Tội phạm có thể làm giả thẻ của nhiều ngân hàng khác nhau. Ảnh minh họa. Ảnh: Internet.

Trao đổi với phóng viên ICTnews, các chuyên gia công nghệ tin học ngân hàng đều cho rằng các ngân hàng đã, đang và sẽ buộc phải chấp nhận rủi ro về thẻ ATM giả, ngay cả khi đã chuyển đổi công nghệ từ thẻ từ sang thẻ chip.

Ngân hàng còn xài thẻ từ, người dùng còn nơm nớp...

Gần đây, một số vụ việc liên quan tới thẻ ATM giả đã được phát hiện và công bố tại Việt Nam, trong đó tội phạm gồm cả người nước ngoài và người Việt Nam. Thủ đoạn phổ biến của tội phạm làm giả thẻ ATM là dùng các website giả hoặc giả mạo nhân viên ngân hàng gửi mail yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin, hoặc gắn các thiết bị đọc băng từ của thẻ trên các máy ATM để lấy thông tin của người dùng, sau đó chuyển sang thẻ trắng rồi thực hiện lấy tiền trong tài khoản…

Một trong những lí do khiến Việt Nam được xem là “mảnh đất màu mỡ” đối với tội phạm làm giả thẻ ATM là nhiều ngân hàng vẫn còn dùng thẻ từ, một loại thẻ không đảm bảo an toàn bảo mật thông tin dữ liệu của chủ thẻ, có thể dễ dàng sao chép (copy), ăn trộm mã số thẻ.

Như một thành viên của Hiệp hội Thẻ ngân hàng Việt Nam “bật mí” thì trong năm 2011, số tiền mà tội phạm lấy được từ các thẻ ngân hàng tại Việt Nam là khoảng 3 triệu USD (khoảng 62,5 tỉ đồng).

Tuy nhiên, trên thực tế, khó có thể xác định tổng số thiệt hại vì thẻ ATM giả tại Việt Nam là bao nhiêu bởi đây vẫn được coi là một câu chuyện nhạy cảm. Chưa thấy ngân hàng nào công khai con số thiệt hại vì ngại ảnh hưởng đến thương hiệu, và cũng có thể vì sợ khách hàng “quay lưng” khi chưa có giải pháp triệt để nhằm “khắc chế” thẻ ATM giả. Nguy cơ mất tiền oan vẫn đang treo lơ lửng trên đầu các chủ thẻ có số dư lớn, dễ lọt vào “tầm ngắm” của tội phạm.

Cần nhiều năm nữa để chuyển sang thẻ chip

Để “đối mặt” với thẻ ATM giả, một biện pháp đã được đề cập tới như một giải pháp tối ưu nhất hiện nay đối với các ngân hàng Việt Nam, đó là chuyển đổi tất cả thẻ từ sang thẻ chip.

Trao đổi với phóng viên ICTnews về vấn đề này, ông Lim Chin Wan, đại diện Công ty Secure Metric cho biết ở Malaysia, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng chuyển sang thẻ chip để chống thẻ giả bởi đối với thẻ chip thì tội phạm khó có thể ăn cắp mã số thẻ, thông tin dữ liệu cá nhân. Việt Nam cũng đang có xu hướng chuyển sang thẻ chip, tuy nhiên, các ngân hàng sẽ cần nhiều năm để tiến hành quá trình chuyển đổi này bởi cùng với việc chuyển đổi thẻ cũng cần phải chuyển đổi các cây ATM để tương thích với thẻ, một công việc tốn kém chi phí không nhỏ.

Đánh giá cao hiệu quả của thẻ chip, song ông Anwar McEnter, Quản lí bán hàng khu vực Đông Nam Á, Công ty RAPID 7 lưu ý: Thẻ chip có thể gây khó khăn hơn đối với việc làm giả thẻ, song không phải là phương thức có thể “triệt tiêu” thẻ giả. Tội phạm vẫn có thể làm giả được loại thẻ này.

Cả hai chuyên gia nước ngoài nêu trên đều đồng tình rằng thẻ chip không phải là giải pháp duy nhất, mà các ngân hàng có thể tìm kiếm thêm nhiều giải pháp hỗ trợ khác nữa.

Ông Anwar McEnter dẫn chứng Tổ chức VISA đã áp dụng tính năng xác thực “Verify bi VISA” hoặc Tổ chức Master Card áp dụng tính năng “Master Secure Code” cho các loại thẻ tín dụng của mình để ngăn ngừa thẻ giả. Mỗi khi chủ thẻ thanh toán trên mạng sẽ có công đoạn hỏi thêm mật khẩu mà chỉ chủ thẻ biết. Người dùng thẻ ở Việt Nam khi đến các ngân hàng như HSBC để đăng kí dùng loại thẻ VISA hoặc Master Card nên yêu cầu ngân hàng kích hoạt các tính năng xác thực này.

Nên dành quỹ để bù đắp thiệt hại vì thẻ giả

Chia sẻ về nguy cơ thẻ ATM giả tại Việt Nam với phóng viên ICTnews, ông Đặng Mạnh Phổ, Giám đốc Trung tâm CNTT, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định, thẻ ATM giả là điều khó tránh, chỉ có thể giảm thiểu tối đa chứ không thể triệt tiêu hoàn toàn. Các ngân hàng trên thế giới đều phải chấp nhận sự tồn tại một tỉ lệ nhất định của thẻ giả. Chẳng hạn ở Mỹ, tỉ lệ thẻ giả được xác định ở mức 5% tổng số thẻ phát hành. Và các ngân hàng luôn phải dành một khoản chi phí nhất định giống như một loại quỹ riêng để bù đắp cho chi phí thất thoát do rủi ro thẻ giả này.

Thế nhưng, tại Việt Nam, đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có quy định cụ thể nào về tỉ lệ thẻ giả cũng như việc phải dành quỹ để bù đắp rủi ro do thẻ giả. Những tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng dẫn các ngân hàng hạn chế, giảm thiểu tác hại, rủi ro của thẻ giả, và cách thức "sống chung với lũ" hiện cũng vẫn chưa thấy được Ngân hàng Nhà nước công bố.

“Các ngân hàng hiện vẫn đang phải tự mình tìm cách phòng chống thẻ ATM giả vì sự “sống còn” của chính bản thân mình trong bối cảnh chưa có nhiều quy định cụ thể từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, ông Phổ nhận xét.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)