Internet banking - lợi hại tại người dùng? Internet banking: tiện nhưng có an toàn?

Home banking, Internet banking là những dịch vụ được các ngân hàng (NH) gần đây đưa vào áp dụng rộng rãi, nhằm tạo điều kiện cho các khách hàng có tài khoản cá nhân thực hiện các giao dịch tự động một cách nhanh chóng và tiện dụng. Tuy vậy, vì nhiều lý do từ phía người dùng như thói quen sử dụng tiền mặt cố hữu, chưa nắm rõ những tiện ích tiên tiến mà dịch vụ mang lại, chưa tin tưởng vào độ an toàn khi sử dụng dịch vụ… nên mức độ phổ biến của các dịch vụ này vẫn chưa sâu rộng.

Buổi sáng, chị Hiền, ngụ Quận 4, TP.HCM ghé vào chi nhánh thuộc NH Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) viết ủy nhiệm chi chuyển tiền mua chiếc vé điện tử mà tối hôm trước chị đặt mua qua mạng của hãng hàng không giá rẻ Jetstar. Tại đây, chị ngạc nhiên khi Phương, giao dịch viên của chi nhánh cho biết, chị đã có tài khoản cá nhân tại NH thì việc gì phải đến tận nơi làm thủ tục thanh toán cho vất vả. “Để chuyển tiền mua vé máy bay của hãng Jetstar, chị chỉ việc ngồi nhà nhấp chuột thôi!”, Phương khẳng định.

Tiện ích mà Phương nhắc đến chính là từ dịch vụ Internet Banking, cho phép khách hàng thanh toán trực tuyến, đã và đang được các NH đẩy mạnh triển khai trong mấy năm gần đây. Dịch vụ này giúp khách hàng quản lý và thực hiện giao dịch với NH từ xa thông qua website của NH. Chỉ cần có một máy tính kết nối Internet, khách hàng có thể ngồi nhà để mua vé máy bay; trả tiền cho các loại thẻ nạp; thanh toán tiền điện, nước, điện thoại hàng tháng; trả lương cho nhân viên qua tài khoản ATM…, đồng thời có thể dễ dàng quản lý tài khoản, tra cứu số dư và các giao dịch phát sinh trong kỳ, thực hiện chuyển khoản giữa các tài khoản không những trong cùng hệ thống ngân hàng mà cả ngoài hệ thống ngân hàng mà mình đăng ký…

Dù hài lòng với lời giải thích của nhân viên NH, nhưng điều mà chị Hiền vẫn còn băn khoăn là độ an toàn thông tin với phương thức giao dịch hiện đại này. Liệu khi máy bị virus hay bị cài keylogger (chương trình phần mềm theo dõi thao tác bấm phím và nhấp chuột thường bị kẻ gian tìm cách cài lên máy tính nhằm đánh cắp mật khẩu của chủ nhân) thì thông tin có đảm bảo là không bị mất cắp và tiền sẽ còn nằm trong tài khoản hay không?

Thực tế, băn khoăn của chị Hiền cũng là lo ngại của nhiều người. Mấy năm nay, kể từ khi các NH liên tục nâng cấp, ứng dụng các giải pháp CNTT vào hoạt động và quản lý, đã có nhiều cơ quan, doanh nghiệp trả tiền lương qua tài khoản ATM cho nhân viên của mình. Nhưng phần vì thói quen chi tiêu tiền mặt, phần nữa do lo sợ hệ thống thông tin không an toàn nên những dịch vụ cung cấp các tiện ích giao dịch không tiền mặt vẫn ít được người dân quan tâm sử dụng.

Bảo mật có thật đáng lo?

Anh Phước, nhân viên kỹ thuật của một công ty tin học, trong một lần đi chơi về khuya, chẳng hiểu ngủ say thế nào mà nửa đêm kẻ gian đột nhập vào phòng trọ lấy mất một laptop và một ĐTDĐ. Số tiền mặt gần mười triệu đồng gồm tiền lương tháng cộng với khoản tiền thưởng sáu tháng đầu năm mới nhận hồi chiều để trong ví cũng không cánh mà bay. Chiếc ví mà kẻ gian để lại chỉ còn giấy tờ tùy thân và một thẻ ATM của NH TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank).

