Giám đốc công ty Naiscop Nguyễn Xuân Tài. Ảnh: Đ.D.
Trong khi các trang Web tìm kiếm Việt từ Hoa Tiêu, Pan Việt Nam đến Vinaseek lần lượt mất dạng, nhóm 5 chàng xứ Nghệ vẫn âm thầm xây dựng công cụ tìm kiếm nhằm khẳng định trí tuệ Việt Nam.

Cùng một niềm đam mê

Từ năm 2002, 5 bạn trẻ cùng quê Nghệ An, cùng học chung một lớp từ phổ thông trung học (trường chuyên Phan Bội Châu, thành phố Vinh) đến đại học Bách khoa Hà Nội đã bắt tay cùng nhau xây dựng một trang web tìm kiếm. Đó là Socbay (www.socbay.com) được đưa lên mạng thử nghiệm từ tháng 8/2007. Trang web hiện đang cung cấp một loạt dịch vụ tìm kiếm từ tìm thông tin trên web, tìm bài hát, phim, sách đến tìm địa điểm.

Nguyễn Xuân Tài, một thành viên trong nhóm cho biết, ngoài điểm chung là cùng quê và cùng học với nhau, cả 5 thành viên tham gia xây dựng Socbay đều là những người đam mê tin học từ sớm. Ngay từ thời học trung học phổ thông, 3 thành viên trong nhóm đã giành các giải nhất, nhì và ba trong cuộc thi tin học trẻ không chuyên toàn quốc. Nguyễn Xuân Tài còn là người trẻ nhất Việt Nam thi đỗ cả hai chuẩn kiến thức CNTT Nhật Bản FE (công nghệ thông tin cơ bản) và SW (phần mềm) khi đang là sinh viên năm thứ 3.

Tài cũng là người đầu tiên trong nhóm dấn thân vào nghiên cứu về công nghệ tìm kiếm từ năm 2002. Đến năm 2004, Tài cùng 4 người bạn thân khi đó đang là sinh viên khoa tin năm thứ 3 của đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu cùng hợp lực nghiên cứu về spider (rệp điện tử). Cùng năm đó, sản phẩm spider của nhóm đã đạt giải 3 VIFOTEC của Bộ KHCN.

Ảnh
Năm thành viên tham gia xây dựng Socbay. Ảnh: Đ.D.


Trong suốt 2 năm học cuối cùng ở đại học Bách khoa, cả nhóm tiếp tục cùng nghiên cứu về phần xử lý tìm kiếm, tập trung vào tiếng Việt và khả năng xử lý khối dữ liệu lớn. Trong thời gian này, nhóm đã nhận được sự hỗ trợ đường truyền và máy chủ của Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC). Công ty ELCOM hỗ trợ phòng ốc và các thiết bị làm việc với trị giá khoảng 200 ngàn đô la Mỹ trong suốt thời gian cả 5 năm người cùng thực tập tại đó. Sau khi kết thúc thời gian thực tập ở công ty ELCOM, với kết quả nghiên cứu khả quan, cả nhóm quyết định gom tiền thuê nhà lập công ty. Vào tháng 7/2006, công ty Naiscorp ra đời sau khi cả nhóm tốt nghiệp đại học Bách khoa khoảng một tháng.

Ấp ủ giấc mơ công nghệ tìm kiếm Việt

Sau một năm tập trung triển khai, phiên bản thử nghiệm của Sobay.com đã xuất hiện trên mạng vào ngày 15/8/2007. Tài hiện là giám đốc công ty Naiscorp cho hay, ước mơ của cả nhóm là xây dựng Socbay trở thành cổng thông tin được người dùng Internet Việt Nam tin cậy và nổi tiếng như trang web tìm kiếm Baidu ở Trung Quốc hay Naver ở Hàn Quốc.

Các sản phẩm tìm kiếm của Việt Nam hiện nay đa phần là sử dụng phần mềm nguồn mở, những sản phẩm có sẵn như Fastsearch hoặc sử dụng công nghệ của Yahoo hay Google để phát triển các dịch vụ tìm kiếm chuyên biệt, phổ biến là tìm bài hát, phim, địa điểm… Nhưng suy nghĩ sẽ khó đi xa nếu không có công nghệ riêng, nhóm 5 bạn trẻ quyết định không sử dụng công nghệ của Microsoft hay mã nguồn mở mà tự phát triển công nghệ riêng.

Đến nay, Tài cho biết Socbay đã có thể trả kết quả tìm kiếm trong nửa giây, mục tiêu sắp tới là có thể trả kết quả chỉ trong 0,2 giây. Ngoài tốc độ, điểm mạnh của Socbay là khả năng hiểu tiếng Việt và có lượng dữ liệu tiếng Việt lớn được phân lớp tốt nên có thể cho ra kết quả sát với mong muốn của người dùng hơn. Ví dụ, tìm từ viết tắt là “CNTT” thì Socbay hiểu đó là từ viết tắt của “công nghệ thông tin” hay tìm từ “nguyễn mạnh hùng” thì bộ máy tìm kiếm hiểu đó là tên người. Để phát huy thế mạnh hiểu tiếng Việt, Socbay có một đội ngũ những người là chuyên gia ngôn ngữ tham gia dự án.

