TS Nguyễn Xuân Anh chia sẻ: Khi có mưa dông, vẫn có thể sử dụng điện thoại di động bình thường. Sóng điện thoại di động không thể hút sét. Tuy nhiên, điện thoại cố định có dây sẽ rất nguy hiểm. Nếu sét đánh gần đó sẽ lan truyền rất nhanh qua hệ thống dây dẫn điện thoại. Khi có mưa dông, tuyệt đối không nên dùng điện thoại cố định có dây.

Việt Nam nằm ở tâm dông của châu Á - một trong ba tâm dông hoạt động mạnh nhất thế giới. Mới đây, trận dông sét ngày 3-6 đã cướp đi sinh mạng của hai chị em khi đang làm đồng ở huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai). Hiện đã vào mùa mưa bão, để hiểu rõ hơn các biện pháp phòng tránh sét, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lí địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam):

Nhiều người cho rằng, dông sét là thảm họa bất khả kháng mà con người không thể phòng tránh. Điều đó có đúng không, thưa ông?

Sét là hiện tượng ngẫu nhiên cho nên không có vị trí an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, việc chủ động phòng tránh sét, tìm nơi an toàn hơn có thể làm giảm đáng kể khả năng bị sét đánh. Từ tháng 4 đến tháng 10 là mùa dông sét nên người dân phải cẩn thận hơn, chịu khó theo dõi tình hình thời tiết. Khi làm ở khu vực nào đó, phải để ý trước các nơi có thể trú mưa và tránh sét an toàn. Thường thì cơn dông kéo đến rất nhanh trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40 km/giờ. Khi đang ở nơi không an toàn thì cần phải để ý đến các dấu hiệu của dông như mây đen, không khí lạnh, gió...

Để có thể cảnh báo sớm cho người dân phụ thuộc rất nhiều vào khả năng dự báo, tuy nhiên sai số trong dự báo vẫn rất lớn?

Công tác dự báo đã có tiến bộ nhất định, tuy nhiên việc đầu tư mạng lưới ở nước ta hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cảnh báo sét rất khó, không chỉ Việt Nam, mà thế giới cũng vậy bởi diễn biến của mây dông rất nhanh, rất khó dự đoán chính xác sét đánh vị trí nào. Hiện nay, công nghệ ở Việt Nam đã có thể dự báo sét trước từ 30 phút đến 1 tiếng. Muốn dự báo tốt hơn phải có kinh phí đầu tư trang thiết bị để nâng cấp mạng lưới quan trắc định vị sét và mạng trạm cảnh báo sét.

Chúng tôi đã thử nghiệm công nghệ cảnh báo sớm ở một số địa phương, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam, hiệu quả cảnh báo sớm được trên 90%. Kinh phí đầu tư cho các trạm cảnh báo tùy theo mức độ, dao động từ 10.000 đến 20.000 USD. Từ năm 2003, Viện Vật lí địa cầu đã xây dựng mạng trạm định vị sét gồm 8 trạm trên địa bàn cả nước,...

Qua nghiên cứu, ở Việt Nam, khu vực nào tập trung nhiều dông sét, thưa ông?

Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á - một trong ba tâm dông trên thế giới có hoạt dộng dông sét mạnh. Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài với số ngày dông trung bình khoảng 100 ngày/năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ/năm. Trên nền hoạt động dông tương đối mạnh này vẫn có độ chênh lệch khá lớn về mức độ hoạt động dông ở các vùng. Có những nơi có số giờ dông nhỏ như Cam Ranh - Khánh Hòa (55 giờ/năm), bên cạnh đó lại có khu vực đạt số giờ dông tới 489 giờ/năm như ở A Lưới (Thừa Thiên - Huế).

Có thể giải thích sự chênh lệch này bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có sự phân chia lãnh thổ bởi những dãy núi cao có hướng khác nhau. Những vùng hoạt động dông mạnh là những vùng có nhiễu động khí quyển mạnh mẽ và có địa hình thuận lợi cho việc hình thành các dòng thăng. Việt Nam là khu vực nhiệt đới nên nguy cơ dông sét có thể xảy ra bất cứ khu vực nào, có thể kể tới một số khu vực tiêu biểu như ở đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội...

Có phải các khu vực thành thị ít bị nguy cơ sét đánh hơn nông thôn, miền núi?

Hoàn toàn không. Thông thường, sét đánh ở các đô thị nhưng nhiều người không biết do có các nhà cao tầng hút sét và thoát sét. Do đó, những nơi đô thị hóa càng mạnh thì thiệt hại về người càng ít. Ở nông thôn, miền núi, nhiều khu vực người dân chưa quan tâm làm hệ thống chống sét nên có khi bị sét đánh thẳng vào nhà, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Người dân vẫn cho rằng, các khu vực tập trung nhiều khoáng sản dưới lòng đất thì khả năng hút sét cao hơn. Điều này có đúng không, thưa ông?

Không phải. Sự xuất hiện của sét chủ yếu là do thời tiết nóng ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho hình thành mây dông. Khoáng sản dưới lòng đất chỉ ảnh hưởng tới dòng sét đánh xuống chứ không hút sét. Ví dụ như ở Hà Tĩnh, có mỏ sắt Thạch Khê rất lớn, nhưng theo thống kê thì sét lại gây thiệt hại nhiều hơn ở xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc. Ở vùng ôn đới, nhiều nơi có mỏ sắt lớn nhưng không thể có nhiều sét đánh như vùng nhiệt đới nóng ẩm. Yếu tố thời tiết vẫn là quyết định. Ở vùng nhiệt đới nóng ẩm, sau chuỗi ngày nắng nóng thì khả năng xuất hiện sét rất lớn do hình thành đám mây đối lưu mạnh. Bên cạnh thời tiết, yếu tố địa hình cũng tác động tới việc hình thành sét.

Việc sử dụng điện thoại di dộng khi xảy ra mưa dông có an toàn không?

Vẫn có thể sử dụng điện thoại di động bình thường. Sóng điện thoại di động không thể hút sét. Tuy nhiên, điện thoại cố định có dây sẽ rất nguy hiểm. Nếu sét đánh gần đó sẽ lan truyền rất nhanh qua hệ thống dây dẫn điện thoại. Khi có mưa dông, tuyệt đối không nên dùng điện thoại cố định có dây.

Nếu đang đi trên đường hoặc đang làm đồng mà không kịp tránh sét thì phải xử lí như thế nào?

Trong trường hợp không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh xa các vật dụng kim loại, ra ngay khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao hồ...; khẩn trương tìm chỗ khô ráo, người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ, nhón chân, không được nằm xuống đất, không được đứng thành nhóm đông. Nếu như bạn cảm thấy tóc bị dựng lên thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Khi đó, lập tức cúi ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất. Nếu bắt buộc phải đi về giữa trời mưa dông trong các đô thị thì nên chọn đường đi có nhiều nhà cao tầng.

Xin cảm ơn ông!

Theo CAND Online




Bình luận

  • TTCN (0)