Khi mà ngành CNTT Việt Nam còn bao ngổn ngang, bộn bề khó khăn, đặc biệt về nguồn nhân lực, còn trên thế giới luôn có những bước tiến vượt bậc về công nghệ cao, thì với nhiều người, để có Công nghệ di động Việt Nam quả là điều xa vời. Nhưng ông Nguyễn Công Khanh, một Việt kiều với bầu nhiệt huyết, niềm tin Việt Nam sẽ tạo dựng nên công nghệ di động. lại có suy nghĩ khác. Dựa vào chính trí tuệ Việt Nam, ông Khanh đưa ra một lộ trình về phát triển một mặt trận công nghệ cao.

Tuy đây là ý kiến của một cá nhân và việc chuyển từ ý tưởng thành thực tế đòi hỏi cả một quá trình, song những ý kiến vì mục tiêu chung phát triển nền CNTT Việt Nam ngang tầm thế giới như vậy đều rất đáng trân trọng. Vì vậy, ICTnews xin giới thiệu lá thư ngỏ của ông Nguyễn Công Khanh và mong tiếp tục nhận được ý kiến độc giả đóng góp cho sự phát triển của CNTT Việt Nam.

Lá thư ngỏ gởi Bộ TT & TT Việt Nam

Kính thưa các vị lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam,

Nhân cơ hội giao lưu trực tuyến với Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, tôi xin mạn phép viết lá thư tâm huyết này để góp chút thiển ý vào công trình “Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa” đất nước Việt Nam yêu quý của chúng ta.

Trước hết tôi xin tự giới thiệu là Nguyễn Công Khanh, Việt kiều hải ngoại sống gần nửa thế kỷ ở Pháp (32 năm) và ở Hoa Kỳ (14 năm), chuyên gia về CNTT. Tôi đã từng cộng tác với anh Trương Trọng Thi vào thập kỷ 70 trên lãnh vực máy vi tính. Như các vị được biết chính anh Trương Trọng Thi là người đầu tiên trên thế giới vào năm 1971-1972 đã phát minh ra máy vi tính!

Cũng giống như anh Thi vào cuối thập niên 70 đã cố gắng mang Công nghệ Vi tính về quảng bá ở Việt Nam để giúp đất nước thời bấy giờ nhưng tiếc thay không thành công. Bây giờ tôi đang cố gắng kêu gọi mọi tầng lớp chính trị, trí tuệ và doanh nhân CNTT VN hãy đứng lên cùng nhau nắm bắt lấy cơ hội lịch sử hiếm có (xem: Android, một cơ hội cho CNTT Việt Nam), có thể đưa nước chúng ta vào quỹ đạo của các nước thiết kế sáng tạo thay vì chỉ biết tiêu dùng hay làm gia công lập trình sản xuất.

Qua theo dõi cuộc trực tuyến, tôi xin trân trọng cám ơn câu trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng về Công nghệ Di Động mà tôi đã đặt ra, trong đó Thứ trưởng cho biết: “Bộ TT&TT cũng đang nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách nhằm tăng hàm lượng chất xám của người Việt trong các sản phẩm điện thoại di động made in Vietnam này.”

Đây quả thực là một tin thật đáng vui mừng, và tôi rất mong mỏi rằng Bộ TT&TT sẽ đứng ra tổ chức “Mặt trận Công Nghệ Cao” giống như Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Nhật Bản (MITI) sau thế chiến thứ II để kêu gọi thành lập và thực hiện chung một kế sách “đi tắt đón đầu” phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta, mang lại những bước đột phá vào thị trường quốc tế trong lãnh vực di động. Bởi vì Công Nghệ Di Động chính là mũi nhọn của ngành CNTT thế giới. Nếu chúng ta không đầu tư và sửa soạn kịp thời đội ngũ kỹ sư “chuyên gia” ngay từ bây giờ thì e rằng chúng ta sẽ lại bỏ lỡ một cơ hội giống như cơ hội máy vi tính năm xưa… Thật đáng tiếc!