“Giá mà tiền để trong tài khoản ATM thì đâu đến nỗi bị mất”, Phước than thở với bạn bè. Và cũng từ đấy anh luôn đề nghị được nhận các khoản tiền từ công ty thông qua tài khoản ATM (công ty anh khá “cởi mở”, cho phép nhân viên chọn hình thức nhận thu nhập hàng tháng qua tài khoản ATM hoặc bằng tiền mặt). Không những vậy, bây giờ có khoản tiền mặt nào nhận được nhờ làm thêm ở bên ngoài là Phước gửi ngay vào tài khoản cho… yên tâm. Theo Phước, mất tiền mặt thì chẳng có hy vọng gì lấy lại, còn mất thẻ ATM vẫn yên tâm vì còn lâu kẻ gian mới “mò” ra mã pin, trong khi đó mình có thể điện thoại ngay cho ngân hàng để khóa tài khoản sau đó làm lại thẻ khác.

Huy, nhân viên của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử viễn thông, còn “kỹ” hơn. Huy đăng ký tài khoản cá nhân tại NH Techcombank. Anh cho biết, mỗi lần có giao dịch liên quan đến tài khoản cá nhân (rút tiền, chuyển khoản…) đều nhận được tin nhắn SMS từ tổng đài 19001590 của Techcombank thông báo rõ nội dung và ngày giao dịch. Như vậy, nếu vì một lý do nào đó như bị giả mạo chữ ký, CMND, lộ mã pin, thẻ ATM bị mất hay ai đó “mượn” đỡ… mà bị rút tiền trong tài khoản là biết ngay. Thời gian đủ để liên hệ kịp thời với NH, hạn chế tổn thất. Dịch vụ mà Huy đang dùng là Home Banking được Techcombank cung cấp miễn phí cho mọi khách hàng của mình.

Với dịch vụ Internet Banking mà Techcombank đang cung cấp cho khách hàng dưới tên gọi Fast i-bank, có thể nói độ an toàn rất cao vì NH áp dụng công nghệ bảo mật RSA. Mật khẩu thực hiện giao dịch được thay đổi liên tục trong “chìa khóa điện tử” có tên token key. Cứ mỗi phút “chìa khóa” này lại sinh ra một chuỗi sáu chữ số ngẫu nhiên, và mỗi khóa xuất hiện chỉ được dùng một lần nên độ an toàn gần như là tuyệt đối.

Tương tự, NH TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) có dịch vụ ngân hàng trực tuyến VCB-iB@nking áp dụng cho mọi cá nhân có tài khoản tiền gửi thanh toán tại Vietcombank. NH này sử dụng tin nhắn lấy mật khẩu OTP (one time password) sinh ngẫu nhiên cho mỗi lần khách hàng có yêu cầu thực hiện dịch vụ, gửi tới số ĐTDĐ mà khách hàng đã đăng ký từ trước. Mật khẩu còn bị khống chế thời gian sử dụng nên hệ số an toàn cao. Vietcombank áp dụng phí 1.000 đồng cho mỗi lần nhắn tin như vậy. Hình thức này đơn giản, hiệu quả mà lại ít tốn kém nên được khá nhiều doanh nghiệp áp dụng (ví dụ như công ty chứng khoán áp dụng cho việc đặt lệnh trực tuyến của khách hàng).

Nhìn chung các phương thức bảo đảm an toàn thông tin đang được các NH áp dụng đều là ứng dụng những công nghệ tiên tiến. Tuy vậy, với bản tính “đa nghi” của người Việt thì nhiều người vẫn còn băn khoăn, trong khi thực chất tiền mặt giữ bên người mới là thứ dễ mất nhất.

Mẹo “né” chi phí

Ngoài vấn đề an toàn thông tin thì phí dịch vụ là điều mà người dùng còn e ngại khi sử dụng các tiện ích giao dịch tự động của NH.

Mỗi NH có một chính sách riêng. Ví dụ, Techcombank cho phép chuyển tiền tối đa mỗi ngày là 50, 100 hoặc 500 triệu tùy theo gói dịch vụ mà khách hàng đăng ký, mức phí mỗi lần thực hiện giao dịch là 0,01% (tối thiểu 10.000 đồng cho một lần). Vietcombank lại giới hạn chỉ cho phép chuyển tiền trong vòng 20 triệu với số lần chuyển không hạn chế. Nhưng Vietcombank linh động cho tùy chọn người chuyển hoặc người nhận chịu phí. Dù vậy thì cũng tùy cách dùng mà cho thấy nhiều khi chi phí thực ra không đáng kể.

