Việc ứng dụng công nghệ Web3D trong nhiều lĩnh vực đã mang đến một sự tiến triển mới tại Việt Nam trong xu thế Thương Mại Điện Tử phát triển mạnh. Khi ứng dụng vào cuộc sống, công nghệ Web3D không chỉ đơn giản về hình ảnh mà còn cho người dùng dễ dàng tương tác trực tuyến trên web. Và đó chính là điểm nhấn do công nghệ 3D mang lại so với 2D truyền thống.

Engine Web3D là gì?

Web3D là công nghệ đồ hoạ 3 chiều dựa vào các phần mềm thiết kế và được triển khai trên nền web. Mỗi Engine 3D thông thường bao gồm 3 phần chính đó là mô hình tĩnh (Render), mô hình động (Animation) và trí tuệ nhân tạo (Aritifical Intelligence - AI). Trong công nghệ 3D thì AI thật sự quan trọng khi triển khai Game Engine. Trên ứng dụng nền Web3D Engine thì phần Render là quan trọng nhất. Điều này cho thấy Web3D sẽ sử dụng mô hình tĩnh để từ đó dựng nên mô hình động và xử lý theo lập trình AI trên nền ngôn ngữ lập trình logic. Điểm khác biệt lớn nhất của Web3D là khả năng cung cấp cho người dùng tính tương tác thật với những hiệu ứng về nghe và nhìn. Do đó, người dùng có thể cảm nhận, khám phá sản phẩm không khác gì trong thực tế.

Với Web3D, những nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo mà không còn lo ngại vì tác phẩm của mình quá lớn về dung lượng để triển khai trên web. Người xem cũng thích thú và kinh ngạc trước sự sống động từ các tác phẩm. Không cần cài đặt, tất cả những gì người sử dụng cần để xem sản phẩm 3D chỉ đơn giản là trình duyệt web, con chuột và bàn phím; không cần cài đặt thêm bất cứ chương trình nào vì bản thân Engine 3D đã được tự động trên máy chủ khi cung cấp trực tuyến.

Theo ông Phan Công Chánh, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần CloudForces, đơn vị phát triển công nghệ Web3D (www.web3d.com.vn) cho biết, phần chính của công nghệ này là Engine Web3D và được CloudForces xây dựng hơn 3 năm trên các môi trường phát triển như .NET 2.0, Maya, VRay, 3DS Max, Flash...“Điểm mấu chốt của việc triển khai Web 3D tại Việt Nam là do chúng ta chưa có 1 Engine 3D nào đủ sức triển khai các dự án Web 3D trên Internet vừa nhanh lại vừa đáp ứng tốt các yêu cầu về kỹ thuật (chạy ổn định, kiến trúc mở, dễ phát triển, nâng cấp)”, ông Chánh chia sẻ.

Thực tế cho thấy, đến nay hầu như tại Việt Nam vẫn chưa có ứng dụng về Web3D hoàn chỉnh bởi nhiều yếu tố về con người và công nghệ. Và sản phẩm Engine Web3D made in VietNam đã ra đời sau hơn thời gian dài xây dựng và phát triển bởi nhóm những cựu Sinh viên khoa CNTT của Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM trong việc ứng dụng các mô hình 3D như khám phá không gian thật.

Để cho ra sản phẩm Engine Web3D, các thành viên đã làm việc đêm ngày để phác thảo, xây dựng, lập trình và đồ họa thông qua những công nghệ mới. Ý tưởng được hiện thực làm cho các thành viên như có thêm một nghị lực về một công nghệ Engine Web3D khi giới thiệu và triển khai tại Việt Nam và Singapore.

Engine Web3D và ứng dụng trong cuộc sống
Ảnh

Trong các dự án mô hình tòa nhà tương tác, hay bất động sản, nếu được thiết kế và ứng dụng Web3D, khách hàng sẽ dễ hình dung rõ nét từ kiến trúc tổng thể dự án đến chi tiết của từng căn hộ, cũng như bố trí khung cảnh bài trí xung quanh. Hơn thế, khách hàng dễ dàng đến tham quan dự án, phòng khách, phòng ngủ, phòng tắm, cầu thang... đến các chi tiết nhỏ nhất như việc bố trí, trang trí nội thất, tương tác với các thiết bị nghe nhìn… như thể việc tham quan đang diễn ra trước mắt chỉ với trình duyệt Web và click chuột.

