Dịch vụ (DV) CNTT của Việt Nam đang phát triển tự phát, thiếu định hướng và thiếu sự chuẩn bị cần thiết từ phía Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước.

Thiếu chuẩn bị

Cùng với sự ra đời và phát triển của công nghiệp phần mềm (PM), phần cứng, nội dung số, lĩnh vực DV CNTT đã hình thành và phát triển tại Việt Nam. Số lượng các DN tham gia thị trường này ngày càng tăng với nhiều DV đa dạng như: bảo hành, bảo trì, lưu trữ, xử lý số liệu, đào tạo, tư vấn, DV nội dung số, tích hợp hệ thống... Tuy nhiên, theo ông Hoàng Lê Minh, Phó Giám đốc Sở BCVT TP.Hồ Chí Minh, trong cả nước nói chung và TP.Hồ Chí Minh nói riêng, DV CNTT là thị trường phát triển nhanh nhưng tự phát, thiếu định hướng và thiếu sự chuẩn bị.

Theo ông Minh, trong thời gian qua, tại TP.Hồ Chí Minh có 4-5 dự án xin đầu tư xây dựng các trung tâm dữ liệu (data center) lớn với quy mô đầu tư 10-50 triệu USD. Tuy nhiên, các dự án vấp phải vấn đề quy hoạch. Hiện thành phố vẫn chưa hình dung được quy hoạch các data center như thế nào, nên đưa vào khu PM tập trung, khu dân cư hay khu trung tâm thành phố... Hay như nhu cầu về DV BPO (gia công quy trình nghiệp vụ) tại TP.Hồ Chí Minh, theo ông Minh, thị trường khó đáp ứng được trong 1-2 năm tới vì thành phố “không xác định được ai sẽ phát triển, ai đầu tư và cho thuê hạ tầng viễn thông, ai xây dựng trung tâm dữ liệu và đào tạo nhân lực...”.

Có tận dụng được lộ trình 3 năm?

Theo lộ trình, Việt Nam phải mở cửa thị trường DV vào năm 2010. “Chúng ta chỉ còn 3 năm nữa (thực chất đã mất 1 năm), nếu không tranh thủ tận dụng thì đây là một sự lãng phí lớn về cơ hội kinh doanh” - ông Minh nhận xét.

Phân tích từ các quốc gia phát triển mạnh lĩnh vực DV CNTT, ông Brenden Jacobson (Tập đoàn Motorola) cho biết, tại Ấn Độ, thế mạnh của họ là cơ sở hạ tầng thông tin phát triển rộng rãi toàn quốc; tại các viện giáo dục, tiếng Anh là ngôn ngữ chung, phí nhân công rẻ.... Tại Úc, ngoài kinh nghiệm sử dụng và triển khai CNTT-TT, chính phủ nước này còn đưa ra nhiều sáng kiến tích cực trong chính sách (như đảm bảo tất cả người dân Úc có thể thu nhận lợi ích từ nền kinh tế thông tin, đảm bảo cơ sở hạ tầng được bảo mật và có khả năng tương tác) và tăng cường hợp tác với các nước có chi phí nhân công thấp...

Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh cơ hội ngành CNTT-TT toàn cầu đang phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, trào lưu thuê ngoài các DV CNTT từ các tổ chức, DN trong nước ngày càng gia tăng, đặc biệt là khối DN nước ngoài và các tổ chức tài chính lớn; Việt Nam cũng gặp rất nhiều thách thức như: thiếu môi trường pháp lý cho lĩnh vực này, thị trường nhỏ nhưng cạnh tranh khá gay gắt, thiếu các mô hình để học hỏi và đặc biệt là nhân lực cho lĩnh vực này thiếu hụt trầm trọng.

Cùng quan điểm trên, ông Minh cho rằng “về nhận thức và trình độ, khả năng kinh tế chưa cho phép chúng ta nhìn nhận và phát triển ngành này đúng tầm”. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không làm mà ngược lại, cần phải đẩy nhanh và mạnh hơn nữa vấn đề nhận thức từ các cấp quản lý tới cộng đồng, DN. Như việc quy hoạch các khu Data Center, nếu hình dung lĩnh vực DV CNTT như một ngành công nghiệp thì các trung tâm này cần tập trung và có khu quy hoạch phát triển. Nếu ngay bây giờ TP.Hồ Chí Minh không xác định sớm thì trong 10 năm nữa chưa chắc đã có khu công nghiệp phục vụ nhu cầu này vì các vấn đề quy hoạch của thành phố thường trải qua rất nhiều nguyên tắc, thủ tục hành chính và thời gian chờ đợi phê duyệt.

Để phát triển thị trường, lĩnh vực nào cũng cần có khung pháp lý để giảm thiểu rủi ro. Tại TP.Hồ Chí Minh, thực tế là tuần nào cũng có nhà đầu tư đến hỏi về tầm nhìn, về chính sách lĩnh vực CNTT. “Nếu không có sự chuẩn bị thì chỉ 3 năm nữa thị trường DV CNTT của Việt Nam sẽ là miếng bánh ngon cho các nhà tư vấn DV nước ngoài”, ông Minh nhận định.

(Theo PCWorld VN)


Bình luận

  • TTCN (0)