Người dùng ĐTDĐ tại châu Á tuy đông, nhưng mức độ sẵn sàng kết nối Internet chưa cao. Ảnh: Hưng Hải.

Đơn giản vì ĐTDĐ không phải là máy tính thu nhỏ nên không đơn thuần là đưa những thứ sẵn có vào môi trường di động. Loại thiết bị này cần những công nghệ và xây dựng cách trải nghiệm hoàn toàn mới.

Dịch vụ và nội dung đóng vai trò cốt lõi

Khi Internet ra đời, máy tính là thiết bị duy nhất để kết nối. Nhưng hiện nay, ĐTDĐ phải cạnh tranh với cả những thiết bị khác như PC, thiết bị giải trí, đồ gia dụng, v.v… Vì thế, xây dựng hệ thống kết nối cho thiết bị cầm tay không chỉ đơn thuần là việc đưa ra những công nghệ kết nối mới, mà còn phải kết hợp tổng thể giữa thiết bị và dịch vụ nội dung. Sức hấp dẫn về lợi nhuận thu được từ thị trường mới khiến hai “đại gia” Internet là Yahoo và Google trong thời gian ngắn đã liên tục phô trương thanh thế của mình trên mảnh đất di động, với việc xây dựng hàng loạt ứng dụng và nền tảng cho điện thoại cầm tay nhằm chiếm thế thượng phong. Trong bài tham luận tại Hội thảo Di động Châu Á (Mobile Asia Congress - MAC) 2007, ông Steve Boom, Phó Chủ tịch của Yahoo, tuyên bố châu Á sẽ là đích ngắm chiến lược của tập đoàn trong thời gian tới. Lý do là mức tăng trưởng mạnh mẽ của số lượng người dùng ĐTDĐ tại châu lục này. Theo dự tính, thị trường tìm kiếm trên Internet di động sẽ tăng trưởng trong khoảng 4 – 16 tỷ USD vào năm 2010. Con số ước tính có biên độ rộng vì thị trường vẫn còn chưa sẵn sàng nhưng thể hiện được sức tiềm năng.

Hiện tại, Yahoo đang có 16 đối tác lớn tại châu Á và dịch vụ Internet di động của Yahoo đã tiếp cận được tới 40% người dùng điện thoại trong khu vực. Tại MAC 2007, hãng này tiếp tục ký kết dịch vụ tìm kiếm của mình với 9 nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động, bao gồm 3 hãng của Ấn Độ (Aircell Ltd., BLC Mobile Communications Ltd. và Bharat Sanchar Nigam Ltd.), 3 hãng của Indonesia (PT Excelcomindo Pratama, PT Hutchison CP Telecom Indonesia và PT Indonesian Satellite Corp.) và 3 hãng thuộc khu vực Đông Nam Á: DiGi.com BHD (Malaysia), StarHub (Singapore) và PCCW (Hong Kong). Kết hợp với Yahoo, các nhà cung cấp sẽ đưa ra các dịch vụ mới như email, dẫn đường (map) và chia sẻ ảnh số trên ĐTDĐ.

Ảnh
Nhiều dịch vụ mới sẽ bùng phát khi hoàn chỉnh được hệ thống thanh toán và chuyển tiền qua ĐTDĐ. Ảnh: Hưng Hải.

Tuy nhiên, trong một cuộc trao đổi bên lề với báo chí, người đại diện của Yahoo cũng nhận định một cách thận trọng rằng thị trường châu Á tuy hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức. “Người dùng châu Á tuy đông nhưng nhu cầu kết nối Internet vẫn còn tiềm ẩn. Mức độ đột phá về điện toán cá nhân tại khu vực này vẫn thấp hơn hơn so với tại Mỹ và Tây Âu”, Steve Boom chia sẻ. Không chỉ phát triển các dịch vụ cá nhân, những nhà kiến tạo thế giới di động cũng đang dự kiến biến chiếc điện thoại tham gia nhiều hơn vào công việc kinh doanh. Ông Robert Conway, Giám đốc điều hành Hiệp hội GSM (GMS Association - GSMA), cho biết Hiệp hội đã đàm phán thành công với Westen Union về dịch vụ chuyển tiền qua ĐTDĐ. Mạng di động Airtel (Ấn Độ), thành viên của GSMA, sẽ là nhà cung cấp triển khai hệ thống này đầu tiên và tiến tới xây dựng thành chuẩn về chuyển tiền di động. Khi hệ thống thanh toán hoàn chỉnh sẽ là thời điểm để các dịch vụ khác như giải trí, thương mại điện tử, truyền hình di động, … phát triển bùng nổ tương tự kịch bản đối với Internet và PC.