Khi có một yêu cầu từ phía khách hàng, mỗi mô hình tĩnh mà khách hàng yêu cầu đều sẽ được mô hình hóa lại trên mô hình động và sử dụng Engine Web3D và các thuật toán lập trình AI nhằm tăng tính tương tác cao hơn cho khách hàng. Khi đó, chỉ cần ngồi ở nơi làm việc là khách hàng có thể xem và góp ý về sản phẩm, giúp tiết kiệm thời gian cho cả đôi bên. Engine Web3D còn được ứng dụng nhiều trong các mô hình showroom, mô hình xe hơi, mô hình sản phẩm bởi tính năng tiếp cận hiển thị màu sắc ở mức độ chất lượng cao và chi tiết khi tương tác bằng click chuột.

Ngoài ra, Engine Web3D còn được ứng dụng trong lĩnh vực thiết kế trực tuyến chi tiết sản phẩm để khách hàng có thể đưa thông điệp quảng cáo của mình tới người tiêu dùng thông qua Tooltips. Với tính năng này, mỗi sản phẩm của khách hàng yêu cầu, sau khi được mô hình động, mỗi chi tiết trong sản phẩm này sẽ được hiển thị chi tiết như tương tác thật. Nói một cách dễ hình dung, khi một dự án phòng ở được sử dụng Engine Web3D để đồ họa và đưa lên trình duyệt Web, người dùng quan tâm chỉ cần khi vào tham quan trực tuyến có thể sử dụng chuột để rê vào mỗi vật dụng. Khi đó, tooltips sẽ giúp truyền tải thông điệp của khách hàng tới người dùng như cho người dùng biết đó là vật dụng gì, xuất xứ ở đâu, do ai sản xuất…

Đối với những Game Online trực tuyến thì Engine Web3D cũng sẽ mang lại nhiều ứng dụng so với Game Engine nhất là về tối ưu tốc độ và chất lượng hiển thị nhân vật. Trong Web Game, việc lập trình AI được dùng cao nhất trong Game Engine thì Web3D Engine cũng sẽ ứng dụng giải thuật này tối ưu nhằm tăng tính tương tác cao cho người chơi trên Web.

Giấc mơ Engine Web3D Việt, bao giờ cất cánh?

Khi đã có sản phẩm Engine Web3D, điều làm các thành viên đau đầu nhất là việc triển khai trên hệ thống khi đưa lên Internet. Cũng như việc tiếp cận công nghệ này tới doanh nghiệp. Vì mọi định hướng kinh doanh cho Engine Web3D đều chỉ là về mặt công nghệ, việc ứng dụng phải tùy thuộc vào nhu cầu khách hàng. Chưa kể, việc tăng tốc phần cứng (Hardware Acceleration) cũng là một vấn đề nan giải khi triển khai. Bởi vì một ứng dụng Engine Web3D cần phải hiển thị chính xác đến từng pixel trên tất cả trình duyệt Web. Mà mỗi trình duyệt đều có Render khác nhau, điều này đã gây ra việc hiển thị sẽ giảm về cả chất lượng và hình ảnh. Đến nay, mặc dù Engine Web3D đã giải quyết được các vấn đề trên nhưng xem ra ứng dụng này còn phải phát triển thêm để ngày càng hoàn thiện khi triển khai tới cộng đồng.

Chia tay với người viết bài, trưởng nhóm phát triển Engine Web3D Phạm Hoài An tin tưởng vào một năm mới với nhiều tiện ích mới cho công nghệ Engine Web3D. Anh cũng tin tưởng rằng công nghệ mới này sẽ được chắp cánh cao hơn nữa khi nền tảng mới trên công nghệ mới sẽ được nhiều hãng phần mềm lớn phát triển hơn nữa về mặt công cụ phát triển dành cho lập trình viên. Cũng như việc mang sản phẩm tới cộng đồng được cao hơn và tiềm lực mà Engine Web3D made in Vietnam này sẽ được bay cao hơn, mạnh hơn trong năm Canh Dần này.

