Trong một bài viết do chính Bill Gates chắp bút vào năm 1999, khi mà iPhone và iPad, thậm chí là iPod còn chưa ra đời, ông đã đưa ra những lập luận để giải thích vì sao Microsoft vẫn quyết tâm đặt cược cho tương lai của PC. Tầm nhìn xa trông rộng về viễn cảnh công nghệ của thế giới đã được Bill Gates thể hiện qua bài viết này.

Sau đây là nội dung bài viết đã có tuổi đời gần tròn 15 năm nhưng vẫn nóng hổi về tầm nhìn thời đại số:

"Dự đoán về ngày tàn của máy tính cá nhân dường như đang trở thành mốt trong vài năm trở lại đây. Các hãng nghiên cứu luôn đưa ra những con số tiêu cực về doanh số tiêu thụ của PC, những dự báo về tương lai cũng mù mịt không kém. Tất cả đều nhằm chứng tỏ: Kỉ nguyên PC cuối cùng cũng kết thúc. Nhưng sự thật có đen tối như vậy? Trên toàn thế giới, tổng số PC bán ra vẫn lên tới hàng chục triệu chiếc. Điều đó có nghĩa là thế giới đang mua máy tính nhiều ngang ngửa với TV màu.

Không có gì ngạc nhiên khi PC phổ biến như vậy cả. Giá bán máy tính đã giảm rõ rệt qua từng năm, trong khi sức mạnh của phần cứng và phần mềm không ngừng tăng lên. Người dùng cá nhân và doanh nghiệp khắp nơi đều có nhu cầu truy cập Internet và những thiết bị như PC giúp họ đạt được mong muốn một cách dễ dàng. Nhưng điều khiến PC khác biệt với các thiết bị di động chính là sức mạnh đa năng của nó. Ngồi trước màn hình máy tính, bạn sẽ có thể tính/khai thuế, lướt Web, viết thư, email cho bạn bè, chơi game, lập kế hoạch kinh doanh, mua ô tô, làm bài tập về nhà... Trên thực tế, bạn có thể làm bất cứ việc gì bạn muốn.

Máy tính cá nhân đã mang đến cho những người dân Mỹ bình thường một sức mạnh điện toán mà chỉ mới vài thập niên trước, còn là đặc quyền của các tập đoàn lớn. Nhưng người dùng vẫn đòi hỏi hơn thế. Họ muốn nhân rộng sức mạnh của PC sang các thiết bị khác, dù cho đó là smartphone, là máy tính bảng, là TV thông minh hay là ô tô kết nối Internet. Một sự kết hợp giữa phần mềm thông minh, vi xử lí mạnh mẽ, công nghệ không dây và kết nối băng thông cao đã và đang biến viễn cảnh này thành sự thật.

Với hầu hết người dùng, chỗ làm và nơi ở của họ sẽ vẫn sử dụng PC làm công cụ điện toán chính. Bạn sẽ muốn (và cần) một màn hình cỡ lớn cùng một bàn phím rộng rãi để cân bằng danh mục đầu tư, viết thư cho người thân, xem các trang web phức tạp và nặng về đồ họa, cũng như cần đến sức mạnh xử lí lớn để xem video, chơi game, thực hiện các tác vụ đồ họa... Nhưng PC cũng sẽ phối hợp ăn ý với các thiết bị thông minh khác. Bạn sẽ có thể chia sẻ dữ liệu của mình như file, lịch, thời gian biểu, email, sổ địa chỉ... trên nhiều thiết bị khác nhau. Điều tuyệt vời là bạn sẽ chẳng cần phải bận tâm đến việc đó - chúng sẽ được tiến hành một cách tự động hoàn toàn. Nếu như bạn muốn tìm mức giá tốt nhất cho một chiếc xe mới và kiểm tra ngân quỹ của mình xem có đủ tiền hay không, bạn sẽ có thể làm việc đó với một chiếc tablet hoặc smartphone bên mình. Bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào, bạn cũng có trong tay tất cả thông tin mình cần.

Cũng trong lúc đó - nhiều người hoài nghi về khả năng tồn tại của PC đã quên mất điều này - bản thân PC cũng sẽ tiến hóa theo hướng mạnh hơn, đáng tin cậy hơn và dễ sử dụng hơn. Dù cho phần cứng bên dưới, hạ tầng mạng và phần mềm sẽ trở nên phức tạp hơn, nhưng sự phức tạp đó không được "phô ra" trước người dùng cuối. Họ sẽ chỉ phải đối mặt với một giao diện người dùng đơn giản hơn, thích ứng tốt với các nhu cầu của bạn nhờ những tính năng như nhận dạng giọng nói hay xử lí ngôn ngữ tự nhiên. Chúng sẽ có chế độ "kích hoạt tức thì", đảm bảo rằng bạn không phải chờ PC khởi động quá lâu. Khi PC là trung tâm của mạng gia đình, nó sẽ quản trị cực dễ, tự động vận hành và không cần tới bảo trì. Và dù PC có tiến hóa thành rất nhiều hình hài khác nhau, chẳng hạn như thành máy tính bảng, thì về bản chất, chúng vẫn là máy tính, với tất cả các ích lợi của một mô hình máy tính toàn cầu.

Mô hình đó sẽ giữ vai trò thiết yếu trong kỉ nguyên mới mang tên "điện toán mọi nơi, mọi lúc". Cách tiếp cận "hàng nhiều, giá rẻ" của PC sẽ được nhiều thiết bị thông minh sau này ứng dụng vì nó mang đến giá trị tuyệt vời cho người dùng. Chi phí sáng tạo sẽ được bổ đầu trên một quy mô rất rộng nên ai cũng có thể hưởng lợi từ hàng tỉ USD rót cho Nghiên cứu & Phát triển. Và những quy chuẩn kĩ thuật được chấp nhận rộng rãi của PC, cùng với chuẩn Internet mở, đồng nghĩa với việc các thiết bị mới sẽ hợp tác ăn ý với thiết bị hiện hành. Với kỉ nguyên "hậu PC", kết nối sẽ là vua.

Có thể nói, PC đã mang đến cho thế giới một cách thức làm việc, giải trí và giao tiếp hoàn toàn mới. Kỉ nguyên hậu PC cũng sẽ mang tính cách mạng như vậy. Nó sẽ nhân rộng sức mạnh của PC đến mọi ngõ ngách trên trái đất, đến những thiết bị mà trước đây có mơ bạn cũng không thể nghĩ tới. Tôi dám đánh cược tương lai của Microsoft trên viễn cảnh đó".

Theo VietNamNet.




Bình luận

  • TTCN (0)