Những năm gần đây, việc phát triển nở rộ của các ngành như ngân hàng, bảo hiểm đã mang lại cho người dùng Việt không ít lựa chọn. Nhưng đi kèm với đó là việc thông tin cá nhân của người dùng được "mang đi" tràn lan. Trong số đó, nhức nhối nhất vẫn là nạn sử dụng trái phép các thông tin người dùng và liên tục “khủng bố” họ bằng các cuộc gọi, tin nhắn, email với cường độ rất cao.

Thông tin cá nhân có từ đâu?

Đây là câu hỏi đã được nhiều người đặt ra bởi hầu hết trong số những nạn nhân cho biết họ cũng không hiểu mình tiết lộ danh tính, số điện thoại, email cho các ngân hàng hay công ty bảo hiểm từ lúc nào. Tuy nhiên, câu trả lời sẽ khá đơn giản:

Thứ nhất, đó là việc người dùng đến các dịch vụ mà mình cần để đăng kí thông tin sử dụng. Các thông tin cá nhân này sẽ được lưu lại để giải quyết những vấn đề về sau. Nhưng ngay cả khi ngưng sử dụng dịch vụ, chúng vẫn được “giữ” lại thay vì xóa bỏ. Tuy nhiên, loại này không nhiều.

Thứ hai đó là các nhà cung cấp dịch vụ thu được thông tin người dùng sau mỗi đợt khuyến mãi, sự kiện, giảm giá.

Thứ ba là nguồn từ “chợ đen”, và đây chính là nguồn cung cấp thông tin người dùng một cách “nhanh chóng” nhất và có số lượng lớn nhất. Các nguồn “chợ đen” này có thể “tuồn” dữ liệu cá nhân từ nhà mạng (mức độ thông tin chỉ dừng lại ở mức rò rỉ, đồn đại), các hacker, “gõ cửa” các trung tâm dữ liệu, các công ty quảng cáo,…

Ngoài ra, còn nhiều “nơi” để các công ty có thể thu thập thông tin cá nhân nữa nhưng 3 “địa điểm” trên là phổ biến nhất.

Nhu cầu thông tin cá nhân và thị trường mua bán

Ở thời đại CNTT hiện nay, đã không còn tình trạng thu thập dữ liệu người dùng bằng cách “gõ cửa từng nhà” nữa mà thay vào đó, mọi thứ đã dễ dàng hơn rất nhiều.

Từ những năm 2011, đã có một thứ hàng hóa mới gọi là “thông tin cá nhân” được bày bán hoặc bí mật, hoặc chào bán công khai. Từ đó, một “thị trường” mới hình thành: một bên thu thập dữ liệu đem bán và một bên là mua lại để sử dụng cho “mục đích riêng”.

Với sự phổ biến của Internet, điện thoại di động, tablet, MXH,… như hiện nay, các doanh nghiệp dường như cũng đã nhận rõ những thế mạnh mà chúng mang lại. Đặc biệt với số điện thoại.

Số điện thoại là con đường ngắn nhất và tiện lợi nhất để doanh nghiệp tiếp cận khách hàng.

Ông Lê Mạnh Hùng, phó chủ tịch CLB Nội dung số

Với những nhu cầu nêu trên, thị trường mua bán thông tin cá nhân dù là trái pháp luật nhưng vẫn hoạt động một cách lén lút và phổ biến. Theo một người từng làm ở lĩnh vực bảo hiểm cho hay, nhu cầu của chị là phải liên tục mời chào khách hàng mới và hộ không thể “gom” từng người một, thay vào đó, công ty đã mua lại một lượng rất lớn những người dùng tiềm năng và tất nhiên, đó chủ yếu là tên, số điện thoại và email.

Và không dừng lại ở việc tìm mua dữ liệu, các tổ chức, cá nhân ngày nay “nhạy bén” hơn rất nhiều khi tìm mọi cách “thu thập” và gõ cửa các đối tác nhằm chào mời. Những công ty này thường dùng các công cụ để thu thập hoặc mua từ các đối tác khác và bán lại với giá cao hơn.

Và nạn nhân…

Trong những ngày vừa qua, đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức,… “kêu trời” vì không biết từ đâu các doanh nghiệp mà mình chưa từng nghe tên, các ngân hàng, các công ty bảo hiểm,… mời chào sử dụng dịch vụ.

Trên MXH Facebook, rất nhiều những status (trạng thái) than phiền bị quấy rầy. “Quá bực mình, ngày nào cũng bị bảo hiểm “réo” tên mà không biết làm sao. Mà chả hiểu sao chúng lại nắm rõ thông tin của mình như vậy không biết?”, tài khoản Thu H. chia sẻ.

