Chuyến bay thẳng bắt đầu cất cánh từ sân bay quốc tế Nội Bài

Thử nghiệm trong điều kiện tối ưu

Chuyến bay thử nghiệm được thực hiện trên đường bay thẳng qua không phận Lào và Campuchia với phương thức cất - hạ cánh tối ưu và mực bay tối ưu. Chuyến bay bắt đầu từ đài dẫn đường Nội Bài - bay thẳng - đài dẫn đường Tân Sơn Nhất và ngược lại, thực hiện phương thức bay hiện hành là điểm khởi hành - điểm đến - điểm tiếp cận.

Tổ lái thực hiện bay thử nghiệm là 2 phi công kì cựu đã và đang làm cơ trưởng trên các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia, gồm ông Đinh Đức Tuấn - Phó Chánh Thanh tra bay của Cục Hàng không Việt Nam và ông Lê Trần Vân Tùng - giảng viên đào tạo phi công tại Trung tâm Huấn luyện bay Vietnam Airlines.

Cả hai chuyến bay đều trên hành trình giống nhau là từ sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) đi Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Trong đó, một chuyến bay bay thẳng qua không phận của Lào, Campuchia và một chuyến bay trên đường bay hiện tại đang khai thác. Việc tổ chức chuyến bay kiểm chứng đường bay mới và chuyến bay bình thường này thực hiện theo chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam. Và từ hai chuyến bay này, các dữ liệu sẽ được đánh giá cụ thể để so sánh giữa hai đường bay.

Ảnh
Tham gia thử nghiệm “đường bay vàng” với máy bay Airbus 321
Ảnh
Thông tin kĩ thuật về đường bay thẳng hiển thị trong hệ thống SIM.

Với đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM qua không phận Lào và Campuchia, trên chiếc máy bay Airbus 321 có tải trọng 10 tấn, tương đương đang chuyên chở 150 hành khách, tổ lái thực hiện bay trong mọi điều kiện tốt nhất, theo phương thức cất-hạ cánh tối ưu và mực bay tối ưu nhất (FL350), cự li từ Hà Nội đến TP.HCM là 1.191 km. Trên đường bay này, hành khách chỉ có thể nhìn thấy biển trong phút chốc khi máy bay bay qua địa phận tỉnh Thanh Hóa.

Chiếc Airbus 321 bay với vận tốc 570 km/h ở độ cao tối ưu 10.600 m. Sau 37 phút cất cánh từ sân bay quốc tế Nội Bài, máy bay đi vào không phận Lào và đi vào không phận Campuchia khi bay được 1 tiếng 2 phút, duy trì ở mực bay FL350. Tổ lái bắt đầu cho máy bay hạ độ cao khi bay được 1 tiếng 17 phút và đến 1 tiếng 23 phút thì máy bay đi vào vùng tiếp cận TP Hồ Chí Minh. Sau 1 tiếng 43 phút bay, máy bay đáp xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, kết thúc hành trình bay thẳng từ Hà Nội tới TP.HCM qua không phận Lào và Campuchia. Lượng nhiên liệu khai thác chuyến bay là 4.140 kg.

Ảnh
Phi công ghi nhận chuyến bay thẳng từ Hà Nội đến TP.HCM qua không phận Lào và Campuchia mất 1 giờ 43 phút, rút ngắn được 5 phút bay.

Ở chặng bay SIM tương tự, Airbus 321 cất cánh từ Nội Bài đi Tân Sơn Nhất trên đường bay hiện tại, với cự li 1.276 km, dài hơn đường bay thẳng 85 km. Hành trình Hà Nội - TP.HCM kết thúc sau 1 tiếng 48 phút bay. Nhiên liệu tiêu hao 4.330 kg.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, kết quả trên được thực hiện trong các điều kiện lí tưởng nhất. Trên thực tế để có được mực bay, phương thức bay tối ưu như bay kiểm chứng thì phải trao đổi, thỏa thuận nhiều vấn đề với các cơ quan liên quan của cả ba nước.

