Tranh Đông Hồ đã được đưa lên mạng để giới thiệu và bán qua mạng. Ảnh chụp màn hình trang web tranhdongho.com.vn.

Một số doanh nghiệp vùng quê Kinh Bắc như làng tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng bây giờ đã quen với việc quảng bá và bán hàng qua mạng.

Tranh, đồ gỗ, cây cảnh... lên web

Chúng tôi đến làng Song Hồ (huyện Thuận Thành), nơi đặt trụ sở Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - một cơ sở gần như cuối cùng còn trụ lại với nghề làm tranh Đông Hồ. Khách ghé thăm vắng tanh, nhưng anh Nguyễn Đăng Tâm (con trai nghệ nhân) lại hóm hỉnh bảo tôi: “Chưa chắc đã vắng đâu anh, vì có lẽ rất nhiều người đang ghé thăm Trung tâm của gia đình tôi qua... web”.

Anh Tâm kể, với sự giúp đỡ của Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh, đầu năm 2009 cơ sở của gia đình anh đã được hỗ trợ xây dựng và bàn giao sử dụng trang web www.tranhdongho.com.vn. Hiện web là nơi “trưng bày” khoảng 180 đề tài tranh dân gian khác nhau. Và hàng ngày, anh Tâm đảm nhận công việc thường xuyên “chếch meo” để kiểm tra đơn đặt hàng qua mạng.

“Lập web là nghĩ đến tương lai!”, không giấu niềm hi vọng, nghệ nhân năm nay đã sang tuổi 75 Nguyễn Đăng Chế nói thêm với chúng tôi. Ở làng Đông Hồ hôm nay, người làm tranh hiện chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Thế nên, việc nhờ web để “Lợn âm dương”, “Đám cưới chuột”, “Hứng dừa”... vươn ra khỏi lũy tre làng, đến với khắp cả nước và thậm chí cả thế giới. Cách đây hơn 4 năm, gia đình ông đã bỏ ra 10 triệu đồng để thuê người lập web để quảng bá.

Thế nhưng, do chưa có kinh nghiệm, website này cũng chỉ hoạt động leo lắt, rồi nhanh chóng đi vào quên lãng… Thế nên, khi được tỉnh hỗ trợ cho trang www.tranhdongho.com.vn, những người đang gìn giữ tranh Đông Hồ trong gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế rất coi trọng. Nói về dự định sắp tới, ông cho biết sẽ tiếp tục đưa thêm khoảng 100 mẫu lên web, để trang web thực sự là nơi tìm hiểu, giao dịch thuận tiện...

Tại làng gốm Phù Lãng (xã Phù Lãng, huyện Quế Võ), chị Phạm Thanh Hương – Phó Giám đốc công ty Gốm Nhung cho biết, cuối năm 2007, cơ sở sản xuất Gốm Nhung đã đưa trang www.nhungceramic.com vào hoạt động. Ngay trong năm, doanh nghiệp đã nhận được đơn đặt hàng qua mạng đầu tiên đến từ Thái Lan với trị giá hơn 10.000 USD. Và từ đó đến nay, lượng hàng bán qua mạng luôn chiếm khoảng 35% so với giao dịch truyền thống, với các đơn đặt đến từ nhiều nước trên thế giới như Đài Loan, Thái Lan, Hà Lan, Mỹ…

Ảnh
Chị Phạm Thanh Hương, Phó giám đốc công ty Gốm Nhung đang kiểm tra đơn hàng qua mạng. Ảnh Đ.H

Sau gần 2 năm ứng dụng, hoạt động giao dịch của công ty đã trở nên thuận tiện hơn, khách hàng muốn xem mẫu cũng chỉ cần nhấp chuột truy cập vào website thay vì phải gọi điện, gửi thư yêu cầu như trước. Với tốc độ phát triển như hiện nay, công ty Gốm Nhung đang đầu tư nâng cấp trang web để giao diện khoa học và đạt tính thẩm mỹ cao hơn, tích hợp thêm tiện ích và sẽ tuyển riêng một nhân viên quản trị để thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi hoạt động…