Vì lý do lịch sử và chiến tranh, nước chúng ta đã nổ lực từ lúc “Đổi mới” nhưng không đuổi kịp đà tiến triển công nghiệp, nhất là trong công nghệ cao so với các nước trong khu vực. Sau những thất bại chua cay như đề án 112, nhà máy sản xuất điện thoại di động và nhiều dự án công nghệ khác v.v… Chúng ta đã ý thức được là muốn làm bất cứ một đề án công nghệ nào cho thành công, thì dù có ý tưởng và tài chính vẫn chưa đủ, chúng ta còn cần có một nguồn nhân lực có bản lĩnh thật sự và thật nhiều tâm huyết, bằng không sẽ bị đưa đến tình trạng lãng phí và thất bại hoàn toàn như chúng ta đều biết.

Bản lĩnh trong CNTT không phải là những văn bằng mà gồm các kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thực tiễn do đam mê làm việc và kinh nghiệm nghề nghiệp đúc kết mà thành tựu. Những ai đã từng thức thâu đêm để giải quyết những vấn đề kỹ thuật như thiết kế hay lập trình thì trước sau gì họ sẽ có bản lĩnh trong lãnh vực CNTT! Vì vậy muốn tạo nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao, học vấn ở nhà trường vẫn chưa đủ, chúng ta cần tạo điều kiện như thiết lập những trung tâm nghiên cứu và phát triển CNTT liên hệ mật thiết với các trường Đại học để các thầy cũng như trò cùng nhau tham khảo và làm việc trên những đề án thực tiễn cần thiết cho người tiêu dùng ví dụ như doanh nhân Việt Nam.

Nói tóm lại nước Việt Nam chúng ta ở tại thời điểm này rất cần đến các chuyên gia và thiết kế gia hơn là những thạc sĩ hay tiến sĩ để phát triển nền CNTT. Ngân sách Giáo dục và Đào tạo nên cống hiến một phần quan trọng vào sự đào tạo nhân lực có khả năng “dám nghĩ, dám làm” trước những thách thức do hội nhập thị trường quốc tế gây ra.

Còn một thực tế nữa chúng ta cần phải lưu ý là việc đào tạo ra nhân tài đã là một chuyện khó, giữ được họ để tận lòng phục vụ cho đất nước là chuyện khó hơn! Tuy nhiên nếu chúng ta có một chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, tận dụng tài năng “đúng người, đúng chỗ” thì vấn đề “chảy máu chất xám” có thể ngăn chận kịp thời.

Năm 2007, sản phẩm nổi bật nhất của thế giới và được đánh giá bởi tạp chí Time là phát minh xuất sắc nhất là chiếc điện thoại “iPhone” của tập đoàn Apple. Mặc dù còn có nhiều hạn chế, nhưng sản phẩm này được coi như là dấu mốc thời điểm bắt đầu của công nghệ máy Di Động thông minh! Điện thoại thông minh không phải là sản phẩm mới lạ gì vì chúng đã xuất hiện trên thị trường vào những năm 2003 trở đi, điều đáng để ý là iPhone đã mang tính chất “Sáng tạo” (Innovation) đặc thù của Steve Jobs, một trong hai sáng lập gia của công ty Apple và SJ chính là người đã chủ trì thiết kế ra dòng máy vi tính Macs làm đảo lộn càn khôn trong ngành Điện toán vào những thập niên vừa qua!

Hai chữ thần diệu “Sáng tạo” chính là điều mà tôi muốn nói và nhấn mạnh cho đất nước chúng ta. Nếu không sáng tạo dân tộc ta chắc chắn đã không viết ra được những trang sử hào hùng mà cả thế giới đều kính phục và ngưỡng mộ! Nhưng trong lãnh vực CNTT, có lẽ vì thiếu tầm nhìn và bản lĩnh công nghệ nên chúng ta chưa biết áp dụng triệt để tinh thần Sáng tạo của cha ông để tạo thế đứng vững chắc hầu phát huy năng lực của dân tộc.