Ông Thanh cũng cho hay vừa qua phái đoàn của Bộ Giao thông Vận tải qua Campuchia cũng có đàm phán về mức phí quá cảnh, phía Việt Nam đề nghị giảm còn 50% mức giá mà Lào và Campuchia công bố. Hiện, hai nước vẫn đang xem xét đề nghị này của Việt Nam.

Kết quả không như kì vọng

“Trên đường bay mới, do độ cong lớn nên phương thức tiếp cận phức tạp hơn, máy bay phải giảm tốc độ sớm hơn so với đường bay hiện tại. Chính vì giảm tốc độ sớm nên mặc dù khoảng cách ngắn hơn nhưng không hẳn là thời gian bay ít hơn. Thời gian bay rút ngắn chỉ dự được 5 phút thì không như kì vọng” - thành viên tổ lái cho biết.

Ông Mai Trọng Tuấn cho rằng việc Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng xin phép Thủ tướng Chính phủ cho bay thử cho thấy quyết tâm rút ngắn đường bay để giảm thời gian, chi phí khai thác cho các hãng hàng không và hành khách. Cựu phi công này cũng nhận xét nếu bay thực nghiệm cho thấy đường bay ngắn hơn, tiết kiệm thời gian bay và nhiên liệu nhưng tiền phí quá cảnh nhiều hơn thì cần giải quyết ở cấp độ nhà nước để có thể giảm chi phí. Trường hợp số tiền tiết kiệm nhiên liệu bằng với chi phí quá cảnh (hòa vốn) cũng là tốt. Vì ngoài nhiên liệu, hao mòn máy móc thì còn tiết kiệm được thời gian, sức khỏe cho hành khách.

Trước đó, khi được đề nghị tham gia bay thử nghiệm đường bay thẳng ngày 4/9, ông Mai Trọng Tuấn đã từ chối tham gia với lý do “tin tưởng vào sự chính xác của bay SIM”. Theo tính toán trước đó, vị cựu phi công này cho rằng bay kéo thẳng kinh tuyến 1060 Đông từ Hà Nội đi TP HCM có thể rút ngắn được quãng đường 110 km, cứ bay 9 chuyến sẽ lãi ra 1 chuyến, nếu xuất phát từ sân bay Gia Lâm.

Sau khi có kết quả bay thử nghiệm, Cục HKVN chưa tính toán chi tiết số tiền tiết kiệm được do rút ngắn 5 phút bay là bao nhiêu. Song, theo cách tính của một chuyên gia trong ngành, với giá tạm tính nhiên liệu bay Jet A1 là 1.000 USD/tấn (giá nhiên liệu không cố định) thì số tiền tiết kiệm được chỉ khoảng 190 USD. Trong khi đó, chi phí quá cảnh qua Lào và Campuchia hiện nay là 637 USD/chuyến bay A321. Như vậy, “đường bay vàng” không mang lại hiệu quả kinh tế.

Trước đó, Vietnam Airlines đã hoàn tất bay thử nghiệm đường bay thẳng Hà Nội - TP.HCM đối với máy bay Boeing 777, hoạt động bay thử này được thực hiện tại Singapore vào hôm 30/8 và ghi nhận thời gian bay giảm được 5 phút so với đường bay hiện tại. VietJet Air cũng đã kết thúc bay thử nghiệm đối với máy bay Airbus 320 từ tối 2/9 tại Thái Lan, tuy nhiên hãng này chưa công bố các thông tin cụ thể.

Được biết, Vietnam Airlines và VietJet Air đang tiến hành phân tích, đánh giá về chi phí, lợi ích của đường bay thẳng và so sánh với đường bay đang khai thác; tổng hợp, báo cáo kết quả về Cục Hàng không Việt Nam trong ngày 4/9.

Theo Dân Trí, Tuổi Trẻ, Người Lao Động.



Bình luận

  • TTCN (0)