Chị Hiền đã đăng ký dịch vụ Fast i-bank vì token key, trị giá 500.000 đồng, đang được Techcombank miễn phí hoàn toàn. Phí thường niên 100.000 đồng, qui ra mỗi tháng chưa tới 10.000 đồng không đáng là bao so với người “tiêu” tiền triệu như chị. Là đại diện bán hàng tại khu vực phía Nam cho một công ty ở ngoài Hà Nội, với chín nhân viên dưới quyền, nên bây giờ cứ đến cuối tháng chị có thể ung dung ngồi nhà chuyển các khoản thu nhập (lương, thưởng doanh số, công tác phí, chi ngoài giờ…) cho nhân viên chỉ bằng một cú nhấp chuột. Phí giao dịch mà chị phải trả cho mỗi kỳ lương như vậy chỉ hết 10.000 đồng, bởi chị gộp chung tất cả vào một giao dịch (Techcombank cho phép chuyển tiền theo danh sách tối đa 10 tài khoản/giao dịch). Vừa tiện lợi, vừa an toàn không phải lo chuyện ra NH rút tiền mặt để đối mặt với nguy cơ bị cướp như những vụ cướp táo tợn mà kẻ xấu đã gây ra trong thời gian gần đây. 

Việc dùng thẻ ATM bị giới hạn giá trị giao dịch khiến nhiều người dùng cảm thấy không thoải mái. Vietinbank cho phép rút tiền từ thẻ ATM tối đa 15 triệu đồng/ngày, Vietcombank là 20 triệu, nhiều NH giới hạn trong vòng 10 triệu đồng với tối đa 5 lần rút. Tuy vậy rút tiền qua thẻ không mất phí (trong cùng NH) là lợi điểm thấy rõ. Muốn rút nhiều tiền hơn thì phải chịu khó vào các phòng/điểm giao dịch để làm thủ tục. Điểm cần lưu ý là cần tìm vào đúng nơi thuộc chi nhánh mà mình đã đăng ký mở thẻ ATM sẽ không bị tính phí dịch vụ.

Một số chủ thẻ ATM có thói quen dùng tiền mặt thường “xót xa” khi còn tiền trong tài khoản. Trường hợp trong tài khoản còn chưa tới 100.000 đồng (khoảng chín mươi mấy nghìn chẳng hạn), muốn lấy vài chục còn lại để đi chợ hơi bị khó. Chủ thẻ phải để lại 50.000 đồng gọi là phí duy trì tài khoản, muốn lấy nốt bốn mươi mấy nghìn còn lại, hoặc tìm cây ATM có loại tiền mệnh giá 10.000 (có rất ít cây ATM như vậy) hoặc vào đúng chi nhánh đã mở tài khoản để rút tiền mặt (cùng NH mà khác chi nhánh sẽ bị tính phí) vừa mất công vừa phải làm thủ tục rình rang, chẳng bõ. “Chiêu” của công nhân ở các khu công nghiệp là “bắn” tiền cho nhau. Tức là nhờ bạn bè dùng thẻ ATM (tất nhiên phải cùng NH) chuyển vào tài khoản của mình vài nghìn cho số dư vừa đủ 100.000 đồng. Khi đó có thể ung dung rút 50.000 đồng từ cây ATM và trả lại số tiền “còm” cho bạn (!).

Cẩn thận với thẻ ATM

NH V. ghi nhận một trường hợp khá hi hữu. H. nhà ở Hội An, đến chi nhánh NH khiếu nại việc mình không thực hiện giao dịch mà bị mất tiền trong tài khoản ATM. Sau khi tra soát nhật ký giao dịch, phía NH xác định thẻ ATM của H. đã được dùng để rút tiền tại một cây ATM ở… Đà Nẵng, với ngày giờ cụ thể. H. hoàn toàn ngạc nhiên vì trong ngày đó không hề rời khỏi Hội An. Tuy nhiên, khi xem băng ghi hình tự động thu được từ camera gắn ở đó thì… thật ngạc nhiên, người rút tiền được nhận dạng chính là người yêu của H. Thì ra “cô nàng” đã lén lấy thẻ ATM của H. và vượt hơn 30 cây số, ra Đà Nẵng, để rút tiền rồi quay trở lại Hội An trả thẻ vào chỗ cũ hy vọng là không để lại dấu tích khiến H. nghi ngờ. Đây là bài học xương máu cho H. và những ai dùng thẻ ATM mà vẫn chưa có thói quen bảo quản thẻ ATM cẩn thận và giữ bí mật mã pin.

(Theo CHÂU PHAN / e-CHÍP)



Bình luận

  • TTCN (0)