“Đã không muốn trả lời rồi mà vẫn gắng hỏi, cho mày nói chuyện 1 mình luôn”, tài khoản Thanh H. hài hước.

Ảnh
Một nạn nhân bức xúc vì sự "quấy rối" của ngân hàng. Ảnh: Facebook.

Thậm chí, có những người rất bức xúc đã vào thẳng Fanpage của một ngân hàng để nói rõ: “Yêu cầu … xóa ngay số điện thoại của tôi trong danh sách khách hàng và điện thoại mời mọc quảng cáo của các bạn…. Nếu ngân hàng không biết cách quản lí phản hồi của khách hàng thì tôi sẽ nhờ lực lực chức năng và phản ánh lên các phương tiện truyền thông công chúng...” nickname B.Dieu tức giận.

Không chỉ trên MXH, ngay cả thực tế đời sống, các cuộc gọi vẫn liên tục diễn ra, thậm chí là vào ban đêm.

“Đang có cuộc họp quan trọng thì nhận được điện thoại, ngừng lại để nghe thì mới biết là nhân viên một hãng tư vấn mua bảo hiểm. Bực hết cả mình!”, anh H.Long – nhân viên văn phòng - bức xúc.

“Sáng gọi, chiều gọi, ngày mai lại gọi để hỏi "chị có thay đổi quyết định không?" mà thật sự thì mình chả ấn tượng gì về dịch vụ của cái ngân hàng này!” chị Mai.L chia sẻ.

Theo anh H.Phong, hiện có ngân hàng, công ty bảo hiểm ngay khi nhận được phản ứng của khách hàng đã xin lỗi ngay lập tức. Tuy nhiên số này là không nhiều bởi hầu hết, họ đều muốn “nán “ lại đôi chút để giới thiệu dịch vụ của họ. Và đôi khi cũng nên “thông cảm” cho họ bởi những áp lực về doanh số, áp lực sa thải,… đã khiến họ phải “quấy rối” khách hàng của mình.

Ảnh
Một tin nhắn quấy rối người dùng. Ảnh: Người Lao Động.

Bên cạnh những cuộc gọi, tin nhắn hay “bom thư” cũng là “chiêu” được thực hiện triệt để để các công ty bảo hiểm, ngân hàng tiếp cận khách hàng của mình.

“Mỗi ngày tôi nhận được rất nhiều những lời mời sử dụng dịch vụ dù tôi chỉ cho số điện thoại của mình với một số người thân. Không hiểu sao những người này lại biết số của tôi nữa?”, chị H.Oanh – nội trợ - chia sẻ.

“Tôi đang sử dụng một smartphone có cài sẵn một số ứng dụng nhắn tin miễn phí. Tuy nhiên, việc bị gửi tin nhắn quá nhiều cả SMS lẫn trên ứng dụng này buộc tôi phải xóa nó và chặn các số làm phiền”, anh P.Nam – nhân viên văn phòng – bộc bạch.

“Tôi thường xuyên dùng email nhưng gần đây, cũng có rất nhiều spam gửi về, mà lại là thư từ các dịch vụ trong nước, điều này khiến tôi rất bực mình”, anh P.Nam nói thêm.

Luật Giao dịch điện tử (khoản 2 Điều 46) quy định quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ; việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; thư từ, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn, bí mật và việc kiểm soát các loại này được thực hiện khi pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bộ luật Hình sự (Điều 125) có quy định: Người nào có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lí kỉ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì tùy trường hợp sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm, phạt tù đến hai năm.

Khoản 1, Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây: xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10 -100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.Nếu phạm tội có tổ chức; Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet; Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên; thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Trong Điều 226a quy định tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Thu lợi bất chính lớn; Gây hậu quả nghiêm trọng; Tái phạm nguy hiểm bị phạt tù từ 3 - 7 năm.

Điều 226b. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.Đối tượng phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 - 500 triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng bị phạt tù từ 7 - 15 năm. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc chung thân.

Điều 7 Nghị định 90/2008/NĐ-CP quy định (trích):

  • Tổ chức, cá nhân ngoại trừ nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo (là tổ chức cung cấp dịch vụ gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo đến người nhận, theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Nghị định 90/2008/NĐ-CP) chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo khi có sự đồng ý trước đó của người nhận.
  • Nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo cho đến khi người nhận từ chối việc tiếp tục nhận thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo.
  • Trong vòng 24 giờ, kể từ khi nhận được yêu cầu từ chối, người quảng cáo hoặc nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải chấm dứt việc gửi đến người nhận các thư điện tử quảng cáo hay tin nhắn quảng cáo đã bị người nhận từ chối trước đó trừ trường hợp bất khả kháng.



Bình luận

  • TTCN (0)