HSPA - Kiến trúc mạng thông tin di động thế hệ mới

Ảnh
HSPA sẽ trở thành chuẩn thông tin di động phổ biến nhất trong vòng 5 năm tới. Ảnh: Hưng Hải.

Những mạng thông tin di động GSM hiện nay đều mang tính chất hướng thoại (kết nối và chuyển tiếp cuộc gọi). Những dịch vụ di động mới đòi hỏi kết nối có tốc độ cao hơn, an toàn hơn nhằm đáp ứng được mức độ gia tăng ngày càng lớn của lượng dữ liệu cần trao đổi, trong khi vẫn phải đảm bảo được chất lượng thoại. Tại MAC 2007, hai công nghệ HSPA (High Speed Packed Access, được gọi là 3,5G) và Mobile WiMAX trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận. HSPA được dự đoán sẽ trở thành mạng thông tin di động băng rộng phổ biến nhất trong vòng 5 năm tới, mặc dù Mobile WiMAX vừa có một cuộc hoán chuyển ngoạn mục, từ một chuẩn kết nối băng rộng không dây hướng dữ liệu được công nhận thành một chuẩn thông tin di động của GMSA. Theo thống kê của Hiệp hội GSM và WiMAX Forum, hiện có 93 mạng thông tin di động theo chuẩn HSDPA (High-Speed Downlink Packed Access - một nhánh chi tiết của chuẩn HSPA) và mạng Mobile WiMAX thương mại đầu tiên sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2008.

Về mặt công nghệ, cả hai đều có những ưu thế riêng của mình. WiMAX di động có băng thông đạt tới 16,8 Mbps trong khi mạng HSPA hiện tại chỉ đạt được băng thông 2 – 3 Mbps. Tuy nhiên, tầm phủ sóng của thiết bị cầm tay HSPA vươn xa hơn Mobile WiMAX từ 2 – 4 lần, đồng nghĩa với diện tích phủ sóng cao hơn từ 4 – 16 lần, giảm đáng kể số lượng trạm thu phát sóng cần thiết trong triển khai thực tế. Theo tính toán trong một nghiên cứu giữa HSPA và Mobile WiMAX tại MAC 2007, vốn đầu tư cần thiết cho xây dựng hệ thống Mobile WiMAX cao gấp 5 – 10 lần so với xây dựng hệ thống HSPA.

Các nhà cung cấp dịch vụ đã thử áp dụng chế độ “kênh ngầm” PUSC (Partially Used Sub Channels) để tăng diện tích phủ sóng của thiết bị WiMAX lên tương đương thiết bị HSPA. Tuy nhiên, thử nghiệm thực tế cho thấy băng thông của Mobile WiMAX bị giảm đáng kể khi khoảng cách với trạm phát sóng gia tăng, có thể mất tới 95% băng thông tối đa lý thuyết của công nghệ này. Mặt khác, do thị trường còn nhỏ hẹp nên giá thiết bị dành cho WiMAX cũng cao hơn so với HSPA. Khả năng thu phát sóng của thiết bị WiMAX di động trở thành trở ngại chính ngăn cản công nghệ này lan tỏa đến vùng nông thông hoặc các nước đang phát triển.

Ảnh
Mobile WiMAX: băng thông hấp dẫn nhưng vẫn đang chờ hoàn thiện. Ảnh: Hưng Hải.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa WiMAX kém hấp dẫn. Một nhà khai thác có thể đưa ra nhiều dịch vụ để khách hàng lựa chọn. Theo phân tích của những chuyên gia tại MAC 2007, đây sẽ là sự lựa chọn kết nối băng rộng duy nhất cho những nhà khai thác không có dải tần 3G nhưng được sử dụng dải tần tương đương (3,5 hoặc 2,3 GHz). Công nghệ này cũng sẽ hấp dẫn hơn nhiều khi có thêm những cải tiến đặc thù cho môi trường di động. Hiện nay, Mobile WiMAX vẫn mang đặc thù của một chuẩn kết nối băng rộng không dây và thích hợp hơn cho những điều kiện cần tải lớn tương đương kết nối DSL, như mở rộng vùng phủ sóng của nhà cung cấp hoặc các trạm hot-spot trên đường xa lộ.

(Theo Vietnamnet)



Bình luận

  • TTCN (0)