Gia đình Clinton biết cách thâu tóm các phương tiện truyền thông chính thống. Nhưng chúng ta đang ở trong thời đại mà mỗi người đều là một phần của TGTT. Và Bill Clinton thì vẫn chưa chịu nhận ra điều đó

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đánh dấu cho một thời đại truyền thông mới: Thời đại mỗi cá nhân chính là một bộ phận của thế giới truyền thông. Và không có tiểu tiết nào không được đưa ra dưới ánh sáng ban ngày.

Truyền thông của Bill: Truyền thông lỗi thời

Sau khi người vợ miễn cưỡng rút khỏi cuộc chạy đua mà bà đã thua nhiều ngày – đúng ra là nhiều tuần – trước đây, có lẽ giờ đây chúng ta nên dành chút thời gian cho Bill Clinton tội nghiệp.

Vị cựu tổng tư lệnh quân đội Mỹ này đã vô tình gây ra không ít sự cố trong suốt cuộc tranh cử sơ bộ kéo dài mấy tháng vừa qua. Điều này thể hiện trong những từ ngữ hoa lá cành, những nỗ lực không thành của ông nhằm công kích Barrack Obama, tâm trạng hoang mang ngày càng thấy rõ và cơn giận dữ bất lực trước các phương tiện truyền thông khi viễn cảnh thắng cử của bà Hillary Clinton ngày càng mờ nhạt.

Các chuyên gia có lẽ sẽ chào đón sự kiện này như dấu chấm hết cho thời đại của Clinton trong lịch sử chính trị nước Mỹ. Và khắp nơi là bình minh của phương thức thông tin về chính trị kiểu mới:

Kiểu bầu cử lần đầu tiên xuất hiện, thống trị bởi các blogger với nhiều quan điểm đa dạng, bởi những phóng viên tự do với điện thoại chụp hình và máy quay phim kĩ thuật số rẻ tiền, và mọi hình ảnh đều có thể được lên YouTube và khắp các trang web.

Charles Mahestian, biên tập viên mục chính trị của trang web Politico.com (một trang web trung lập vừa được xây dựng năm vừa rồi để thông tin về các chiến dịch tranh cử) phát biểu:

"Bill Clinton đã gặp vô vàn khó khăn khi phải điều chỉnh cho phù hợp với thời đại mới. Trước kia ông ấy có thể không đi sâu đi sát tình hình thực tế làm, và mọi thứ đều có thể là "lần đầu tiên của chuyện này hay cái nhất của chuyện kia". Còn giờ đây, các blogger lúc nào cũng sẵn sàng túc trực 24/7, quan sát mọi tiểu tiết, và đã hơn một lần ông ấy lỡ nói ra những câu sơ suất, kết quả là ảnh hưởng tai hại tới bà vợ".

Dù những câu nói đó là để bảo vệ người vợ rằng bà đã bị chỉ trích ở Bosnia (trong khi những đoạn phim trên YouTube lại chỉ ra điều ngược lại), hoặc để phủ nhận mình đã buộc tội nhóm tranh cử của ông Obama sử dụng "chiêu bài chủng tộc" (mặc dù những nhận xét này của ông cũng được đăng tải nhan nhản trên trang web của các đài phát thanh) thì tất cả đều cho thấy ông đang thực sự lúng túng trong mọi việc mình làm.

Và khi chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton tách ông ra khỏi các cuộc tiếp xúc với các phương tiện truyền thông chủ chốt, để tham gia các cuộc diễn thuyết nhỏ lẻ ở những thị trường truyền thông nhỏ nhất, với sự tham gia của các phóng viên độc lập cùng máy quay kĩ thuật số, thì không còn tiểu tiết nào còn bị bỏ sót nữa.

Tuần vừa rồi, người đàn ông tội nghiệp này lại vừa phải tham gia một cuộc nói chuyện như vậy. Trong buổi này, ông đã lớn tiếng chỉ trích tác giả của một bài phê bình đăng trên báo Vanity Fair viết về ông trước khi trúng cử tổng thống.

