Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber... buộc phải có giấy phép hoạt động mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

ột số cho rằng, nếu quy định này trong Dự thảo Luật An ninh mạng được thông qua và trong trường hợp các doanh nghiệp lớn như Google, Facebook không tuân thủ thì Dự thảo Luật có nguy cơ trở thành rào cản với nền kinh tế kĩ thuật số tại Việt Nam; có thể tăng khó khăn và tăng chi phí hoạt động kinh doanh tại Việt Nam...

“Nhập gia phải tùy tục”, an ninh quốc gia, quyền lợi của công dân ở bất cứ đâu, ở bất cứ quốc gia nào cũng luôn là quyền lợi cao nhất. Vì thế, những quy định này là phù hợp với yêu cầu quản lí nhà nước trên lĩnh vực này, không làm ảnh hưởng tới việc lưu thông thông tin và dữ liệu giữa các nền kinh tế...

Xuất phát từ thực tế tình hình an ninh mạng nước ta hiện nay và yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, hiện nay các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet nước ngoài chưa thiện chí hợp tác với cơ quan chức năng Việt Nam trong công tác phối hợp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet qua biên giới tiến hành kinh doanh và thu lợi nhuận khủng từ người sử dụng dịch vụ mạng nước ta nhưng không hề đóng thuế, tạo sự bất bình đẳng trong kinh doanh đối với các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, Ban Soạn thảo Dự án Luật đã quy định nội dung như trên trong dự thảo Luật An ninh mạng.

Kiểm soát thông tin mạng trên không gian

Khoản 5, Điều 39 Dự thảo Luật An ninh mạng yêu cầu: “Các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật; tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam; có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lí dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam; bảo mật thông tin cho người dùng và thông tin tài khoản của người dùng; xử lí nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật”.

Theo quy định này, tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber... buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lí dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Liên quan đến những yêu cầu trên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã nêu ý kiến với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, một số quy định trong Dự thảo Luật An ninh mạng chưa phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.

Cơ quan này cho rằng việc yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lí dữ liệu tại Việt Nam là chưa hợp lí.

Điều kiện này, theo VCCI hiện trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Riêng với quy định “phải đặt máy chủ ở Việt Nam mới được kinh doanh”, ông Nguyễn Minh Đức – Ban Pháp chế VCCI cho rằng, nếu quy định này được áp dụng thì các nhà cung cấp dịch vụ như Google, Facebook, Yahoo hay Viber… đều sẽ phải đầu tư hệ thống máy chủ khổng lồ tại Việt Nam.

Và một số nhà cung cấp dịch vụ họ cho rằng, thà bỏ thị trường Việt Nam chứ không chấp nhận đặt máy chủ tại Việt Nam. Lúc đó sẽ không còn Gmail, Facebook hay Youtube… nữa. Tại văn bản góp ý dự luật này, VCCI cũng dẫn chiếu quy định về Thương mại điện tử tại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được Việt Nam kí kết hồi tháng 2-2016, trong đó nêu “không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình để xem đó như là điều kiện để triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó…”.

Việc VCCI đưa ra yêu cầu trên nhằm xem xét, làm rõ hơn những nội dung tại Khoản 5, Điều 39 Dự thảo Luật An ninh mạng. Phân tích trên các góc độ thì quy định này là hoàn toàn cần thiết.

Thực tế, trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn để quản lí các thông tin, hoạt động trên không gian mạng có thể gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Cụ thể: đối với kiểm soát thông tin trên không gian mạng, Trung Quốc đã xây dựng hệ thống pháp luật nhằm ngăn chặn triệt để thông tin sai sự thật, bôi nhọ, vu khống trên không gian mạng của các quốc gia trên thế giới, không thừa nhận nhân quyền cao hơn chủ quyền, tạo điều kiện để mạng Internet phát triển nhưng phải kèm theo điều kiện căn bản là bảo vệ an ninh của đất nước.

Chính phủ Trung Quốc đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới, yêu cầu chấp nhận các điều khoản, quy định của Trung Quốc về thông tin trên không gian mạng. Một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới như Google, Facebook đã bị cấm hoạt động trên thị trường Trung Quốc, không có phiên bản tiếng Trung.

Theo quy định tại Luật Kinh doanh viễn thông Hàn Quốc, Ủy ban Quản lí phát thanh truyền hình, Ủy ban Đánh giá truyền thông và Ủy ban An toàn Internet là 3 cơ quan chức năng tại Hàn Quốc chịu trách nhiệm giám sát và kiểm duyệt Internet. Hiện nay, Hàn Quốc đang thực hiện chính sách kiểm duyệt, ngăn chặn các truy cập nội dung tuyên truyền lật đổ, nội dung độc hại đối với trẻ em, nói xấu, phỉ báng, bạo lực, khiêu dâm.

