Một kế hoạch kinh doanh chuyên nghiệp và hợp lý là điều mà các công ty luôn hướng tới Ảnh nguồn: i215.photobucket.com

Hướng tới lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích của xã hội và cộng đồng, đó chính là phương pháp thiết thực để xây dựng một luận điểm mang tính cách mạng về triết lý kinh doanh mới

Nếu có một ngày GM và Ford cùng góp vốn cải thiện hệ thống giao thông công cộng rồi cho các thành phố, các bang ở nước Mỹ và các nước khác sử dụng miễn phí…

Nếu có một ngày các hãng dược phẩm trực tiếp đầu tư cải tạo hệ thống bệnh viện và phòng khám thay vì chỉ chăm chăm xây dựng mối thân tình với các bác sỹ hay ném tiền vào các chiến dịch marketing…

Nếu có một ngày Wal-Mart dành ngân sách xây quảng trường và công viên thay vì chỉ dùng tiền xây dựng các kho hàng lạnh lẽo ở các vùng ngoại ô vốn đã quá ảm đạm…

Và nếu có một ngày P&G và Unilever cùng đem lại cho cộng đồng cơ hội học hành, cơ hội được tới những vùng đất mới, và cùng vun đắp cho các mối quan hệ có tính xác thực thay vì chỉ dồn sức quản lý kênh phân phối và thúc đẩy các nỗ lực bán hàng…

Tất cả những giả thiết trên đều hướng tới xây dựng một luận điểm mang tính cách mạng về triết lý kinh doanh mới; là triết lý mà mọi giá trị được tạo ra đều hướng tới phục vụ các lợi ích thiết thực, lâu bền và có ý nghĩa của con người, là triết lý mà lợi thế của người này không phải xuất phát từ yếu điểm của người khác và toàn bộ nền kinh tế sẽ không còn bị ru ngủ trong những giá trị phi hiện thực.

Phải chăng chính chúng ta mới là người phi hiện thực khi đưa ra triết lý kinh doanh trên vào thời điểm hiện tại?

Câu trả lời là không, bởi xu hướng này đã thực sư xuất hiện và làm lu mờ dần triết lý mà các nhóm lợi ích lớn và được ưu tiên vẫn duy trì lâu nay. Mặt tích cực của xu thế này không phải ở việc chỉ ra những gì mà giới kinh doanh phải làm và sẽ làm mà chính là những gì họ thưc sự đang làm được cho cộng đồng.

Vậy công ty nào là người đi tiên phong cho xu hướng này? Tại sao giới kinh doanh nói chung nên đi theo xu hướng này và liệu rằng các ông lớn kể trên có chấp thuận tuân theo xu thế thời đại hay không?

Chúng ta hãy cùng xem xét việc Google tung ra phiên bản Chrome beta trong thời gian gần đây. Được phát triển là một trình duyệt mã nguồn mở, Chrome sẽ có góp phần xác định lại lợi thế của Google với các đối thủ cạnh tranh.

Những ngày gần đây, người ta bàn tán khá nhiều về Chrome. Liệu đây có phải là trình duyệt và là một mã nguồn mở của tương lai? Điều này đúng nhưng chắc chắn sẽ không có ai độc chiếm được toàn bộ lợi ích có từ Chrome, vì với bản chất của một mã nguồn mở, Chrome cho phép mọi cá nhân đều có thể sao chép và chỉnh sửa.

Phải chăng đây một công nghệ gốc giúp việc truy cập Internet nhanh hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn? Rõ ràng là vậy, tuy nhiên bản thân công nghệ sẽ nhanh chóng được thương mại hoá.

Ảnh
Có thể tạo ra bước đột phá trong chiến lược kinh doanh bằng cách đặt lợi ích của cộng đồng và xã hội lên trên lợi ích của công ty Ảnh nguồn: farm2.static.flickr.com

Dường như Chrome còn vượt xa ý nghĩa của một công nghệ thông thường. Đằng sau những lợi ích kinh tế, Chrome chính là lời tuyên chiến của Google đối với những nhóm lợi ích lâu nay vẫn chỉ thực hiện những chiến lược kinh doanh có lợi cho riêng họ.

Chrome là nguồn lực có tính chia sẻ đảm bảo sư phát triển bền vững của hệ sinh thái rộng lớn.

Chúng ta cần chú ý đến hai điểm mấu chốt trong nhận định này đó là: có tính chia sẻ và phát triển bền vững.

Thứ nhất, Google đang đầu tư phát triển Chrome để rồi chia sẻ cho mọi người dùng. Từ một phần lợi ích rất nhỏ là Chrome, Google sẽ tạo ra lợi ích lớn phục vụ cộng đồng và đứng trên quan điểm như vậy, nỗ lực của Google đã đem lại lợi ích cho nhiều người thay vì chỉ khư khư giữ cho riêng mình.

