CEO Nadella của Microsoft đưa ra một tầm nhìn mới về hệ điều hành đám mây.

Tại Triển lãm CES 2012, cựu CEO Steve Ballmer của Microsoft nói "Không có gì quan trọng hơn so với Windows của Microsoft". Gần đây nhất, ông Ballmer lại tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của Windows trong một cuộc họp báo năm ngoái, trong đó ông vạch ra kế hoạch tổ chức lại cơ cấu công ty của mình. "Về mặt cơ bản, Windows sẽ là định nghĩa của một thiết bị được gọi là PC".

Tuy nhiên, CEO đương thời Satya Nadella của Microsoft tuần trước chỉ đề cập đến một số ít chi tiết ngắn gọn về hệ điều hành này trong bức thư chiến lược 3.100 từ viết bằng tay của ông. Điều đó cho thấy, Windows không còn là một nhân tố quan trọng trong chiến lược dài hạn của hãng phần mềm khổng lồ này nữa.

"Windows sẽ cung cấp trải nghiệm người dùng phong phú và phù hợp nhất cho những công việc kĩ thuật số và các tình huống trong cuộc sống trên tất cả các kích cỡ màn hình - từ điện thoại, máy tính bảng và máy tính xách tay cho đến TV hay các bảng quảng cáo khổng lồ 82 inch", Nadella cho biết về một trong những ứng dụng đầu tiên của Windows trong bức thư dài của ông.

Một số nhà quan sát cảm thấy mâu thuẫn bởi sự tương phản giữa cách mà CEO Nadella không còn đặt nặng tầm quan trọng của Windows trong chiến lược mới và cách mà người tiền nhiệm luôn đưa nền tảng này lên hàng đầu. Trong quý tháng 9/2013, hệ điều hành này chiếm 25% tổng doanh thu của Microsoft.

Mặc dù Windows sẽ không biến mất khỏi Microsoft hoặc trong bảng cân đối của họ, chiến lược tập trung vào năng suất của Nadella và việc lặp đi lặp lại về cụm từ "hệ điều hành đám mây" như là một nền tảng quan trọng nhất rõ ràng là một sự thay đổi lớn trong tư duy.

Nadella cho biết, hệ điều hành đám mây sẽ là thế mạnh của Microsoft. Khi nói đến "hệ điều hành đám mây", vị CEO này rõ ràng đang đề cập cụ thể đến sự kết hợp của Azure và Windows Server, một khái niệm mà ông đã thúc đẩy rất lâu trước khi trở thành người lãnh đạo của Microsoft. Giữa năm 2012, khi còn là người đứng đầu của bộ phận "Server and Tools Business" của Microsoft, Nadella đã chào hàng khái niệm hệ điều hành đám mây đến những đại biểu tham dự hội nghị TechEd Bắc Mỹ của Microsoft.

"Sự kết hợp của Azure và Windows Server làm cho Microsoft trở thành công ty duy nhất cung cấp một nền tảng điện toán đám mây kết hợp giữa những tính năng công cộng, cá nhân và đám mây lai, thích hợp cho những doanh nghiệp hiện đại ngày nay", ông Nadella khẳng định tuần trước. "Hệ điều hành đám mây của chúng tôi cũng sẽ có thể phục vụ cho tất cả các công việc và trải nghiệm sống kĩ thuật số của Microsoft".

Windows sẽ vẫn còn có mặt trên hàng triệu thiết bị. Cho đến nay, PC thực sự vẫn không có sự thay thế ngoài sự hiện diện của Apple OS X và Linux vốn chỉ có mặt chưa đến 10% trên các máy tính trên toàn cầu. Nhưng trong thế giới của Nadella, chiến lược cho các khách hàng Windows dường như vẫn không có gì gây ấn tượng.

"Chúng tôi sẽ đầu tư để Windows là hệ điều hành an toàn nhất, dễ quản lí và có các tính năng phù hợp cho nhu cầu của một lực lượng lao động hiện đại và ngành CNTT", Nadella viết. Ông đã giải thích ngắn gọn nhưng rõ ràng về mục tiêu của mình cho Windows, mục tiêu mà Microsoft đã làm việc trong nhiều thập kỉ, "Windows sẽ phát triển để bao hàm các phương pháp đầu vào/đầu ra mới chẳng hạn như khả năng điều khiển bằng giọng nói, bằng bút hay bằng thao tác cử chỉ, và cuối cùng là sẽ mang lại những trải nghiệm máy tính cá nhân mạnh mẽ hơn".

Hơn bất cứ điều gì khác, ý kiến của Nadella về Windows là một sự công nhận vị thế mới của hệ điều hành này trong ngành công nghiệp máy tính. Sự bùng nổ của các thiết bị di động, đặc biệt là điện thoại thông minh, đã làm cho Windows xuống hạng và bị đưa vào một thị trường "không tăng trưởng" hoặc "ít tăng trưởng", cách xa phía sau so với Android của Google đang là hệ điều hành phổ biến nhất trên thế giới.

Nadella cho biết, ông sẽ cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch của mình trong tuần tới, đặc biệt trong công bố doanh thu vào ngày 22/7 sắp tới. Cho đến bây giờ, ý tưởng của ông về Windows vẫn chưa rõ ràng

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)