Các website giả mạo thường tung các thông tin mang tính cạnh tranh không lành mạnh, tạo ra những chiêu, trò nhằm hạ bệ uy tín đối thủ.

Tuy vậy, các bài học này dường như chưa được các DN quan tâm nhiều hoặc có quan tâm nhưng chưa sát nên những kẻ lừa đảo, giả mạo vẫn có đất “tung hoành”, gây thiệt hại đến uy tín, doanh thu của DN và làm mất niềm tin của khách hàng.

Lừa đảo tinh vi

Điểm lại các vụ giả mạo website từ trước đến nay cho thấy, các website bị giả mạo đa số là những website của các công ty lớn, đã có thương hiệu trên thị trường như: Viễn Thông A, Halo Shop, Be Training, Kymdan… Cách thức giả mạo website, kẻ lừa đảo mua những tên miền có những cụm từ hoặc địa chỉ gần giống tên website của các DN, ví dụ: “VienthongA” đối thủ sẽ dùng “Vienthong” hoặc “Vienthong” hay “Kimdan”, đối thủ sẽ dùng “Kimda” hoặc “Kimdam”… Sau đó, kẻ giả mạo sẽ dùng các biện pháp kĩ thuật hoặc mua dịch vụ quảng cáo của Google để các website giả mạo được xuất hiện trên đầu danh sách tìm kiếm. Mặt khác, kẻ lừa đảo tung lên các website giả mạo những thông tin giảm giá sản phẩm hoặc khuyến mãi gây “sốc” của các DN có website bị giả mạo. Người tiêu dùng không để ý sẽ nhấp chuột vào các website này. Nhiều khách hàng đã phải hứng chịu thiệt hại lớn từ những kiểu lừa đảo dạng này.

Vừa qua Viễn Thông A đã phải phát đi thông báo khẩn cấp về việc có hai website giả mạo website của Viễn Thông A là vienthonga.net.vn và vien thongsaigon.us. Hai website này đã sử dụng thương hiệu và hình ảnh của Viễn Thông A để quảng cáo và rao bán các sản phẩm điện thoại, máy tính bảng với nội dung “khuyến mãi, giảm giá từ 50%-60% đối với các sản phẩm Samsung Galaxy S3, Samsung Galaxy Note; iPhone 4S, The new iPad...” hay nhân dịp Viễn Thông A “tưng bừng khai trương siêu thị” mới giảm giá đến 60%. Ngay sau khi thông tin được đăng tải trên hai website giả mạo, Viễn Thông A đã liên hệ và yêu cầu chủ hai trang web này gỡ bỏ các thông tin liên quan đến Viễn Thông A. Mặc dù hai website kia gỡ bỏ nhưng do thông tin được link đến rất nhiều trang mua bán – rao vặt khác nên rất nhiều khách hàng của Viễn Thông A trên cả nước đã mua hàng trực tuyến, thanh toán tiền qua mạng vẫn phải ngậm ngùi vì mua hàng nhái, hàng giả với giá lên tới 5 – 6 triệu đồng/chiếc. Một số khách hàng chưa biết đã “đổ tội” lên đầu Viễn Thông A.

Tỉnh táo tránh thiệt hại

Có thể thấy rõ, mục đích của các vụ giả mạo website là hướng đến hạ bệ uy tín chủ thương thiệu, tung tin thất thiệt về sản phẩm hoặc làm cho khách hàng mất dần niềm tin đối với những DN có website bị giả mạo, thực hiện hành vi “lừa đảo” để bán hàng giả, hàng nhái. Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena, đồng thời cũng là đơn vị đào tạo về Marketing online đã đưa ra các biện pháp giúp DN bị giả mạo website và người tiêu dùng cảnh giác: “Khi các DN đăng kí tên miền, để tránh việc giả mạo website nên đăng kí luôn các tên miền có liên quan, từ .com đến .vn, .vn.com... để hạn chế các đối thủ mua tên miền này và thực hiện website giả mạo. Mặt khác, để hạn chế giả mạo trên website, công ty nên công bố địa chỉ tên miền chính thức sử dụng của công ty để khách hàng dễ nhận biết tránh không bị lừa đảo.

