Nikon CoolPix S550 là một trong những chiếc máy ảnh đầu tiên được trang bị tính năng cảnh báo nháy mắt.

Tháng 6 năm ngoái, một chiếc máy ảnh có thông số kỹ thuật tương đương được bán với giá cao gấp rưỡi so với Canon IXUS 80 IS. Những chiếc máy ảnh số mới ra mắt tại hai hội chợ CES và PMA đầu năm nay có điểm chung là giá cả đã giảm xuống đáng kể, trong khi được tích hợp thêm nhiều tính năng tinh vi hơn.

Tại CES và PMA 2008, Canon, Nikon, Sony và những nhà sản xuất máy ảnh lớn khác vẫn không ngừng tung ra các model mới, dẫu cho doanh thu mà họ nhận được qua từng năm gần như không thay đổi là bao trước sức ép cạnh tranh quá lớn của thị trường. Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường IDC, tổng số máy ảnh bán ra trong năm 2007 đạt mức kỷ lục, 34 triệu chiếc, trong khi doanh thu của toàn bộ thị trường chỉ là 8,5 tỷ USD, giảm 14% so với năm 2006.

IDC dự đoán, trong năm 2008, lượng máy bán ra sẽ tăng nhẹ, lên mức 35 triệu chiếc, đồng thời doanh thu cũng sẽ đạt khoảng 9 tỷ USD. Theo nhà phân tích Chris Chute của IDC, "các nhà sản xuất sẽ chú trọng nhiều hơn tới vấn đề giá cả". Đồng thời, họ cũng sẽ tìm mọi cách để nâng cao độ phân giải cũng như tích hợp nhiều tính năng hấp dẫn kiểu như "chống nháy mắt" vào trong những mẫu máy point-and-shoot mới.

Một ví dụ điển hình về những chuyển biến trong giá thành sản phẩm là chiếc Canon IXUS 80 IS, mới được ra mắt tại PMA 2008 hồi đầu tháng này. Theo dự kiến, IXUS 80 IS sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 3, với giá chỉ 250 USD mà được trang bị cảm biến 8 Megapixel, ống kính zoom cao và công nghệ ổn định ảnh. Trong khi đó, một model với những thông số kỹ thuật tương tự, ra mắt tháng 6 năm ngoái là chiếc IXUS 950 IS từng được Canon phát giá lên tới 400 USD.

Trong khi đó, Nikon Coolpix S550, cũng ra mắt tại PMA 2008, với giá bán đề xuất là 230 USD, là một trong những chiếc máy ảnh đầu tiên được trang bị tính năng cảnh báo nháy mắt. Với khoảng 8 người trong khung hình, nếu chẳng may có ai đó nháy mắt trong khi chụp, máy sẽ ngay lập tức đưa ra thông báo cho người chụp biết để tiến hành chụp lại.

Ngoài ra, tính năng dò tìm mặt cũng đã được nâng lên một tầm cao mới, với chiếc Sony Cyber-shot DSC-T300, có khả năng phân biệt được người lớn và trẻ em. Hai model mới của Panasonic là Lumix DMC-TZ5 và TZ4 thì lại được trang bị tính năng chỉnh phơi sáng thông minh. Nhờ đó, ảnh chụp được sẽ không bị quá sáng hoặc quá tối. Theo dự kiến, cả ba mẫu máy kể trên đều có mặt trên thị trường vào tháng 3 với giá bán lần lượt là 400, 350 và 300 USD.

Ảnh
Canon EOS 450D giá 800 USD.

Cùng với máy du lịch, những chiếc máy ảnh số ống kính rời mới ra mắt cũng đi theo xu hướng tích cực nêu trên. Ví dụ, chiếc Canon EOS 450D, tuy có độ phân giải cao hơn (12 so với 10 Megapixel), khả năng lấy nét tự động chuẩn xác hơn, lại được trang bị công nghệ khử bụi cho cảm biến, nhưng có giá bán thấp hơn so với bậc tiền bối của nó là 400D. Còn Nikon D60, mẫu máy tầm trung được trang bị cảm biến 10 triệu điểm ảnh, cũng có giá chỉ 750 USD, trong khi model tầm thấp của Nikon là D40, với cảm biến 6 "chấm" hiện cũng đã có giá bán lên tới 500 USD.

Tuy hiện nay, 80% số máy ảnh bán ra là máy du lịch, nhưng mảng sản phẩm mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho các nhà sản xuất lại chính là máy ảnh số ống kính rời. Trong năm qua, có khoảng 7,5 triệu chiếc DSLR được bán ra trên toàn thế giới. Riêng với Canon, nhà sản xuất đang nắm giữ thị phần lớn nhất trên thị trường máy ảnh thế giới, mức tăng doanh số của mặt hàng máy ảnh số ống kính rời là 40%, trong khi mức tăng tương ứng của máy point-and-shoot chỉ là 20%.

Trong lịch sử của ngành nhiếp ảnh thế giới, năm 1984 được ghi nhận là năm bán chạy kỷ lục của loại máy ống kính rời sử dụng phim, với tổng số 8 triệu sản phẩm được tiêu thụ trên toàn thế giới. Các hãng máy ảnh lớn đều đang hết sức tin tưởng rằng, nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng như năm vừa qua, thị trường máy ảnh số ống kính rời sẽ phá kỷ lục của máy phim ngay trong năm nay.

(Theo Số hóa/USA Today)



Bình luận

  • TTCN (0)