Smartphone Trung Quốc vướng nhiều điều tra, chỉ trích về an ninh và bảo mật tại Mỹ.

Người ta ngày càng phải nhìn nhận thành công của làng công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là mảng smartphone, xét cả về doanh thu, thị phần lẫn mức độ phát triển công nghệ.

Trong khi các ông lớn tỏ ra loay hoay, mọi con số thống kê đều cho thấy sự phát triển vượt bậc của những kẻ mới nổi từ phương Đông.

Forbes trong tháng 11/2016 dẫn số liệu từ Counterpoint Technology Market Research, cho thấy Oppo tăng 22,9% thị phần, doanh số tăng 337% so với cùng kì 2015.

Số liệu từ Garnet công bố vào tháng 7/2016, Huawei rút ngắn khoảng cách với Apple, họ chỉ còn thua ông lớn trên 3% thị phần, đồng thời vượt mặtSamsung trở thành tên tuổi Android mang lợi nhuận cao nhất trong quý III/2016.

Còn nhiều e dè ở phương Tây

Các tên tuổi đang làm tốt ở những nhóm khách hàng mới, nhưng dường như chưa đủ để dẹp tan những e dè với mác thương hiệu Trung Quốc.

Sự e dè không đến từ ngẫu nhiên hay định kiến, nó đến từ chính những ngày đầu các thương hiệu này tiến đánh các thị trường nước ngoài.

Trước thời smartphone nở rộ, Trung Quốc vẫn là thị trường khá bí ẩn, họ có hệ sinh thái riêng, những sản phẩm riêng theo dạng "tự cung tự cấp", nhằm đảm bảo tự vận hành trong nước.

Khi tiến ra nước ngoài, quá trình cởi bỏ lớp mây mù ấy tạo ra nhiều dấu ấn khó khăn, nhất là ở các thị trường yêu cầu nghiêm ngặt.

Lấy Huawei làm ví dụ, năm 2012, thương hiệu này gần như không nằm trong từ điển của người dùng Mỹ. Có chăng, nó được nhớ đến vì những nghi hoặc xung quanh việc lưu trữ dữ liệu người dùng về cho chính phủ và do thám các nhà mạng Mỹ. Giữa 2012, Quốc hội Mỹ cân nhắc cấm tất cả thiết bị truyền dữ liệu của tên tuổi này để tránh nguy cơ an ninh.

Huawei không phải cái tên Trung Quốc duy nhất vướng mắc điều này, ZTE, Xiaomi cũng vướng không ít scandal về bảo mật, thậm chí, ZTE phải thay máu gần như toàn bộ ban lãnh đạo sau scandal xuất khẩu sang Iran vào tháng 4/2016.

Trong lúc các thương hiệu nỗ lực nâng cấp chất lượng thiết bị, vấn đề bảo mật gần như vẫn mãi lởn vởn quanh họ. Tháng 9/2015, Epoch Times tung ra một danh sách dài những thiết bị Trung Quốc bị phát hiện các ứng dụng theo dõi người dùng bị cài sẵn trên smartphone Trung Quốc.

"Rất nhiều smartphone có phần mềm này", Epoch Times dẫn lời Andy Hayter, chuyên gia bảo mật từ G DATA - đơn vị phát hiện các phần mềm trên.

Theo đó, vào tháng 7/2014, phần mềm được phát hiện trên Xiaomi Redmi Note, tháng 3/2015, đến lượt Xiaomi Mi 4 LTE "dính chàm".

Cuối năm 2016, scandal bảo mật lớn nhất bị phanh phui. The New York Times cho biết một phần mềm "cửa hậu" được phát triển bởi AdUps Technology, một công ty từ Thượng Hải đã được cài đặt và tự nâng cấp trên hơn 700 triệu thiết bị.

Ảnh
700 triệu smartphone Trung Quốc bị cài phần mềm thu thập dữ liệu, chủ yếu là các smartphone tầm trung.

Các thiết bị này đến từ nhiều nhà sản xuất lớn, như ZTE hay Huawei, những thương hiệu đang bán ra trên 150 nước và khu vực. Phần mềm này sẽ tự động thu thập SMS, danh bạ, cuộc gọi, dữ liệu vị trí mỗi 72 giờ, thậm chí, nó có thể được cài đặt và nâng cấp từ xa.

