Chuyên gia Nicholas Foo đang thuyết trình về những tiện ích của widget.

Ngày 15 và 16/08 vừa qua, chuyên gia Nicholas Foo – Trưởng phòng Dịch vụ và Tư vấn Kỹ thuật Forum Nokia Châu Á Thái Bình Dương – đã đến Việt Nam tham gia buổi hội thảo chuyên đề về widget cùng các lập trình viên Việt Nam.

Sau phần thuyết trình, ông Nicholas Foo đã dành cho báo giới một cuộc phỏng vấn xoay quanh những tiện ích và cơ hội phát triển các ứng dụng widget tại Việt Nam.

Ông có thể chia sẻ một số ý kiến tổng quan về tình hình phát triển widget hiện nay?

Hiện nay Nokia đang làm việc với khá nhiều nhà cung cấp các giải pháp ứng dụng mạng mang lại những giải pháp và tiện ích tối ưu cho người sử dụng. Riêng về các ứng dụng widget đang phát triển khá rộng rãi trên thế giới và được hầu hết các giới như sinh viên, công chức và đa phần người dùng di động sử dụng.

Thế nào là “widget”, cụm từ đang còn rất mới mẻ?

“Widget” chính là những giải pháp ứng dụng tắt, nhỏ, nhẹ trên các thiết bị di động nhằm cung cấp cho người dùng những kết nối nhanh nhất đến các dịch vụ trực tuyến hay thông tin xã hội mà không cần phải thông qua trình duyệt web.

Ở Việt Nam hiện nay, mặc dù việc sử dụng widget chưa phổ biến cho lắm, nhưng nhìn chung tiềm năng nó là rất lớn, và Nokia Việt Nam hiện cũng đang làm việc với các đối tác như VnExpress, VietStock… để cung cấp những ứng dụng đầu tiên giúp người dùng dần tiếp cận các tiện ích đó.

Ông có thể chia sẻ những chiến lược cơ bản trong việc phát triển các ứng dụng widget tại Việt Nam?

Dĩ nhiên chúng tôi sẽ tập trung liên kết với các công ty, các nhà phát triển di động tại Việt Nam để đẩy mạnh widget nhằm giúp đỡ các người dùng công nghệ số nói chung và các thiết bị Nokia nói riêng tiếp cận sự tiện lợi từ widget.

Ảnh
Nhiều bạn trẻ đam mê công nghệ đã đến để tìm hiểu công nghệ mới

Không riêng gì Nokia Việt Nam, Nokia toàn cầu hiện cũng đang chú tâm phát triển các ứng dụng Mobile Internet mà cụ thể là các widget. Nokia đặt nhiều niềm tin vào việc phát triển Widget vì đây là một phần trong gói giải pháp cho sự hội tụ giữa mobile và internet của Nokia. Ở Việt Nam, việc khuyến khích sử dụng widget cũng là một phần trong chiến lược bản địa hoá các thiết bị Nokia.

Ông cảm nhận ra sao về nhu cầu của khách hàng tại Việt Nam?

Cả hai buổi hội thảo đều thu hút đông đảo người tham dự, điều đó cho thấy nhu cầu tìm hiểu về widget ở Việt Nam là vô cùng lớn. Các lập trình viên Việt Nam hiện đang rất ít thông tin về widget, nên họ đã hỏi tôi khá nhiều những thắc mắc và hỏi đến tường tận vấn đề.

Một điều vượt quá sự mong đợi của tôi ở các lập trình viên Việt Nam là sự đam mê công nghệ, thậm chí một số còn nhớ kỹ những hệ điều hành từ rất lâu mà Nokia sử dụng. Tôi tin rằng sau cuộc hội thảo này, các lập trình viên Việt Nam đã có đủ kiến thức và sự tự tin để phát triển những widget độc đáo phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam.

Tôi chờ đợi sẽ được thử nghiệm các widget sáng tạo này vào tháng 9 khi cuộc thi “Thử thách Widget N97” bước vào giai đoạn kết thúc.

Theo tôi, các ứng dụng widget sẽ phát triển thần tốc tại Việt Nam trong thời gian tới. Trước hết, các bạn có được một đội ngũ lập trình viên tuyệt vời, giỏi kỹ thuật và rất ham học hỏi. Đó là nền tảng cho công nghệ phát triển.

Thứ hai, widget còn khá mới mẻ tại Việt Nam, mở ra cơ hội phát triển kinh doanh tiềm năng cho các nhà lập trình viên và cách tiếp cận khái niệm “mobile internet” hoàn toàn mới mẻ cho các tập đoàn, công ty lớn.

Thứ ba, lập trình widget không khó như lập trình Java hay Symbian. Các bạn không cần thiết phải đầu tư quá nhiều thời gian để tìm hiểu công nghệ này mà vẫn có thể tạo ra các ứng dụng widget có chất lượng cao.

Ngoài ra, hiện nay rất nhiều widget được cung cấp hoàn toàn miễn phí cho người sử dụng Việt Nam. Các widget miễn phí này tương thích với rất nhiều dòng sản phẩm của Nokia như N97, E66, E63, E75, 5630, 6220 classic, 5320, 6210…

Các bạn có thể tìm thấy các ứng dụng dạng widget này tải sẵn trong máy hoặc dễ dàng được tải về từ Ovi Store của Nokia. Điều này tạo cơ hội cho người sử dụng Việt Nam dễ dàng tiếp xúc và làm quen với widget.

Theo VietNamNet.




Bình luận

  • TTCN (0)