Muốn sáng tạo trước hết chúng ta cần có tầm nhìn trên công nghệ và thị trường thế giới để tìm hiểu những cơ hội có thể khai thác hay phát triển trong tương lai. Dù là một quốc gia chúng ta cũng không thể đầu tư và đào tạo một cách đại trà trên mọi lãnh vực của CNTT. Chúng ta nên tập trung vào một vài lãnh vực công nghệ có nhiều tiềm năng mà sự thành công có tính khả thi cao và phù hợp với khả năng của chúng ta. Trong CNTT chúng ta đã chọn con đường “Gia Công Phần Mềm” để làm nền tảng phát triển theo mô hình của Ấn Độ. Đó là sự lựa chọn khôn ngoan của thời buổi đó nhưng bây giờ chúng ta thấy có nhiều hạn chế và đã không đạt được mục tiêu tài chính mong muốn. Vì vậy chúng ta cần phải tìm tòi nghiên cứu thêm những giải pháp hay sản phẩm nào khác, có thể dùng trong nội địa và ở ngoại quốc, để đột phá vào thị trường toàn cầu.

Trong cuộc trực tuyến vừa qua bạn Ngô Sỹ Thuyết đã có nhận định chính xác về các tập đoàn đứng đầu ngành CNTT Hoa Kỳ và đã mạnh dạn yêu cầu xin gặp và được chấp thuận bởi Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng để trình bày ý tưởng hay giải pháp cho sự phát triển CNTT Việt Nam. Nếu tôi không lầm thì ở Việt Nam ta hiện nay có ít nhất vài ngàn nhân sĩ như bạn NST, có thể vừa có tài vừa có đức và có ý tưởng hay, muốn Chính phủ lắng nghe và giúp đỡ họ để thực hiện kế sách riêng của mỗi người.

Dựa vào ý tưởng ấy tôi xin mạn phép đề nghị là Bộ TT & TT nên đứng ra tổ chức ba cuộc hội thảo Nam (TP HCM), Trung (TP Đà Nẵng) và Bắc (Hà Nội) có thể tạm gọi là hội nghị “Tiểu Diên Hồng” để cho nhân sĩ toàn quốc Việt Nam trong CNTT có thể đóng góp ý tưởng và giải pháp. Sau đó Bộ sẽ lựa ra 90 nhân sĩ trong ba miền có bản lĩnh thật thụ và 9 đề án có tính khả thi cao và mang lại công nghệ hay sản phẩm mới mẻ để đột phá thị trường quốc nội và quốc ngoại. Để có thể tài trợ những dự án này Chính phủ đứng ra kêu gọi các tập đoàn lớn như VNPT, FPT, EVN..., các công ty CNTT và công kỹ nghệ nặng khác trong nước, hãy cùng nhau góp vốn và thành lập một tổ chức có quỹ đầu tư mạo hiểm có thể gọi là “Mặt Trận Công Nghệ Cao VN”. Hai thành phố HCM và Đà Nẵng cùng thủ đô Hà Nội, vì ích lợi quốc gia sẽ cung cấp hạ tầng cơ sở để ủng hộ kế hoạch này.

Như vậy khởi đầu chúng ta chỉ cần bỏ ra một số vốn tương đối nhỏ, khoảng 15 tỷ ĐVN mỗi năm (90 người x 10 TĐVN x 12 tháng + tiền máy vi tính/mạng/linh kiện và chi phí linh tinh) để tài trợ 9 đề án tầm vóc quốc tế trong lãnh vực Công Nghệ Cao mỗi năm. Với sự kiểm soát chặt chẽ của Bộ TT & TT, chín đội ngũ này phải thi đua làm việc theo năng suất và được đánh giá theo kết quả từng tháng một theo lịch trình quy định rõ rệt trước. Lợi nhuận của các đề án thành công sẽ được chia ra làm hai phần bằng nhau. Một phần thưởng cho đội ngũ đã thành công còn phần kia chia cho các chủ đầu tư vốn, nhưng được tích lũy lại trong quỹ để phát triển những dự án kế tiếp.