May Fowler - câu chuyện truyền thông hiện đại

May Fowler, người ủng hộ lâu năm của Đảng Dân chủ xuất thân từ một gia đình có truyền thống tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị, đã bắt thóp được hết những từ ngữ Clinton dùng trong buổi diễn thuyết hôm ấy. Ông đã gọi tác giả bài viết đó là "thiếu đứng đắn", "gian xảo", "một kẻ ngớ ngẩn". Những lời đả kích tương tự như vậy cứ thế tuôn trào – và bà Fowler, tất nhiên, đã nhanh nhẹn đưa tất cả lên blog khi về đến nhà.

Ảnh
Internet đã biến chiến dịch tranh cử tổng thống này trở thành tiền lệ đầu tiên theo mọi khía cạnh.

Thực ra, Fowler chính là một đại biểu cho thời đại thông tin chính trị kiểu mới. Bài chỉ trích của Clinton không phải là tin nóng đầu tiên và cũng không phải tin đáng chú ý nhất mà bà đăng tải trên trang blog OffTheBus.net do tờ Huffington Post điều hành.

Bà này chính là phóng viên đứng đằng sau vụ Bittergate. Đây là sự cố xảy ra vào tháng tư vừa qua khi Obama bị bắt quả tang khi nói với một người hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử rằng cử tri ở các thành phố nhỏ quá "cay nghiệt" (bitter) khi đánh giá về tình hình chính trị và hay "dùng súng đạn hoặc tôn giáo hoặc ác cảm để nói chuyện với những người không có quan điểm giống họ".

Trên một blog được đăng tại trang web của Obama, một người ủng hộ Obama đốp lại: "Thật tuyệt khi được nhìn thấy ông Obama trong trạng thái hoàn toàn thả lỏng, yên vị trong một căn phòng khách rộng rãi. Nhưng buồn thay dưới ghế sofa lại vẫn còn vài con gián ẩn nấp".

Fowler cũng là một người ủng hộ Obama và được một người ủng hộ khác mời đến. Các phương tiện truyền thông không được mời đến buổi họp mặt này nhưng rất nhiều người tham gia đã ghi lại hình ảnh và âm thanh của buổi gặp gỡ. Fowler cũng đem theo máy ghi âm MP3. Vậy thì bà là nhà báo hay người ủng hộ đây? Cuộc họp đó có phải thuộc loại "không bị ghi lại" không? Mà trong thời đại này thì thế nào mới là "không bị ghi lại" đây?

Thực ra Fowler đã do dự trong bốn ngày liền trước khi đưa lên những lời nhận xét mà bà gọi là "nhạy cảm" và biết rằng nó sẽ gây thiệt hại cho chiến dịch tranh cử của Obama.

Nhưng cuối cùng bà vẫn quyết định cho đăng tải những lời nhận xét đó, với một phong cách nhẹ nhàng, điềm đạm khiến bà thu được sự ủng hộ của rất nhiều người. Khi làm như vậy, bà đã xóa mờ ranh giới mà rất nhiều người trong ngành báo chí truyền thống của Mỹ đã cố gắng hết sức để gìn giữ trong mọi hoàn cảnh: Ranh giới giữa một nhà báo trung lập và một người ủng hộ.

Sau này bà đã phát biểu với tờ The New York Times như sau: "Tôi đã 61 tuổi rồi. Tôi không thể tin được rằng mình sẽ là một trong những người đang tham gia vào công cuộc biến đổi thế giới truyền thông... Trên internet thì chẳng có chuẩn mực nào đối với việc thông tin cả. Tôi luôn luôn tự vấn bản thân. Đó có phải là việc nên làm? Mình có đang cư xử một cách công bằng không?".