Trong nội bộ công ty, bộ phận IT của công ty nên thường xuyên tìm kiếm các từ khóa search trên mạng liên quan đến tổ chức của mình xem xuất hiện ở những trang web nào, thống kê lại những trang web có tên miền gần giống của công ty mình. Nếu phát hiện có trang web giả mạo, bộ phận IT nhanh chóng cảnh báo cho ban quản lí và thực hiện báo cáo những trang web giả mạo lừa đảo đến các cơ quan chức năng như: Thanh tra Sở TTTT, Thanh Tra Sở Công thương, Cục phòng chống Tội phạm Công nghệ cao.

Về biện pháp kĩ thuật, các IT khi phát hiện các trang web giả mạo lừa đảo nên gửi thông tin này cho tổ chức chống lừa đảo website quốc tế - http://www.phishtank.com (đây là tổ chức cung cấp cơ sở dữ liệu để chống các trang web lừa đảo cho Avira, Kaspersky...). Đối với các website bán hàng trực tuyến nên đăng kí với tổ chức xác thực uy tín - bảo mật website như Verisign. Khi đó, các giao dịch qua website sẽ được mã hóa để đảm bảo an ninh mạng và cũng chống giả mạo website.

Đối với người tiêu dùng, để nhận biết được website giả mạo, trước tiên người sử dụng phải có ý thức cảnh giác khi thực hiện các mua hàng qua mạng, cần phải kiểm tra công ty bán hàng qua mạng có uy tín, trang web có mã hóa SSL với xác thực của các tổ chức uy tín hay không?

Quan tâm thời hạn tên miền

Theo bà Hoàng Tố Như, Phó Phòng sở hữu trí tuệ, sở KHCN TPHCM khuyên, các DN nên chủ động ngăn chặn hành vi vi phạm trước khi nó xảy ra. Đăng kí tên miền ngày càng dễ dàng và chi phí không đắt, các DN có thể đăng kí, sử dụng tên miền bằng chính nhãn hiệu, tên thương mại của mình để thuận lợi cho bảo hộ sau này. Mặt khác, các DN cũng cần lưu ý đến thời hạn sử dụng của tên miền và thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận nhãn hiệu. Nếu hết thời hạn, DN không làm thủ tục gia hạn thì hiệu lực của các giấy chứng nhận sẽ hết, khi đó người khác có thể đăng kí, chiếm giữ thậm chí có thể kiện ngược lại nếu họ được cấp văn bằng. Ngoài ra, DN có thể chứng thực các chứng cứ vi phạm trên mạng Internet để làm bằng chứng vi phạm khi nộp hồ sơ khiếu kiện thông qua “Phòng Thừa phát lại” tại TPHCM. Khi đã chứng thực được chứng cứ vi phạm thì dù thông tin vi phạm có bị gỡ đi khỏi mạng Internet cũng không làm ảnh hưởng quá trình khiếu nại, tố cáo.

Tăng hình thức xử phạt

Nghị định 197/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp quy định: Phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi sau đây: Đăng kí, chiếm giữ sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lí, tên thương mại của người khác được bảo hộ nhằm chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lí tương ứng. Bên cạnh hình thức phạt tiền còn có các hình thức xử phạt bổ sung như: đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm kể cả hoạt động thương mại điện tử đến 6 tháng.Và các biện pháp khắc phục hậu quả là: loại bỏ yếu tố vi phạm; buộc loại bỏ thông tin về hàng hóa dịch vụ vi phạm trên phương tiện quảng cáo, trang tin điện tử, buộc thay đổi, thu hồi tên miền chứa yếu tố vi phạm. Tuy nhiên, theo bà Như xử phạt đối với các trường hợp vi phạm SHTT vẫn còn khá rối, và cần tăng hình phạt thật nặng để nhằm răn đe các trường hợp vi phạm.

Theo Tgs.vn



Bình luận

  • TTCN (1)
Tro Choi Vui  373

Trang web giả mạo chỉ đi lừa đão thui