Tiếp mạch lận đận từ năm 2011, trong suốt năm 2012, số phận của một số thương hiệu điện thoại Việt càng trở nên lao đao: Hoặc khai tử, hoặc phải xoay sở chuyển hướng, “liều mình” thử sức ở sân chơi mới là smartphone giá rẻ.
Nháo nhác "dạt" sang smartphone giá rẻ
Nối gót sự ra đi của hàng chục sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt và cả Trung Quốc từ năm 2011, trong năm 2012, thị trường di động tại Việt Nam đã phải chứng kiến thêm một vài thương hiệu phải bỏ cuộc chơi như Hi-Mobile của HiPT, BlueFone của Tập đoàn CMC…
Và cùng đó, hàng loạt thương hiệu còn trụ lại cũng phải chịu tình cảnh chẳng mấy sáng sủa: Thị phần của “ngôi sao” một thời trong sân chơi điện thoại giá rẻ như Q-Mobile, rồi tiếp đến là một vài cái tên khác như F-Mobile, Avio, Viettel, Hanel Mobile… cũng đang ngày càng phải co cụm.
Hãng Nghiên cứu Thị trường IDC đánh giá, nếu như năm 2010 tổng thị phần của các hãng điện thoại thương hiệu Việt là 24%, thì sang năm 2011 còn 21%. Và hiện nay, theo các chuyên gia thì nhiều khả năng chỉ còn khoảng trên 10%.
Chuyện điện thoại thương hiệu Việt “lao dốc” như trên là hệ quả của các yếu tố như kinh tế khó khăn, điện thoại giá rẻ phổ thông đã phát triển đến mức bão hòa và người tiêu dùng hiện đang chuyển mạnh sang giai đoạn chuộng điện thoại cảm ứng, tính năng thông minh…
Ngoài ra, việc một số doanh nghiệp phải khai tử, thị phần lao dốc còn là kết quả tất yếu của cách làm “ăn xổi”, không chú trọng đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển), luôn cho ra các sản phẩm “na ná nhau” về kiểu dáng, giao diện (những đặc tính để nhận diện thương hiệu của điện thoại giá rẻ xuất xứ Trung Quốc) để rồi sớm chịu cảnh vắn số, chỉ sống nổi trung bình hơn 1 năm.
Trước thực tế nói trên, trong năm 2012 các thương hiệu điện thoại Việt Nam còn tồn tại đã phải loay hoay chuyển hướng, phát triển mạnh sang kinh doanh sản phẩm mới là dòng smartphone giá dưới 3 triệu để tồn tại, cố gắng níu kéo thị phần. Ngay như Q-Mobile cũng lâm cảnh lao đao, phải “thay máu” chiến lược kinh doanh bằng việc tập trung cho smartphone giá rẻ từ 1,5 - 3 triệu đồng, kì vọng thời gian tới hơn 80% doanh thu sẽ được tạo ra từ smartphone.
Cùng đó, FPT Mobile, Viettel, Mobiistar… cũng ồ ạt nhảy vào phân khúc smartphone giá dưới 3 triệu đồng, cũng màn hình cảm ứng từ 3 - 3,5 inch, chạy Android, hỗ trợ kết nối Wi-Fi, 3G… như F8 của FPT Mobile, Avio Sen S1, S2 và S3 của VinaCap; V8302, V8401 của Viettel…
Các “ông lớn” vẫn liên tục đe dọa
Theo nhận định của IDC và đại diện một số hãng điện thoại tại Việt Nam như Sony, Nokia, Huawei… khi trao đổi với phóng viên BĐVN, smartphone nói chung, trong đó có smartphone giá rẻ đang còn nhiều cơ hội tiềm năng.
Tại Việt Nam, trong công bố vừa được IDC đưa ra tháng 12/2012, thì so với cùng kì năm 2011, ngay trong 9 tháng đầu năm 2012, thị trường smartphone tại Việt Nam đã tăng trưởng 83%. Ông Daniel Pang, Giám đốc nghiên cứu của IDC Đông Nam Á nhận định thị trường smartphone tại Việt Nam dự kiến sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
Chính vì thế, việc theo đuổi kinh doanh smartphone màn hình cảm ứng, dùng hệ điều hành Android, trang bị đủ kết nối Wi-Fi, 3G… với giá bán rẻ của một số thương hiệu nội địa được đánh giá là hợp thời trong xu thế hiện nay.
Đáng chú ý, đề cập đến sức cạnh tranh của smartphone thương hiệu Việt, theo ông John Stefanac, Chủ tịch Qualcomm Châu Á - Thái Bình Dương, hiện một vài doanh nghiệp điện thoại Việt như Q-Mobile, FPT, Mobiistar… đang bắt đầu hướng đến cạnh tranh sản phẩm bằng công nghệ cao, thay vì dùng chip xử lí của Trung Quốc như trước đã chuyển sang sử dụng bộ vi xử lí của hãng Qualcomm.
Phía IDC cũng nhận định hiện Mobiistar, Q-Mobile… sau một thời gian đầu tư cho phân khúc smartphone với giá bán hợp lí đang dần tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Tuy nhiên, con đường trước mắt của điện thoại thương hiệu Việt sau khi nhảy sang chú trọng sản phẩm smartphone giá rẻ vẫn còn quá nhiều gian nan. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang vấp phải khó khăn lớn khi ở phân khúc smartphone giá dưới 3 triệu đồng, bởi thị trường năm 2012 cũng có rất nhiều thương hiệu lớn như Samsung, Nokia, LG... cạnh tranh. Trong năm qua, các hãng này đã liên tục đổ vào Việt Nam những mẫu máy giá rẻ chỉ ở mức dưới 3 triệu đồng.
Thậm chí, Giám đốc công nghệ của Huawei tại Đông Nam Á, ông Michael MacDonald còn bày tỏ hãng này cũng sắp bán cả dòng màn hình 3,5 inch, pin dung lượng lớn, bộ xử lí 1 Ghz với mức giá chỉ 100 USD tại Việt Nam.
Thách thức trên sân chơi mới đang ngày càng gay gắt. Nếu vẫn lặp lối kinh doanh cũ như cách làm với dòng điện thoại bình dân trước kia, và nếu chỉ nuôi ảo tưởng “smartphone giá rẻ ngon ăn” mà đổ xô làm theo phong trào, chỉ lo tập trung chạy theo lợi nhuận và gắn thương hiệu lên sản phẩm có sẵn từ Trung Quốc (như cách nhiều doanh nghiệp đã làm) thì rồi các thương hiệu Việt cũng chỉ biết cho ra các sản phẩm na ná nhau, chẳng tạo ra nổi một sự khác biệt, gây thất vọng cho người tiêu dùng, và cuối cùng là sớm rủ nhau đi tới con đường cùng khai tử.
Theo ICTNews
Bình luận