Bầu cử dân chủ hơn nhờ truyền thông đa chiều

Nhưng có ai lại muốn cho phép một chính trị gia lúc riêng tư được nói ra những gì khác với điều họ đã nói khi đứng trước công chúng cơ chứ? Trong thời đại của tri thức toàn diện – Facebook, YouTube và các trang web khác giúp chúng ta có được cái nhìn 360 độ không chỉ về các chính trị gia, mà về tất cả những người nổi tiếng và thậm chí cả bạn bè của mình. Điều duy nhất còn là riêng tư trong thời buổi bây giờ là những bí mật, mà báo chí thì luôn muốn tìm hiểu những điều đó.

Internet đã biến chiến dịch tranh cử tổng thống này trở thành tiền lệ đầu tiên theo mọi khía cạnh, và nhiều trường hợp trong số đó có tính tích cực bất ngờ và không thể chối cãi. Những cử tri đi bầu lần đầu có thể tìm kiếm các bài phát biểu của các ứng cử viên trên YouTube và tham gia vào các cuộc tranh luận sôi nổi trên các trang web.

Ảnh
Những hình ảnh như Obama nhảy nhót trong talk show của Ellen DeGeneres có thể lan truyền rộng rãi và nhanh chóng tạo ra cái nhìn đầy thiện cảm đối với ứng cử viên này

Không bị giới hạn bởi phạm vi của một trang báo in, những tin tức và phân tích trực truyến phong phú hơn, sâu sắc hơn, vô thưởng vô phạt hơn, hài hước hơn – và tóm lại, lôi cuốn hơn. Rất nhiều phóng viên làm việc trên mạng cũng bày tỏ sự lạc quan rằng cuộc bầu cử lần này đang phủ nhận một trong những mối e ngại lớn về thời đại mới này. Đó là mối lo rằng các độc giả - không được dẫn dắt bởi các biên tập viên – sẽ bị lôi kéo bởi những người ủng hộ các đảng phái và những thông tin sai lệch.

Thực chất, những trang web như Huffington Post, được gây dựng ba năm trước dưới dạng một trang web mở cho các blogger tự do, đã trở thành một trang thông tin quan trọng.

Ngay cả trang web của các tờ báo truyền thống giờ đây cũng có blog – các phóng viên làm cho mảng chính trị Mỹ của tờ The Independent đã viết blog "Theo bước cuộc tranh cử" – để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.

Mahtesian, biên tập viên mục chính trị của Politico.com cho rằng: "Hiện nay độc giả được biết tất cả mọi thứ ghi trong sổ tay của một phóng viên. Các phương tiện truyền thông chính thống cũng vẫn hoạt động hiệu quả như trước kia, một phần vì họ còn thâu tóm cả truyền thông đa phương tiện nữa, và tuyệt hơn nữa là những phân tích phức tạp và sắc sảo giờ cũng được đưa lên các trang web."

Tất nhiên, sự phát triển chóng mặt của phương thức truyền thông mới đang làm điên đầu những chuyên gia tranh cử kiểu cũ như Bill Clinton, nhưng nó cũng bộc lộ những lợi ích của mình. Chẳng trách tại sao giám đốc chiến lược của Đảng Bảo thủ, Steve Hilton, lại đưa tất cả thông tin về các chuyến thăm viếng của các nhà lãnh đạo của đảng lên trang web.

Trong cuộc họp nội bộ đảng hai năm trước, David Cameron đã gọi John McCain là "tổng thống tiếp theo của Mỹ". Nhưng giờ ông này sẽ phải tìm hiểu kĩ chiến dịch tranh cử của Obama để tìm cách tận dụng sức mạnh của những phóng viên độc lập đang hiện diện ở khắp nơi. Những phóng viên ấy, không phải ai khác, chính là mỗi người trong chúng ta.

(Theo Tuanvietnam/Independent)



Bình luận

  • TTCN (1)
Minh Anh

Chiến thắng của Obama trong cuộc tranh cử của đảng Dân Chủ lần này mang đậm màu sắc công nghệ internet Big Grin Thế mới thấy, internet có sức mạnh đến chừng nào.