Chúng thể hiện tiêu chuẩn an ninh còn khá thấp tại Trung Quốc, và ảnh hưởng đến mọi loại hàng: Chính hãng, mua trên Amazon hay hàng qua sử dụng.

Hiện tại, nguồn gốc của các phần mềm này vẫn chưa được công bố. Các hãng cũng ít khi phát ngôn về vấn đề trên.

Gặp khó khăn tại Mỹ, các thương hiệu Trung Quốc chuyển hướng về châu Âu và gặt hái nhiều thành công nhất định. Thống kê từ Forbes, 65% doanh thu của Huawei đến từ bên ngoài Trung Quốc, khi doanh số của họ tăng mạnh ở Đức, Italy, Tây Ban Nha...

Sự thành công đó trước hết từ việc nâng cấp chất lượng sản phẩm, nhưng có phần không nhỏ của các chiến dịch quảng cáo dày đặc ở khắp các nước.

Chiến lược này dù tạo ra chiến thắng ngắn hạn, nhưng cũng khiến họ phải đánh đổi. Con số từ Fortune cho thấy, Huawei phải tăng 116% số cửa hàng, đạt 35.000 cửa hàng tại châu Âu vào tháng 5. Biên độ lợi nhuận của họ vì thế cũng giảm còn 12%, thấp hơn 5% so với 2015.

"Đó là màn dẫn đầu không an toàn", Fortune nhận định.

Trong lúc đó, ở những thị trường mới nổi, vấn đề bảo mật ít được quan tâm hơn. Các tên tuổi Trung Quốc đang bành trướng khá mạnh.

Bành trướng về phương Đông

Không chỉ nắm giữ gần 80% thị trường trong nước, các nhãn hàng Trung Quốc đang tiến đánh ngày càng mạnh sang các thị trường mới, đặc biệt là khu vực đang phát triển.

Họ nhanh chóng chiếm lấy 40% thị trường Ấn Độ, Xiaomi chiếm 10,7%, Lenovo vượt lên vị trí thứ 2 chỉ sau Samsung. Oppo dự kiến đầu tư hơn 215 triệu USD để xây dựng trung tâm công nghiệp tại Ấn Độ, theo The Hindu.

Ngay tại Việt Nam, người ta ngày càng quen với điện thoại Trung Quốc, những thiết bị giá ngày càng rẻ, nhưng vẫn đầy đủ thiết kế đẹp, cấu hình cao, thậm chí mang những tính năng chưa phổ cập trên điện thoại cao cấp như camera kép, selfie đẹp.

Ảnh
Các thương hiệu Trung Quốc ngày càng quen thuộc hơn tại Việt Nam, và họ thể hiện sự nghiêm túc nhất định khi thâm nhập thị trường.

So với vài năm trước, những cái tên Huawei, Oppo, Vivo... ngày càng phổ biến, xuất hiện dày đặc không chỉ ở cửa hàng, mà còn trên truyền hình, phương tiện truyền thông, gắn liền với các đại sứ người Việt.

Theo thống kê từ GfK, tháng 6/2016, Oppo chiếm 22% thị phần smartphone Việt Nam. Huawei, Vivo đều đặt mục tiêu từ 5-10% thị phần. Một vài ước tính cho thấy, các thương hiệu Trung Quốc đang chiếm khoảng 30% thị phần trong nước, và tương lai con số này có thể lên đến 45%.

Họ chú ý thu hút đến nhóm người trẻ, nhạy cảm với công nghệ mới. Nhóm này chủ yếu tập trung đến công nghệ, thiết kế, giá bán, camera... Ngược lại, chuyện bảo mật dữ liệu, thông tin lại ít khi được quan tâm.

Hiển nhiên, người dùng vẫn có quyền lựa chọn sản phẩm phù hợp với túi tiền và nhu cầu hiện tại. Và điều đó đang được các nhà sản xuất Trung Quốc đáp ứng tốt.

Tuy nhiên, khi thị trường phát triển mạnh mẽ hơn, người dùng "thông minh" và "nhạy cảm" hơn với dữ liệu của mình, các thương hiệu Trung Quốc sẽ cần giải quyết bài toán mới.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)