Ngày 9/12, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 47 quy định về quản lí website thương mại điện tử có hiệu lực từ ngày 20/1/2015.
Trong đó, Thông tư có nội dung quy định người kinh doanh trên các mạng xã hội phải thực hiện các trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật đồng thời phải tuân thủ những quy định tại Điều 37 Nghị định số 52. Ví dụ như: cung cấp đầy đủ tên, địa chỉ, giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh... và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Với quy định này, nhiều người bán hàng trên Facebook lo lắng vì sẽ phải đăng kí, kê khai, nộp thuế và dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều về tính khả thi của Thông tư 47.
Trao đổi về vấn đề này trên website chính thức của Bộ Công thương, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin khẳng định, những người bán hàng nhỏ lẻ trên mạng xã hội sẽ không phải đăng kí với Bộ Công Thương.
Đối với quy định tại Thông tư 47, các mạng xã hội có một trong những hình thức hoạt động như:
1. Cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ.
2. Cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ.
3. Có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ... thì mới phải đăng kí với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử.
Theo nguyên tắc luật Quản lí thuế, đã kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Đó là quyền và nghĩa vụ của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, Thông tư số 47 không quy định về việc nộp thuế của người bán hàng trên mạng xã hội.
Nghị định số 52 quy định, người bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử thì người bán hàng trên đó cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. Việc kê khai thuế, cách thức thu thuế, mức thuế, loại thuế… được áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành về thuế và quản lí thuế.
Còn đối tượng áp dụng của Nghị định số 52 và Thông tư số 47 là các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm thương nhân, tổ chức cá nhân Việt Nam; cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam; thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam.
Nếu chủ mạng xã hội nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam thông qua văn phòng đại diện hoặc có tên miền “.vn” thì thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 52.
Như vậy, những cá nhân bán hàng nhỏ lẻ trên Facebook sẽ không phải kê khai, nộp thuế mà chỉ những tổ chức, cá nhân hoạt động bán hàng trên mạng xã hội dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử mới phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2013 cho thấy, khoảng 73% người sử dụng Internet tại Việt Nam có truy cập vào các diễn đàn, mạng xã hội. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 45% người sử dụng Internet có tham gia mua sắm qua các mạng xã hội. Con số này dự báo có xu hướng tăng trong thời gian tới. Nắm bắt được trào lưu trên, ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng thông qua mạng xã hội nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả tiếp cận khách hàng mục tiêu.
Về mặt bản chất và phương thức tổ chức, hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội cũng giống với hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Do vậy, Thông tư số 47 làm rõ hơn quy định của Nghị định số 52, yêu cầu các mạng xã hội có hoạt động theo hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử (như liệt kê tại khoản 2 Điều 35 Nghị định số 52) phải tiến hành đăng kí với Bộ Công Thương và tuân thủ các quy định liên quan tới sàn giao dịch thương mại điện tử tại Nghị định này.
Theo Một Thế Giới.
Bình luận