Socbay hiện đang cung cấp dịch vụ tìm kiếm web, bài hát (các file nhạc MP3), sách và địa điểm. Ở dịch vụ tìm kiếm bài hát, người dùng chỉ cần nhớ một phần lời bài hát là có thể tìm được bài đó. Socbay hiện có kho dữ liệu lớn âm nhạc với hơn 1000 trang web. Sắp tới, Socbay tiếp tục ra mắt dịch vụ tìm kiếm cộng đồng (tìm blog và diễn đàn) và tìm kiếm qua tin nhắn SMS.

Theo Nguyễn Xuân Tài thì mục tiêu của Socbay là cung cấp một hệ thống các dịch vụ liên hoàn đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng. Ví dụ, khách hàng muốn mua sách có thể tìm được thông tin về các cuốn sách (gồm cả giá và những nơi bán sách) họ muốn trên Socbay, sau đó có thể dùng dịch vụ chỉ dẫn bản đồ trên Socbay để biết đường đến những nơi bán sách. Ngoài ra, nhóm 5 bạn trẻ này còn đang ấp ủ tham vọng xây dựng hệ thống chuyển đổi các trang tin nước ngoài sang tiếng Việt, giúp người dùng Internet Việt dễ dàng tiếp cận hơn tới kho tri thức của nhân loại.

Dự kiến, Socbay sẽ kết thúc giai đoạn thử nghiệm vào đầu năm tới. Các thành viên trong nhóm cho biết họ đang tìm kiếm “mạnh thường quân” tiếp sức cho Socbay, vì đầu tư cho trang thiết bị và hơn 20 nhân viên duy trì cho hệ thống tìm kiếm này rất tốn kém. Để duy trì Socbay, các thành viên trong nhóm từ ngày lập công ty đến giờ phải làm đủ việc lấy ngắn nuôi dài, với hy vọng 3-4 năm tới Socbay sẽ có lời. Đó là thời điểm như Tài dự báo là lúc thị trường quảng cáo trực tuyến và thanh toán qua mạng sẽ bùng nổ, cũng là lúc mà các trang tin tức sẽ không còn đứng nhất nhì về lượng người truy cập như hiện nay và cũng là lúc Việt Nam có khoảng 30 triệu người dùng Internet.

Rộn ràng Web tìm kiếm Việt

Năm 2007 có thể coi là thời điểm khởi đầu giai đoạn nhộn nhịp trở lại của thị trường web tìm kiếm Việt sau khi các bộ máy tìm kiếm “đời đầu” như Hoa Tiêu, PAN Việt Nam, Vinaseek im hơi lặng tiếng trước sức bành trướng của Google và Yahoo.

Từ đầu năm 2007, Công ty cổ phần mạng trực tuyến Việt Nam (VON) đã khơi mào cho “làn sóng” tìm kiếm web Việt khi ra mắt trang web Timnhanh được quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital rót tới 2 triệu USD tiền vốn. Không chịu kém cạnh, quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Venture Việt Nam cũng vừa tuyên bố “bơm” vốn vào hai dự án tìm kiếm của Việt Nam là trang web tìm kiếm Bamboo của công ty Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam và trang web tìm bản đồ diadiem.com. Tiếp đó, vào tháng 11 năm 2007 vừa qua, VinaGame, doanh nghiệp được IDG Venture Việt Nam rót vốn, đã chính thức ra mắt trang web tìm kiếm bài hát Zing MP3 (http://mp3.zing.vn). Công ty Tinh Vân cũng đang âm thầm vực dậy trang web tìm kiếm một thời đình đám Vinaseek. Chưa tiết lộ cụ thể về những đổi mới của bộ máy tìm kiếm này nhưng theo một đại diện của Tinh Vân thì đầu tư vực dậy Vinaseek đã tăng hơn gấp hai lần đầu tư so với dự kiến ban đầu là 1 triệu USD.

Ngoài ra, còn có một số dự án tìm kiếm web của Việt Nam cũng đang trong giai đoạn âm thầm thử nghiệm, gồm 7Sắc (www.7sac.com) với tiện ích tìm kiếm thông tin tổng hợp, hình ảnh và bài hát (file nhạc MP3) hay 123go (www.123go.vn) chuyên về tìm kiếm tin rao vặt về điện thoại, nhà đất, xa máy và xe hơi.

Đỗ Duy (ICTnews)




Bình luận

  • TTCN (1)
Hải Nam  30903

Trang chủ socbay.com đang để MP3 làm công cụ tìm kiếm mặc định, một dấu hiệu khởi đầu tốt ;D Tập trung vào mấy lĩnh vực này thế nào cũng thắng.

Về công nghệ thì 0,2s với 0,5s không khác nhau mấy, mà không biết tốc độ này test trong điều kiện nào. Mấy cái phân lớp từ thì hình như Google nó hiểu lâu rồi thì phải, hoặc ít nhất Google nó biết "OS = HĐH = Hệ điều hành".