Đức cũng đã xây dựng dự thảo Luật Nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên mạng xã hội (NetzDG, năm 2017), đưa ra các quy định bắt buộc đối với mạng xã hội xử lí nhanh chóng và toàn diện hành vi đăng tải thông tin công kích, phỉ báng, bôi nhọ trên không gian mạng; báo cáo cơ quan chức năng hằng quý về xử lí khiếu nại liên quan hoạt động trên; yêu cầu các mạng xã hội phải gỡ bỏ các nội dung trên trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại từ người dùng; gỡ bỏ ngay lập tức nội dung bất hợp pháp hoặc ngăn chặn truy cập nội dung này khi được thông báo.

Các hành vi như không tuân thủ quy định về việc gỡ bỏ, ngăn chặn thông tin có nội dung công kích, phỉ báng, bôi nhọ trên không gian mạng hoặc vi phạm trách nhiệm quản lí có thể bị xử lí hành chính từ 5 triệu euro đến 50 triệu euro tùy theo mức độ vi phạm.

Bộ Tư pháp Đức và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Liên bang đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng và đại diện xã hội dân sự. Theo số liệu kiểm tra của website jugendschutz.net về việc gỡ bỏ thông tin trên mạng xã hội trong tháng 1-2017 và 2-2017 cho thấy các khiếu nại từ người dùng thông thường về nội dung tội phạm vẫn không được xử lí ngay lập tức và thỏa đáng nhưng Youtube đã xóa 90% các trường hợp, Facebook là 39% và Twitter là 1% các nội dung thông tin vi phạm.

Hiện Thái Lan cũng yêu cầu các tập đoàn truyền thông Mỹ phải gỡ bỏ các trang mạng có nội dung trái pháp luật Thái Lan, công kích Hoàng gia Thái Lan, nếu không, các chi nhánh và đối tác của họ tại Thái Lan sẽ bị truy tố. Ủy ban Viễn thông và phát sóng quốc gia Thái Lan (NBTC) đã có buổi làm việc với các đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet Thái Lan và cơ quan chức năng của lực lượng Cảnh sát, Lục quân Hoàng gia Thái Lan.

các hoạt động của Thái Lan, Facebook đã thông báo sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Thái Lan trong việc hạn chế tiếp cận thông tin vi phạm pháp luật nước sở tại, đặc biệt là Luật chống phỉ báng Hoàng gia Thái Lan, gỡ bỏ 178/309 trang mạng được cho là có nội dung phi pháp. Ngày 10-6-2017, Tòa án quân sự Bangkok đã phạt một người đàn ông 35 năm tù giam sau khi đăng tải thông tin xúc phạm Hoàng gia Thái Lan trên Facebook.

Năm 2017, Nga đã ban hành Chiến lược xã hội thông tin, quy định Chính phủ Nga được phép ngăn chặn thay đổi, làm sai lệch, chặn, xoá, gỡ thông tin khỏi các kênh liên lạc cũng như các thao tác khác trên cơ sở hạ tầng thông tin Liên bang Nga.

Tuân thủ quy định của pháp luật nước sở tại

Cuối tháng 7, đầu tháng 8-2017, Apple đã gỡ tất cả các ứng dụng VPN ra khỏi kho ứng dụng tại Trung Quốc vì những ứng dụng VPN này đều trái với pháp luật Trung Quốc. Đại diện hãng Apple cũng đã đặt máy chủ tại Trung Quốc, chuyển toàn bộ dữ liệu người dùng Trung Quốc về máy chủ này.

Thỏa thuận Bảo vệ dữ liệu giữa châu Âu và Mỹ (The US-EU safe harbour agreement), các cơ quan quản lí nhà nước của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (như Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan và Bỉ…) đang yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới như Facebook phải xây dựng các trung tâm dữ liệu ở từng quốc gia, thậm chí là không được lưu trữ thông tin của công dân châu Âu trên máy chủ đặt tại Mỹ.

Vì thế, các quy định trong dự thảo Luật An ninh mạng về ngăn chặn thông tin chống Nhà nước, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới đặt văn phòng đại diện và máy chủ là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đồng thời thể hiện trách nhiệm chung của doanh nghiệp, không chỉ nhằm tới mục tiêu tạo ra lợi ích mà còn phối hợp với cơ quan quản lí nhà nước của quốc gia sở tại bảo vệ an ninh mạng.

Theo CAND.




Bình luận

  • TTCN (0)