Tôi tin tưởng rằng với những nhân sĩ tài ba và nhiệt huyết trong một tổ chức tuy đơn giản nhưng có quy củ và thưởng phạt anh minh, thì việc sáng tạo ra sản phẩm hay công nghệ tiền tiến cho đất nước VN ta là chuyện trong tầm tay. Chỉ cần năm hay mười năm chúng ta sẽ có ngàn chuyên gia bản lĩnh, hằng trăm công ty CNTT với một số sản phẩm giá trị trên thị trường quốc tế…

Trong thời kỳ hội nhập toàn cầu bây giờ, chúng ta có thể ví ngành CNTT thế giới như một mặt trận thảm khốc nhưng không đẫm máu giữa các quốc gia để xâm chiếm đất đai, đó chính là những thị phần. Các công ty và tập đoàn là những đạo quân, các vị lãnh đạo là chủ soái, những công nghệ là những khẩu đại bác, các sản phẩm là những viên đạn dùng để chiếm đoạt thị trường trong và ngoài nước… Trong bối cảnh ấy, chúng ta thử suy nghĩ và khách quan nhận định được thực trạng của nước ta trong lãnh vực CNTT. Mặc dù kết luận rất bi quan, nhưng chúng ta đừng quên rằng tổ tiên chúng ta đã thành công trong việc dựng nước và bảo vệ lãnh thổ VN bằng những chiến trận khốc liệt với quân lực yếu kém hơn thù địch, nhưng với tấm lòng quả cảm anh dũng và tinh thần đại đoàn kết!

Thưa quý vị lãnh đạo Bộ TT & TT, nếu chúng ta muốn thắng lợi trong trận chiến Công Nghệ Cao toàn cầu thì chắc chắn chúng ta cần phải bắt chước cách thức “lấy thế yếu chế ngự thế mạnh” bằng mưu trí của tổ tiên chúng ta.

Bác Hồ và các vị tướng lãnh yêu kính của chúng ta đã dùng cách “đánh du kích” để chiến thắng những đạo quân viễn chinh hùng hậu đầy bom đạn súng ống… Là con cháu của các vị anh hùng hào kiệt ấy, sao chúng ta không thử dùng chiến thuật này để dành thắng lợi trên lãnh vực CNTT?

Xin trân trọng kính chào,

Khanh Nguyen

(Theo ICTNews)



Bình luận

  • TTCN (3)
cẩm nang online

Giải thích rõ hơn

Đọc hết bài này, thấy ý tưởng rất hay. Rất lớn - nhưng câu hỏi đặc ra là: công nghệ di động là gì? Và khi thực hiện dự án này nên tập trung vào phần nào? Phần cứng hay phần mềm?
Nếu có thể nên chi tiết hơn về những dự đoán về công nghệ di động trong tương lai.
Thanks

Nemo Nguyen  21665

Bác Khanh này ý muốn nhắc đến phần mềm và ứng dụng (có hướng đến Android) vì phần cứng thì khó có thể đuổi kịp nước ngòai (phần cứng thua công nghệ 1 năm là hết bán hàng huống gì VN thua cả 10 năm).

Bài viết ý muốn đề nghị thành lập các nhóm R&D trọng điểm (từ ngân sách nhà nước kêu gọi đầu tư) -> khuyến khích và ưa đãi họ phát huy khả năng -> đây là tiền đề cho ngành CN di động.

Ý tưởng thì nghe có vẻ đơn giản, khả thi (đặc biệt là chi phí có vẻ ko cao...), nhưng bác Khanh có bao giờ nghĩ xem, tại sao các công ty di động với lợi nhuận "hàng ngành tỷ đồng/năm" (Mobile là hơn 5000 tỷ) lại chẳng buồn đầu tư cho nghiên cứu ko? VN ko thiếu tiền cho nghiên cứu và phát triển nhưng có "nhiều lý do" để họ chưa (hoặc chưa muốn) đầu tư mạnh.

Nemo Nguyen  21665

Đọc đến đoạn "Trương Trọng Thi" thì thấy cái tên quen quen, đọc thêm 1 đoạn nữa thì mới nhận ra là mình biết bác này trong danh sách các "danh nhân hình thành nền công nghiệp máy tính và truyền thông" được trưng bày trong phòng thí nghiệm của trường mình ( và nhiều labo khác trên thế giới).

Cũng tự hào ra phết (vì danh sách này hình như ko có đồng chí Trung Quốc, Japan nào thì phải....)