Thứ hai, thông qua việc giới thiệu bản beta của Chrome, Google đã đảm bảo bằng vàng rằng cuộc cạnh tranh giờ đây trở nên công bằng hơn bao giờ hết; phát minh này khuyến khích sự sáng tạo, chất lượng và hiệu quả.

Với Chrome, Google đã tạo ra một sân chơi mới bình đẳng hơn. Con bài Chrome không chỉ giúp Google giành được thị phần và vượt mặt Microsoft. Hơn thế, Google đã dùng Chrome để thay đổi toàn bộ luật chơi.

Google phát triển Chrome với mục tiêu phá bỏ mọi rào cản xâm nhập thị trường trước kia và đem lại cơ hội cạnh tranh công bằng cho mọi cá nhân nhằm đưa ra những dòng quảng cáo trung thực và thiết thực hơn trong một thị trường mở tạo ra những ứng dụng ít tốn kém hơn, có thể chỉnh sửa sau đó được phân phối ra thị trường ở mức giá gần như bằng không. Đó chính là một quan điểm mang tính cách mạng và cũng là cơ hội tạo ra doanh thu.

Chrome biến những lợi thế cốt lõi của Google thành lợi thế cạnh tranh.

Chrome không chỉ là lời giải cho bài toán xây dựng những lợi thế cốt lõi mà đã tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Google - lợi thế được chia sẻ cho người khác.

Khi Chrome càng được nhiều người giải mã, chỉnh sửa, chuyển đổi thành những trình duyệt, công cụ tìm kiếm và phần mềm hỗ trợ trình duyệt tiên tiến hơn thì về phía Google, họ càng ít phải đầu tư cho các tiện ích công nghệ phục vụ người dùng.

Hãy cùng bàn về những lập luận chúng ta đã đưa ra ở trên.

Tại sao chúng ta lại đưa ra giả định về việc Ford, các công ty dược phẩm và P&G sẽ đầu tư vào những nguồn lực có tính chia sẻ?

Bởi đó chính xác là những gì Google đang làm với việc tung ra bản Chrome beta và sau đó sẽ sử dụng nền công nghệ này để tạo ra thị trường mới thay vì những thị trường đầy bất cập và lỗi thời và để tạo ra những lợi thế cạnh tranh linh hoạt, mạnh mẽ thay vì những lợi thế cốt lõi cứng nhắc và hạn hẹp. Đây chính là triết lý kinh doanh của tương lai và triết lý này chỉ thực sự được phát triển trong môi trường kinh doanh lành mạnh hơn mà thôi.

Thách thức lớn nhất và cũng là đòi hỏi của thế kỷ 21 đặt ra cho đội ngũ lãnh đạo các công ty chính là việc cân nhắc và thiết lập lại công việc kinh doanh theo một hình thái mới, mang tính cách mạng.

Những công ty của kỷ nguyên công nghiệp sẽ chẳng thể trụ vững nếu cứ khư khư giữ lấy những công cụ kinh doanh đã trở nên lạc hậu theo thời gian.

Việc cải thiện công việc kinh doanh không chỉ là câu chuyện về tinh thần trách nhiệm, lòng vị tha hay công lý mà đó chính là cơ hội mang tính chiến lược căn bản đòi hỏi giới lãnh đạo buộc phải làm.

Tất cả những đột phá mà Google đã và đang làm nhắc nhở chúng ta nên quên đi những gì từng có và vẫn đang tồn tại trong giới kinh doanh mà nên chú trọng vào những gì giới kinh doanh có thể làm và nên làm. Đó cũng chính là cách chúng ta quay lại hành trình khám phá và tìm ra những lợi thế mới.

Vậy thì chúng ta nên bắt đầu cuộc hành trình từ đâu? Sẽ chỉ có một câu trả lời duy nhất và đơn giản nhất mà thôi.

Đâu là tính cách mạng trong chiến lược của bạn?

Bạn đã đầu tư vào nguồn lực có tính chia sẻ nào và bạn nên đầu tư vào đâu để có thể mở rộng lợi ích bền vững cho mọi người mãi về sau?

Nếu câu trả lời của bạn là “không có gì”, thì bạn đang bị lỡ nhịp thời đại. Chrome đưa ra minh chứng sinh động về cách tham gia vào một cuộc cạnh tranh không cân sức.

Bạn không cần phải tiêu tốn hàng tỷ đôla đầu tư vào những nguồn lực có tính chia sẻ mới có thể tác động đến lối nghĩ của cả nền công nghiệp. Chỉ với vài triệu đôla đầu tư cho một nhóm chuyên gia, họ sẽ giúp bạn tạo ra bước đột phá.

Những gì mà Google đã làm được với việc tung ra Chrome, sớm muộn gì cũng sẽ diễn ra trên diện rộng - và điều đó lý giải tại sao những cuộc cạnh tranh không cân sức lại nguy hiểm và khó thắng đến vậy.

Theo Vietnamnet

(Bài viết của Umair Haque trên chuyên mục Discussion Leaders, tạp chí Harvard Business Online - Bích Ngọc dịch)



Bình luận

  • TTCN (0)