Vào năm 2011, nhà đầu tư mạo hiểm ở thung lũng Silicon, Marc Andreessen, cho rằng “phần mềm đang thống trị thế giới” bằng cách dẫn chứng về sự bùng nổ của hệ sinh thái ứng dụng. Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ thời điểm đó, và giờ đây có thể nói chính xác hơn rằng “AI là cơ sở để thúc đẩy phần mềm thống trị thế giới”. Điều này được chứng minh tại MWC 2017 vừa diễn ra ở Barcelona, Tây Ban Nha.
Tại MWC 2017, Motorola đã hợp tác với Amazon (có thể cả Harman Kardon) để phát triển hệ sinh thái Moto Mod sử dụng trợ lí ảo Alexa. Có thể xem đó là một chiến thắng dành cho Motorola.
Thậm chí, Giám đốc sản phẩm Motorola Dan Dery mô tả rằng mục đích cuối cùng của công ty đó là tích hợp Alexa chặt chẽ hơn với các dữ liệu cá nhân để nâng cao sức mạnh trên smartphone của hãng. Ví dụ, người dùng có thể yêu cầu AI đặt bàn tiệc tại một nhà hàng dựa vào email đã gửi trước đó một ngày. Với việc thiết lập Alexa trở thành một phần cốt lõi của nhiều điện thoại Moto tương lai, Dery và nhóm của ông hi vọng AI sẽ kết hợp với các thông tin để chúng thực sự hữu ích.
Trợ lí ảo cũng là trọng tâm mà nhiều công ty công nghệ hiện nay đang hướng đến. Huawei cam kết tích hợp Alexa vào Mate 9 hồi đầu năm. Nhà sản xuất ứng dụng nhắn tin phổ biến Line là Line Inc đang phát triển trợ lí ảo Clova cho smartphone và loa kết nối.
LG không phát triển trợ lí ảo riêng, nhưng công ty hợp tác chặt chẽ với Google bằng việc biến flagship G6 của mình trở thành smartphone đầu tiên không phải Pixel được tích hợp trợ lí ảo Assistant mạnh mẽ của Google. Những tiện ích mà Assistant mang lại là không thể phủ nhận khi nó tích hợp để làm việc một cách gần như liền mạch trên G6 giống như những gì mà điện thoại Pixel đạt được.
Ngay sau sự hợp tác với LG, Google cũng công bố triển khai Assistant đến nhiều smartphone chạy Android Nougat trở về sau, điều này có nghĩa những smartphone mới như Sony Xperia XZ Premium cũng có khả năng xuất xưởng cùng với Assistant, và các fan Android chắc chắn là người hưởng lợi vì điều đó.
Dĩ nhiên không phải tất cả smartphone Android đều dựa vào Assistant khi mà nhiều hãng công nghệ cũng có riêng cho mình một công cụ AI mà họ hoàn toàn có thể tự hào về nó. HTC khoe sức mạnh trợ lí ảo Companion “càng dùng càng thông minh” trên U Ultra. Trong khi đó, gần như chắc chắn Galaxy S8 của Samsung sẽ đi kèm với trợ lí ảo Bixby khi sản phẩm được công bố chính thức tại New York vào cuối tháng này.
Mọi người có thể nghĩ AI chỉ đơn thuần là các thực thể phần mềm có thể tương tác với mọi người một cách thông minh, nhưng đằng sau đó lại là những thuật toán đến từ máy học. Tuy không thể hiện rõ nhưng các công ty đang trông cậy vào các thuật toán để AI có thể nắm bắt các dữ liệu của con người nhằm cải thiện chức năng làm việc sao cho hiệu quả nhất.
Ví dụ, Huawei P10 sử dụng thuật toán nắm bắt những thứ bạn muốn và phân bổ tài nguyên phù hợp để cải thiện hiệu suất theo thời gian. Với giao diện người dùng EMUI 5.1, P10 được cho là tốt hơn trong việc quản lí nguồn tài nguyên nội bộ như bộ nhớ khi khởi động điện thoại và trong quá trình sử dụng - tất cả dựa vào thói quen người dùng. Mục tiêu cuối cùng là làm điện thoại nhanh hơn theo thời gian, mặc dù nó cần thời gian để hoàn thiện điều này.
Ngay cả Netflix cũng có mặt tại MWC để nói về máy học, bởi công ty hiểu máy học sẽ giúp cải thiện trải nghiệm xem video di động, đảm bảo tính bền vững trong tương lai. Netflix hứa hẹn dịch vụ của hãng trong những tháng tới sẽ cải thiện chất lượng video ngay cả khi sử dụng băng thông mạng ít hơn.
Ở lĩnh vực xe hơi, Roborace cũng trình diễn chiếc xe đua tự hành Robocar. Sức mạnh bên trong chiếc xe đua này chính là siêu máy tính Nvidia Drive PX 2, với khả năng xử lí 24 ngàn tỉ phép tính/giây, với các dữ liệu lấy từ cụm radar, cảm biến LIDAR, cảm biến siêu âm, cảm biến tốc độ quang học, camera AI và hệ thống định vị GNSS…
Có thể xem AI là cốt lõi cho sự phát triển smartphone, phương tiện truyền thông và xe hơi. Giờ đây, các công ty đang sử dụng AI để tận dụng tốt hơn các dữ liệu mà người dùng cung cấp cho họ, mang đến trải nghiệm người dùng hoàn thiện hơn.
Theo Thanh Niên.
Bình luận