của việc chuyển đổi sang MegaWAN, theo ông Nguyễn Vân, Phó trưởng phòng hạ tầng mạng của Techcombank là vì dịch vụ này thích hợp với ngân hàng có nhiều điểm giao dịch trải rộng trên toàn quốc. Chuyển sang MegaWAN cho phép ngân hàng vừa kết nối mạng riêng ảo, vừa truy cập Internet tốc độ truyền dẫn nhanh trong khi giá cước tiết kiệm hơn nhiều. Việc quản trị mạng được chuyển giao một phần cho nhà cung cấp dịch vụ, giảm tải cho đội ngũ quản trị hệ thống của ngân hàng. Thêm nữa, việc chuyển sang ứng dụng MegaWAN trên nền công nghệ MPLS còn giúp ngân hàng linh hoạt và thuận tiện hơn trong việc mở rộng mạng lưới, trong khi khả năng tương thích công nghệ vẫn đảm bảo tốt.

Theo ông Nguyễn Vân, Techcombank không phải thay đổi hay đầu tư thêm trang bị gì cho việc chuyển từ dịch vụ kênh thuê riêng sang dùng MegaWAN. Từ khi chuyển đổi sang dịch vụ MegaWAN, ước tính mỗi năm Techcombank tiết kiệm được khoảng 400 triệu đồng riêng chi phí thuê đường truyền. Trước đó, khi dùng dịch vụ kênh thuê riêng Leased-line, mỗi tháng Techcombank tốn trên 100 triệu đồng tiền cước thuê đường truyền, từ khi chuyển sang dịch vụ MegaWAN thì chi phí đường truyền hàng tháng giảm được trên 30 triệu đồng mỗi tháng.

Giảm 4 lần cước khi chuyển sang MegaWAN

Do nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ bưu chính, sau khi chia tách, VNPT quyết định xây dựng mạng tin học dùng cho riêng cho lĩnh vực bưu chính trên đường truyền MegaWAN cũng do VNPT quản lý. Đến nay, mạng tin học bưu chính đã kết nối qua đường truyền MegaWAN tốc độ 512 Kbps tới 46 bưu điện tỉnh, dự kiến tới đây sẽ kết nối nốt gần 20 bưu điện tỉnh còn lại hiện đang nối qua mạng điều hành sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Trong cuộc họp mới đây bàn về phương án kết nối cho mạng tin học bưu chính, lãnh đạo VNPT đã đi đến kết luận "sẽ triển khai nối mạng MegaWAN từ trung tâm tỉnh tới các bưu điện huyện/thị với tốc độ kết nối tối thiếu 256 Kbps và tới các bưu cục giao dục cấp xã với tốc độ tối thiểu 128Kbps".

Theo tính toán của Ban Post*Net (đơn vị chủ trì xây dựng và quản lý mạng tin học bưu chính) trong việc triển khai ứng dụng MegaWAN cho mạng tin học bưu chính, nếu tính sử dụng liên tục 8 giờ/ngày với ngày làm việc của bưu cục xấp xỉ 12 giờ thì chi phí kết nối gián tiếp (dial-up) gấp gần 4 lần chi phí sử dụng MegaWAN 128 Kbps nội tỉnh.

Ngoài tiết kiệm chi phí, việc ứng dụng dịch vụ MegaWAN còn giúp đảm bảo tốc độ kết nối phục vụ việc triển khai các dịch vụ ngày càng phát triển, đòi hỏi hạ tầng mạng tốc độ cao và ổn định hơn. Các bưu điện tỉnh đã kết nối mạng tin học bưu chính qua đường truyền MegaWAN thường chỉ dùng hết 30% thông lượng của mạng. Bên cạnh đó, theo tính toán của Ban Post*Net thì chi phí thiết bị cho việc chuyển đổi sang sử dụng MegaWAN là thấp do chủ yếu sử dụng trên nền ADSL/SHDSL nên các thiết bị tương đối phổ biến và rẻ, ước tính chỉ dưới 1 triệu đồng/điểm triển khai ADSL.

Tiết kiệm 70 tỷ đồng trong hai năm

Tất cả các đơn vị trong ngành tài chính từ kho bạc, thuế đến hải quan hiện đang sử dụng chung một hệ thống đường truyền do Bộ Tài chính xây dựng, kết nối đến trung tâm các tỉnh qua kênh truyền trực tiếp (leased-line), sau đó kết nối đến các huyện qua cáp đồng. Đây là kết quả dự án xây dựng hạ tầng truyền thông thống nhất trong toàn ngành tài chính được thực hiện từ năm 1999 - 2005. Nhưng do nhu cầu trao đổi dữ liệu trong ngành tài chính ngày càng lớn, việc kết nối trực tiếp chỉ đến cấp tỉnh đã không đáp ứng được yêu cầu. Trong ngành tài chính, các huyện/thị là nơi phát sinh chủ yếu các hoạt động nghiệp vụ và là nơi giao tiếp trực tiếp giữa Bộ Tài chính với các đối tượng quản lý và phục vụ, đó là người dân, doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng ngân sách.

Vì vậy, từ năm 2006, ngành tài chính bắt đầu tiến hành dự án nâng cấp, mở rộng hạ tầng truyền thông của ngành. Theo ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính, mục tiêu chính của dự án nâng cấp hạ tầng mạng truyền thông của ngành là kéo đường kết nối trực tiếp đến tất cả các huyện/thị trên cả nước. Trong dự án nâng cấp này, Bộ Tài chính đã quyết định chuyển hạ tầng truyền thông của toàn ngành lên ứng dụng công nghệ MPLS trên nền mạng thế hệ mới NGN. Theo đó, toàn bộ hạ tầng đường truyền của ngành tài chính sẽ chuyển từ đường truyền kênh thuê trực tiếp leased-line hiện nay sang đường truyền trên nền công nghệ MPLS (dịch vụ MegaWAN).

Hiện nay, VNPT, FPT Telecoms và EVN Telecoms là 3 đối tác cung cấp hạ tầng truyền cho mạng truyền thông của ngành tài chính. Trong đó, VNPT là đối tác chính, cung cấp tới 95% kênh truyền thông qua dịch vụ MegaWAN cho toàn ngành tài chính. Theo ông Đặng Đức Mai, việc chuyển đổi dịch vụ đường truyền từ leased-line sang MegaWAN đã tiết kiệm đáng kể chi phí cho ngành tài chính. Cụ thể, riêng việc sử dụng dịch vụ MegaWAN của VNPT đã tiết kiệm cho ngành tài chính khoảng 70 tỷ đồng riêng chi phí thuê đường truyền trong vòng 2 năm từ 2008 - 2009 (Bộ Tài chính thường thuê đường truyền cả gói trong vòng 2 năm và trả trước tiền phí thuê đường truyền để được hưởng triết khấu 10%), trong khi đó tốc độ băng thông lại tăng lên gấp hai lần so với đường leased-line hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Mai tốc độ đường truyền MegaWAN không "thật như đường truyền leased-line. Ví dụ, trong vài lần đo thử tốc độ của dịch MegaWAN thì phát hiện thấy tốc độ 256 Mbps của MegaWAN thực tế chỉ được khoảng 200 Mbps.

(theo ICTnews) 




Bình luận

  • TTCN (0)