Theo Tạp chí Nhịp Sống Số



Bình luận

  • TTCN (6)
Vo Cuong

Còn quá thiếu sót

Engine 3D này chạy trên Flash nên cực kỳ chậm, mở ra 1 khu phố thu nhỏ thôi, mấy tòa nhà cũng chỉ là những khối hình thẳng đuột được gắn texture cho ra nhà cửa, cây cối cũng dạng 2D và nền đất ghép rất cẩu thả. Cầm chuột xoay 1 vòng mà giật mỏi cả mắt. Flash là một ứng dụng 2D tốt, nhưng rất tiếc là không hỗ trợ 3D từ phần cứng nên tính khả thi không cao.

Chưa kể, vào xem demo chiếc BMW ở BMWdemo.aspx, tưởng là mô hình 3D được render trực tiếp thật, nhưng xem kỹ lại cũng chỉ là những khung hình jpg đã được render từ 3DMax hay đại loại thế được lấy ra để ghép lại cho có cảm giác là 3D :). Thật là buồn cười hết sức.

Tôi nghĩ muốn phát triển Engine 3D dành cho browser phải lựa chọn công nghệ khác có hỗ trợ từ GPU và sử dụng các thư viện 3D như DirectX hoặc OpenGL thì mới có triển vọng. Chẳng hạn như thư viện O3D của google, hoặc WebGL của Khronos Group, những thư viện này được render trực tiếp từ GPU nên khung hình và hiệu ứng rất nhanh và thật không kém ứng dụng Desktop.

nguyenhoanghn

HTML5 THÌ SAO NHỈ

Vo Cuong

HTML 5 chỉ hỗ trợ tốt mấy định dạng video, đa phương tiện, API  và  HTML5 được đưa ra từ khá lâu, năm 2004, nên các nhà làm chuẩn vẫn chưa nghĩ đến 3D mặc dù vẫn có canvas nhưng canvas cũng chỉ phục vụ việc vẽ vời vector 2 chiều mà thôi. Hiện tại thế giới vẫn đang phát triển công nghệ 3D trên web nên muốn có engine 3D trên web hoàn thiện thì phải đợi khá lâu nữa.

Dương Tấn Nghĩa  1

Web 3D theo tui thấy dùng flash như vậy là cũng phù hợp với hạn chế bộ nhớ và dùng cho các mục đích như giới thiệu sản phẩm (như chiếc nhẫn, chiếc xe...) còn dùng để mô phỏng khu phố như vậy là không nên, vì nó chậm và nặng.

Nhưng nhìn lại, ngoài mô hình khu phố thì những hiệu ứng 3D nhỏ chỉ là ý tưởng chứ không phải công nghệ, tức là có thể dễ dàng bị bắt chước

Khách

Silverlight co on khong?

Silverlight co on khong?

Silverlight 3 va 4 co support 3D va tuong tac voi Card GDI.

Tuy nhien con han che ve OS va Mobile platform...

HeloRonado

Xem lại cái chủ đề bài viết nhé.

Hihi, có phải madein Việt Nam thật không đấy.

Mình nghĩ engine hiện tại chính xác là sử dụng Papervision3d + Flex

Các demo kiểu như vậy có đầy trên mạng.

Kaka, engine 3d cho web vẫn còn khá xa bởi hiện tại có nhiều đại gia theo đuổi nhưng developer bình dân thì chưa bik phải lựa chọn ai để học tập.

engine trên nền tảng Flash vẫn là một sự lựa chọn tin cậy, tuy nhiên hiệu năng còn phải cân nhắc. Các model lớn sẻ không phù hợp cho thời điểm hiện tại, hi hi chỉ nên demo cho vui thôi. Bác web3d.com.vn này khè quá .................................. hahaha.