Tại Triển lãm 3G ở Hồng Kông năm 2006. Người dùng sẽ được sử dụng được nhiều dịch vụ tiện ích băng thông rộng như lướt nét, nghe nhạc, xem phim trực tuyến... khi triển khai công nghệ di động thế hệ thứ 3 (3G). Ảnh: Thái Khang.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết trong tuần này sẽ trình Bộ trưởng Quyết định thi tuyển 3G (giấy phép triển khai mạng di động thế hệ thứ 3, còn gọi là 3G) để công bố. Việc tổ chức thi tuyển sẽ được tiến hành trong tháng sau và sẽ có báo cáo Thủ tướng về kết quả thi tuyển. Cũng theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, "đề bài" thi tuyển sẽ có những tiêu chí như doanh thu, lợi nhuận, mạng lưới, nguồn nhân lực...

Có hai tháng để doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ

Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện và chuẩn bị công bố thi tuyển 3G. Sau khi lãnh đạo Bộ phê duyệt, Quyết định sẽ đăng trên công báo và ra hướng dẫn để các mạng di động nộp hồ sơ thi tuyển 3G.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự kiến sẽ có hai tháng để các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thi tuyển. Trên cơ sở hồ sơ thi tuyển này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chấm điểm và những mạng di động nào có điểm cao nhất sẽ được cấp phép 3G.

Những đối tượng sẽ được thi tuyển 3G là những mạng di động 2G. Như vậy, sẽ có 6 mạng di động là MobiFone, Vinaphone, Viettel, SPT, Hanoi Telecom, EVN Telecom đều có thể thi tuyển 3G.

Mạng 'lớn' sẵn sàng, mạng 'nhỏ' quyết tâm

Ông Bùi Thiện Minh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), quan điểm trước sau như một, rằng đầu bài thi tuyển giấy phép 3G nên có các tiêu chí như năng lực triển khai tốt nhất để đáp ứng nhu cầu khách hàng với giá cả phù hợp và chất lượng tốt. Để làm được như vậy, cần có các tiêu chí cụ thể như: năng lực tài chính, mạng lưới, khách hàng và nguồn nhân lực và khả năng triển khai kinh doanh.

Dựa vào những tiêu chí như vậy, ông Bùi Thiện Minh tin tưởng rằng, hai mạng di động GSM MobiFone và Vinaphone với thực lực sẽ giành được giấy phép 3G. Nếu được cấp phép 3G, ông Minh cho biết trước mắt VNPT sẽ triển khai 3G tại các thành phố lớn, sau đó tuỳ vào nhu cầu sẽ tiếp tục mở rộng mạng 3G.

Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel, một hiện tượng trong ngành thông tin di động Việt Nam, được cho là ứng cử viên sáng giá khác lấy được giấy phép 3G. Không trực tiếp bình luận khả năng được cấp phép 3G, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel khuyến cáo vốn đầu tư xây dựng mạng 3G không nhỏ, vì vậy nhà khai thác nào có năng lực tài chính mạnh sẽ có điều kiện phát triển mạng 3G tốt hơn. Ngoài ra nhà khai thác 2G nào có nhiều khách hàng nhất cũng có điều kiện triển khai nhanh mạng 3G vì đây sẽ là khách hàng tiềm năng và có lợi thế quy mô để có điều kiện cung cấp dịch vụ 3G với giá rẻ để tạo cơ hội cho nhiều người dùng.

Cho đến thời điểm này, con số giấy phép 3G sẽ được cấp chưa được công bố. Tuy nhiên, vào tháng 5/2007, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá khi đó cho hay với tài nguyên tần số hiện nay, Việt Nam chỉ có thể cấp tối đa 3-4 giấy phép 3G.

Trong khi các mạng di động lớn lạc quan về khả năng được cấp phép 3G, các mạng di động nhỏ hơn (đa số là những người mới đến) cũng bày tỏ quyết tâm giành bằng được giấy phép 3G.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) khẳng định SPT sẽ quyết tâm thi tuyển 3G khi Bộ đưa ra hình thức thi tuyển vì "Thực sự đây là nhu cầu rất cần đối với SPT".
Mạng di động S-Fone cũng đã bước 1 chân vào 3G khi đưa vào công nghệ CDMA 2000 1x EVDO. Tuy nhiên nếu phát triển lên 3G với công nghệ này sẽ bị hạn chế bởi thiết bị đầu cuối, điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Vì vậy, ông Tuấn cho rằng, nếu SPT trúng tuyển 3G thì sẽ đi theo công nghệ khác chứ không phải đi theo con đường CDMA.

"Tôi cho rằng việc thi tuyển 3G cũng đã đảm bảo yếu tố minh bạch. SPT sẽ cố gắng quyết tâm thi tuyển 3G để phát triển một mạng 3G của riêng mình", ông Tuấn nói.

Về vấn đề vốn, theo ông Tuấn trong lĩnh vực đầu tư cho di động thì vốn không phải là chuyện lớn. Đến thời điểm này SPT cũng đã đủ sức xây dựng mạng 3G nếu được cấp phép. Nếu cần thiết SPT có thể thuê chuyên gia và huy động thêm vốn chứ quyết không hợp tác như dự án của S-Fone.

Về phía EVN Telecom, ông Nguyễn Mạnh Bằng, Giám đốc EVN Telecom nói giấy phép 3G là sự "sống còn" của EVN Telecom. Hiện nay do tần số 450 MHz cấp cho công ty hẹp, đang bị can nhiễu nặng nên hạn chế trong việc phát triển khách hàng, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ. Vì vậy, 3G là “cửa thoát” để EVN Telecom bước chân vào thị trường di động và giải quyết được những khó khăn hiện tại của mạng 450 MHz.

Triển khai 3G càng chậm càng thiệt


Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel, bản chất của 3G là xây dựng từ 2G lên. Nhà khai thác nào đã có sẵn mạng 2G rộng nhất sẽ có năng lực triển khai mạng 3G nhanh hơn.

Giấy phép 3G sẽ giải được bài toán Internet băng rộng cho những nơi không thể kéo cáp đồng hoặc muốn có chi phí đầu tư cung cấp dịch vụ thấp. Vì vậy, nếu nhà khai thác có giấy phép 3G có thể sử dụng một phần dung lượng để cung cấp Internet băng rộng, đặc biệt ở các nơi như thị xã hay vùng xa nhanh hơn. Đây là mục tiêu mà các nhà khai thác hướng tới.

Còn ông Bùi Thiện Minh cho rằng, đến thời điểm này mới chuẩn bị thi tuyển để cấp phép 3G là đã hơi muộn. Sở dĩ như vậy vì trên thực tế dịch vụ 3G có thể đáp ứng các dịch vụ cho 2G cho hiện tại và phục vụ dịch vụ 3G trong thương lai. Thông thường các nước cấp phép 3G cho nhà khai thác 2G để đi lên vì trong thời gian đầu dịch vụ 3G và khách hàng sẽ rất ít. Thị trường 3G sẽ dần dần thay thế cho thị trường 2G, như vậy nhà khai thác phải có thời gian quá độ mà vẫn có doanh thu. Chậm cấp phép 3G sẽ nảy sinh tình trạng, mỗi năm các nhà khai thác đầu tư vài nghìn trạm thu phát sóng di động BTS của 2G. Trong khi đó, nếu triển khai 3G, các nhà khai thác di động này sẽ phải đẩu tư lại và gây lãng phí không nhỏ cho nhà nước.

(Theo ICTnews)



Bình luận

  • TTCN (0)