Phát triển thương mại điện tử: Chỉ tiền thôi, chưa đủ

Ông Nguyễn Đức Hùng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công thương Bắc Ninh - cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 3000 doanh nghiệp, ngoài các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài, thì việc “bắt tay” với thương mại điện tử (TMĐT) của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Cuối năm 2007, toàn tỉnh chỉ có 10 trang web của các doanh nghiệp. Sang năm 2008, tỉnh đã hỗ trợ lập thêm 29 trang cho các doanh nghiệp như xí nghiệp đồ gỗ nội thất Thái Hà, công ty sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ Thiên Tân, doanh nghiệp tư nhân tranh dân gian Đông Hồ, doanh nghiệp mây tre đan Xuân Lai, công ty sản xuất hoa cây cảnh Phương Dung…

Qua tổng kết hiệu quả hoạt động của 29 website tính đến thời điểm đầu năm 2009cho thấy có 6 doanh nghiệp nhận được 13 đơn hàng qua mạng (chủ yếu là ngành thủ công mỹ nghệ) đạt giá trị thương mại khoảng 2,6 tỷ đồng. Trong đó, riêng doanh nghiệp cây cảnh Phương Dung (thôn Giới Tế - Phú Lâm - Tiên Du, địa chỉ website www.cayxanh.com.vn) đã có 3 đơn đặt hàng dài hạn đến năm 2013…

Ông Nguyễn Đức Hùng khẳng định, dù nhận thức của các doanh nghiệp vừa và nhỏ về TMĐT ngày càng được nâng lên, nhiều nơi đã có sự chuyển biến từ những mục tiêu mở rộng kênh tiếp xúc với khách hàng, thu hút khách hàng mới sang xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường… nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.  Ông Hùng kể câu chuyện vui: do lo bị doanh nghiệp tỉnh bạn cạnh tranh lấy mất thị phần nên khi đề cập đến vấn đề lập trang web có chủ DN đã bảo: “Các anh lập web làm sao để những doanh nghiệp ngoài tỉnh Bắc Ninh không... truy cập vào được”.

Thậm chí, có một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh sản xuất cơ khí là “H.S”, khi được bàn giao sử dụng trang web, vị giám đốc doanh nghiệp này khi gõ trên Google đã thấy một cái tên khác cũng là “H.S” trùng tên doanh nghiệp của mình với nội dung thông tin nhạy cảm liên quan đến vấn đề chính trị, nên đã đề nghị Sở Công thương một nhiệm vụ... bất khả thi: Xoá giùm cái thông tin trên Google đó đi để uy tín của doanh nghiệp khỏi bị ảnh hưởng!

Với những người đang hoạt động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyện “đánh vật” với việc sử dụng e-mail, lướt web tìm hiểu thông tin thị trường đã là cả một “kỳ tích” đáng nể, vậy mà giờ đây còn tính cả đến những chuyện “thương mại điện tử”, “giao dịch qua mạng”, rồi “cái web” do người của làng làm chủ còn vươn ra tận Mỹ, tận đất nước Nhật Bản xa xôi… Bước đi dài ấy quả thực còn lắm gian truân, và có thể nói một trong những rào cản lớn để TMĐT có thể đến được với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh hiện nay chính là vấn đề nhận thức.

Chính vì thế, với mục đích để các doanh nghiệp nhận thức rõ về TMĐT, trong năm 2009 Sở Công thương Bắc Ninh sẽ tiếp tục phối hợp với Viễn thông tỉnh mở các khóa đào tạo, tìm hiểu ứng dụng TMĐT, xuất bản tờ rơi, tờ gấp để phát đến các doanh nghiệp, sẽ thiết kế và hỗ trợ vận hành cho thêm 50 trang web cho 50 doanh nghiệp, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sàn giao dịch điện tử trong nước như vatgia.com, muaban.net…

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)